Hà Tĩnh: Ngôi đình cổ nhất xứ Nghệ “kêu cứu”

(PLVN) - Ở xứ Nghệ, làng, xã nào cũng có đình, nhưng hiện nay chỉ còn lại ngôi đình Hội Thống (còn gọi đình Kiên Nghĩa) thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) được xem là một trong những ngôi đình cổ nhất, lớn nhất nước. Tuy nhiên, qua năm tháng, ngôi đình không được trùng tu, tu bổ nay xuống cấp nghiêm trọng, đang “kêu cứu”.
Đình Hội Thống cổ nhất xứ Nghệ, lớn nhất nước
Đình Hội Thống cổ nhất xứ Nghệ, lớn nhất nước

Ngôi đình hiếm còn lại trên đất Nghệ

Đình Hội Thống nằm gần Cửa Hội, cách thành phố Hà Tĩnh 61km về phía Bắc, xây dựng vào năm 1659, hoàn thành năm 1660, trên diện tích 1.496m2 gồm có cổng tam quan, nhà tả vu, hữu vu và đại đình. Tam quan ở chính diện ngôi đình, xây bằng gạch, cửa chính rộng 5,2m, trên 2 cột cao có 2 con nghê quay đầu vào nhau, cửa phụ xây cuốn chồng diêm, nối hai bên cửa phụ là tường bao. Nhà tả vu, hữu vu đều 3 gian xây bằng gạch, mỗi gian có diện tích 8m2. Đình ngoảnh mặt về hướng Tây, trước đây, trước cửa có bến đò, chợ đông vui, nơi hàng năm dân làng tổ chức đua thuyền vào dịp Tết cổ truyền, ngày lễ. 

Đình có nền cao hơn mặt đất 0,40m, diện tích 202,50m2, mái lợp ngói vảy, trên bờ nóc đắp tượng hổ phù đội nguyệt, hai bên hai con rồng uốn lượn. Đình kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm 2 tòa chính Nội Tẩm và Bái Đường. Chính giữa Bái Đường đặt bức hoành phi khắc 3 chữ “ Kiên - Nghĩa - Xã” do dân làng có đức tính sống trung hậu nên Vua Lý Thần Tông ban hiệu là: “Kiên Nghĩa” cho biển vàng. 

Gian chính Bái Đường đặt hương án, tả vu, hữu vu đắp nổi làm nơi ngồi cho quan viên theo thứ bậc. Hai đầu để gác trống chiêng. Bái Đường có nhiều trang trí, chạm khắc mang đậm phong cách thời Hậu Lê. Trên các câu đầu có một hàng cột trốn đỡ xà nóc, câu đầu, xà không trang trí. Các đầu dư ở gian chính chạm trổ đầu rồng, miệng ngậm viên ngọc chạm hình rồng. Hình rồng được thể hiện sinh động, khỏe khoắn. Trên các cột đầu ở giữa chạm mặt hổ phù, hai bên có hình hai con rồng. Ở các gian bên cũng được chạm trổ công phu hình rồng mây, cuốn thư, rồng đang uốn lượn. Trong đình có khắc 4 chữ Hán: “Thánh trạch quân ân” (Lộc thánh ơn vua) và đôi liễn: “Vạn cổ ân quang viễn. Thiên thu huệ trạch trường” nghĩa là: Muôn thuở ơn sáng rọi. Nghìn thu huệ trạch ngời.  

Đình cổ xuống cấp nghiêm trọng cần sớm trùng tu

Tuy nhiên, những ngày qua, có dịp ghé thăm đình Hội Thống, chúng tôi không khỏi xót xa, một di tích quí hiếm đang xuống cấp nghiêm trọng, xung quanh, trên mái cỏ mọc um tùm. Nhiều đoạn tường rào bảo vệ bị nứt gãy. Bia dẫn tích chữ bị phong hóa, sương gió bào mòn chữ không đọc được. Những cột trụ nhà tiếp văn, tiếp võ ở bên trái và bên phải bị nứt. Đặc biệt có 3 vì kèo sau mái đình chính bị mục nát, làm cho mái đình chính võng xuống, sập đổ, bất kỳ lúc nào. Bia ghi công đức người dân trước đây bỏ tiền của trùng tu lại đình cũng bị sập đổ. 

Cụ Nguyễn Văn Đào, người trông coi đình lâu năm chia sẻ: “Một mình tôi chỉ làm được việc trông làm sao khỏi mất mát những đồ vật quí hiếm trong đình. Nhìn thấy đình xuống cấp, ngày một nghiêm trọng, tôi, nhiều người dân trong xã xót xa lắm, báo cáo với ông Chủ tịch và những người có trách nhiệm của xã đã nhiều lần, nhiều năm nay nhưng không ai có một ý kiến gì. Tôi nay tuổi cao, sức yếu, chẳng sống được bao nhiêu nữa, nếu có hệ mệnh gì ra đi lòng dạ không yên”.  

Nhiều người dân trong địa phương cũng rất tâm tư với việc tu sửa đình Hội Thống, tất cả cùng chung suy nghĩ, nếu chính quyền các cấp có chủ trương xã hội hóa trùng tu lại đình người dân sẵn sàng, các mạnh thường quân sẵn sàng. Với những gì về lịch sử quý báu của đình, Báo PLVN mong muốn góp thêm một tiếng nói mong sao người có trách nhiệm các cấp sớm có phương án trùng tu, nâng cấp, bảo tồn lại đình Hội Thống. Ngôi đình độc đáo, quí hiếm còn lại trên đất nước ta. 

Đọc thêm