Nghệ An: Di tích lịch sử Quốc gia bị xâm phạm, chính quyền huyện Thanh Chương bao che?

(PLVN) - Có hay không việc UBND huyện Thanh Chương cố tình hợp thức hóa sai phạm trong công tác quản lý Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Hữu?
Nghệ An: Di tích lịch sử Quốc gia bị xâm phạm, chính quyền huyện Thanh Chương bao che?

Đền Hữu tại làng Xuân Bảng, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 299/QĐ-BVHHTTDL ngày 22/1/2009 với diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 8.382m2.

Năm 2017, di tích đã được điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích hơn  33.931m2. Ngày 01/4/2011UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1017/QĐ-UBND phê duyệt danh mục phân cấp quản lý di tích thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giao UBND huyện Thanh Chương quản lý di tích đền Hữu.

Đền là nơi thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576), một Võ tướng có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng.

Sinh thời, Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đã có nhiều công lao to lớn trong việc gìn giữ, mở mang bờ cõi và bảo vệ cuộc sống người dân vùng đất Hoan Châu (nay là đất Nghệ An).

Hiện nay tại đền còn giữ được 3 toà thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm, 38 sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng, và rất nhiều cổ vật, di vật có giá trị. Đền cũng là một địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931.

Đặc biệt, đền là một trung tâm văn hoá tâm linh của nhân dân huyện Thanh Chương cũng như của họ Nguyễn Cảnh Việt Nam.

Vào những dịp lễ tết và ngày giỗ của ông, đền luôn tập trung hàng trăm khách thập phương về hương khói tưởng nhớ ông. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của nhân dân ta từ ngàn đời nay.

Trong thời gian vừa qua cạnh Đền có dự án (chưa có giấy phép) xây dựng chùa mang tên chùa Linh Sâm đã xâm hại vào khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích của Đền Hữu.

Cụ thể diện tích đất di tích Đền bị xâm chiếm là 4.125m2, cây cối trên diện tích này đã bị chặt phá (trong đó có 5 cây mít cổ thụ), đất đai đã bị san ủi. Việc xâm hại này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan của Đền, vi phạm các quy định về quản lý và bảo tồn các di tích theo Luật di sản Văn hóa.

Trước sự việc trên nhân dân trong vùng và con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã phản đối quyết liệt việc làm sai trái này và yêu cầu UBND xã Thanh Yên đình chỉ thi công.

Ngày 28/10/2019 UBND xã Thanh Yên đã có Thông báo số 42/TB-UBND thông báo đình chỉ thi công công trình chùa Linh Sâm. Nhưng thay vì đưa ra phương án xử lý công trình vi phạm do những yếu kém trong công tác quản lý gây ra, ngay lập tức UBND huyện Thanh Chương đã vội vã có Tờ trình số 291/TTr-UBND ngày 29/10/2019 xin phép điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ đền Hữu.

Việc làm thiếu trách nhiệm và vội vã đến mức không tuân thủ các quy định tại Nghị định số 166/NĐ-CP ngày 25/12/2019 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặt ra nhiều câu hỏi trong lòng người dân về sự “khuất tất” của UBND huyện Thanh Chương.

Là Huyện có truyền thống cách mạng và nhiều di tích lịch sử nhất tỉnh Nghệ An mà chính quyền nơi đây làm việc như thế thì không biết các di tích sẽ tồn tại thế nào trong thời gian tới.

Mong mỏi của người dân là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An sớm có các đoàn kiểm tra làm rõ các khuất tất vệ việc xậm hại Đền Hữu, về sự vội vã trong việc xin điều chỉnh khoang vùng bảo vệ di tích để yên lòng người dân.

Đọc thêm