Hà Nội: Vụ án giết người bị khiếu nại bỏ lọt tội phạm?

(PLVN) - Mặc dù Trần Văn Tỉnh (tên gọi khác là Ngẫn – trú tại thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyên Sóc Sơn, TP.Hà Nội) đã bị truy tố, đưa ra xét xử và lĩnh án tử hình về tội “Giết người”. Tuy nhiên, theo gia đình bị hại, trong vụ án này chứng cứ chưa được đánh giá khách quan, toàn diện, có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm.
Ông Trần Văn Phụng trao đổi sự việc với phóng viên
Ông Trần Văn Phụng trao đổi sự việc với phóng viên

Giết người, phóng hỏa phi tang

Theo hồ sơ, khoảng 20h30p ngày 27/1/2017 (tức ngày 30 Tết Bính Thân) sau khi đi ăn cơm tất niên tại gia đình ông Nguyễn Văn Thống (tại thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn), Trần Văn Tỉnh  đi xe đạp theo đường ven đầm của thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ để về nhà. Khi đi đến gần lán trại của ông Trần Văn Trường thì Tỉnh nhìn thấy trong khu vực lán trại có đèn điện chiếu sáng. Do đã có men rượu và trước đó có mâu thuẫn cá nhân với ông Trường, nên Tỉnh đã để xe đạp ở cách khu vực lán trại của ông Trường khoảng 40m rồi đi bộ vào lán với mục đích giết chết ông Trường để trả thù. 

Khi vào lán, nhìn vào trong thấy ông Trường nằm ngủ trong màn, Tỉnh lấy 1 chiếc cuốc và mảnh gỗ, gạch... tấn công ông Trường… Xác định nạn nhân đã chết, Tỉnh đã đốt lán trại của ông Trường để phi tang.

Ngày 31/1/2017, Trần Văn Tỉnh đã bị Công an TP.Hà Nội bắt khẩn cấp về hành vi giết ông Trường. Ngày 4/7/2018, VKSND TP.Hà Nội đã ban hành bản cáo trạng tuy tố Trần Văn Tỉnh về các tội “Giết người”; “Cướp tài sản” và “Hủy hoại tài sản”  quy định tại điểm i, n Khoản 1 Điều 123, Khoản 1 Điều 168, Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 10/12/2018, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án trên ra xét xử và quyết định tuyên phạt Trần Văn Tỉnh tù chung thân về tội “Giết người”, 03 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 09 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung của ba tội là tù chung thân.

Không đồng tình, ông Trần Văn Phụng (đại diện người bị hại) kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm. Ngày 25/12/2018, Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 02/QĐ-VKS-P2 kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, phần áp dụng hình phạt theo hướng xử phạt bị cáo Trần Văn Tỉnh tử hình về tội “Giết người”.

Ngày 24/5/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm và quyết định xử phạt Trần Văn Tỉnh tử hình về tội “Giết người”. Tổng hợp hình phạt buộc Tỉnh phải chấp hành hình phạt chung của cả ba tội là “Tử hình”.

Các chứng cứ của vụ án chưa được đánh giá toàn diện?

Ông Trần Văn Phụng cho biết, trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, tại trang 13 của Bản án phúc thẩm số 300/2019/HS-PT ngày 24/5/2019 của TAND Cấp cao tại Hà Nội có nội dung căn cứ vào Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 tuyên bị cáo Trần Văn Tình “Tử hình”. Tuy nhiên, tại Điều 35 lại quy định là hình phạt tiền.

 Mặt khác, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án còn nhiều tình tiết, chứng cứ của vụ án chưa được đánh giá khách quan, toàn diện, có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Theo đó, vật chứng để chứng minh đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra nhưng không được đưa vào hồ sơ vụ án, không được xem xét toàn diện khi giải quyết vụ án. “Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bào chữa cho ông Tỉnh và tôi đã xuất trình chứng cứ tại phiên tòa là lời trình bày của những người làm chứng là ông Trần Văn Ninh và ông Nguyễn Văn Khoa (cùng trú tại thôn Kim Hạ - tại tòa ông Ninh và ông Khoa cũng có mặt), về việc: Tại thời điểm xảy ra vụ án, cơ quan Công an có thu giữ một chiếc áo dính máu cho vào túi nilon tại nhà ông Vũ Văn H, nhưng trong hồ sơ vụ án không nhắc đến chiếc áo này”, ông Phụng cho biết.

Đồng thời, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan Công an đã thu giữ một con dao nhọn một lưỡi, chuôi bằng gỗ có buộc thêm một khúc gỗ bằng dây kim loại phía dưới giường của bị hại Trường. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ đưa vào hồ sơ vụ án và không điều tra, xem xét về nguồn gốc con dao. Vẫn lời ông Phụng, trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng đã chưa tiến hành yêu cầu trưng cầu giám định ADN từ các vết máu, tóc thu được từ hiện trường vụ án; ngoài ra còn vi phạm về thủ tục tố tụng trong quá trình thực nghiệm điều tra vụ án. Tại buổi thực nghiệm điều tra, Cơ quan CSĐT đã tiến hành thực nghiệm vào buổi chiều. Trong khi đó bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào ban đêm.

“Tôi cho rằng ông Tỉnh có đồng phạm nên đã có đơn đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Hội và bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội để điều tra, xét xử lại từ đầu theo quy định của pháp luật”, ông Phụng cho biết.

Đọc thêm