Người chuyển giới chỉ cần được đối xử bình đẳng

(PLO) - Cùng với việc tăng cường truyền thông để xã hội hiểu về cộng đồng người chuyển giới (NCG), cần có những giải pháp mạnh hơn như những giải pháp về pháp lý để cộng đồng NCG được thực sự thừa nhận trong xã hội, cũng như giải quyết được các vấn đề xã hội liên quan đến cộng đồng NCG.
My Hà chia sẻ những khó khăn của những NCG khi chưa có luật chuyển đổi giới tính.
My Hà chia sẻ những khó khăn của những NCG khi chưa có luật chuyển đổi giới tính.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, dù Bộ Tư pháp đã công nhận hồ sơ của dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với các hồ sơ luật khác, nhưng do nhiều lý do khách quan nên dự án Luật này chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Ngậm ngùi sống vì sợ kỳ thị

Khi Bộ luật Dân sự 2015 được thông qua với quy định cho phép chuyển đổi giới tính, cộng đồng NCG đã “vỡ òa trong hạnh phúc”, nhưng từ đó đến nay, họ vẫn phải sống trong tình trạng “không có gì mới” khi Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Tây Hà, một NCG tại TP HCM đã tốt nghiệp đại học, lại không thể có được một việc làm tương xứng vì giới tính hình thức và trên giấy tờ không đồng nhất. Vì vậy, như nhiều NCG khác, Tây Hà “mong có luật để NCG có được môi trường phát triển, được sống ổn định, cống hiến công bằng như mọi người”. Đại diện những NCG cho rằng, khi Luật Chuyển đổi giới tính chưa được ban hành thì cộng đồng NCG vẫn bị bỏ rơi, bị sống trong sự dè bỉu, kỳ thị, nhiều người sẽ phải đối mặt với cái chết để được sống đúng bản dạng giới của mình. 

Hiện chưa có con số chính xác về NCG hay người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Nghiên cứu của một số tổ chức cho thấy, Việt Nam có khoảng 480.000 NCG. Đi cùng với “con số biết nói” này là vô vàn những vấn đề xã hội liên quan đến cộng đồng NCG, nhất là hậu quả của việc kỳ thị. 

Dương Tú Anh, một NCG từng cảm thấy “bản thân chỉ là đồ bỏ đi khi bị kỳ thị do quá khác biệt với mọi người”. Nhiều NCG bị kỳ thị khi đến khám tại các cơ sở y tế, một số e ngại bị kỳ thị nên không đi khám… nên số lượng NCG sử dụng các dịch vụ y tế hỗ trợ quá ít, chưa thể thống kê hết những nguy hiểm mà NCG gặp phải trong quá trình chuyển giới. 

Nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe của NCG nữ, bà Nguyễn Như Trang (Trung tâm Life) cho biết, một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng nhiễm HIV trong cộng đồng NCG nữ là “bị phân biệt đối xử”. Thậm chí có đến 17% NCG vì sợ kỳ thị nên không muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

“Chúng tôi không đòi hỏi đặc quyền”

“Chúng tôi không đòi hỏi đặc quyền, chỉ cần được đối xử bình đẳng”. Đó là ý nguyện chung của cộng đồng những NCG gửi đến các nhà hoạch định, xây dựng chính sách trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Chuyển đổi giới tính cho thấy, đa số những NCG đang sử dụng các loại thuốc hormorne trôi nổi, 8-10 NCG chết vì những biến chứng trong quá trình sử dụng hormorne, tiêm silicon. 

Nhưng những người phải phẫu thuật “chui” hoặc đi nước ngoài thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính về Việt Nam lại gặp khó khăn về xác định nhân thân do không trùng khớp giữa giấy tờ tùy thân và giới tính hiện có. 7,4% cho biết sau khi phẫu thuật, họ gặp rắc rối liên quan đến giấy tờ tùy thân, do ngoại hình thật không khớp với thông tin và hình ảnh trên giấy tờ, kéo theo đó là không xin được việc làm, không được tiếp cận nhiều dịch vụ công cộng, không được coi trọng đúng với con người thật của họ…

Nguyễn My Hà (tên thật là Nguyễn Công Đức, 36 tuổi, đã phẫu thuật chuyển giới), tâm sự: “Hàng ngày My Hà đi làm trong trang phục nữ, sống như một người phụ nữ suốt 12 năm qua, sau 24 năm là đàn ông. My Hà có gia đình, có con nuôi 12 tuổi nhưng chưa vượt qua được nỗi sợ kỳ thị nên chưa dám đến trường của con, không dám đi họp phụ huynh vì trên giấy tờ My Hà là giới tính nam, là cha của đứa trẻ”. Theo My Hà, “nếu không có luật về chuyển đổi giới tính, những người như My Hà sẽ chỉ được công nhận bởi những khiếm khuyết về giới tính chứ không phải bởi năng lực thực sự”.

Do đó, đại diện bốn tổ chức của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà Marie-Odile Emond (UNAIDS Việt Nam) nhấn mạnh, chính sách liên quan đến NCG cần giải quyết được vấn đề phân biệt đối xử và cải thiện khả năng đáp ứng của các dịch vụ y tế đối với nhu cầu của NCG, đảm bảo họ được tiếp cận công bằng đến dịch vụ y tế chung, nhất là các dịch vụ y tế định giới.

Đồng thời, “khi xây dựng chính sách liên quan đến NCG, ban soạn thảo nên cân nhắc để có các biện pháp bảo vệ và chế tài cho NCG khi bị bạo lực (cả bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và hãm hiếp), bảo vệ quyền của NCG được đi học và an toàn tại trường học (có chính sách và quy định chống bạo lực và bắt nạt NCG…); bảo vệ và thực hiện quyền của NCG có được việc làm đàng hoàng”, bà Marie Odile Emond khuyến nghị.

Còn theo ông Lương Thế Huy (Giám đốc Chương trình quyền của những người đồng tính, song tính và chuyển giới), nhu cầu của từng nhóm NCG là khác nhau. Dựa trên nhu cầu đa dạng của NCG, cần có những giải pháp phù hợp về y tế, phi y tế, pháp lý để tạo điều kiện cho NCG sống thoải mái với xu hướng giới thực sự của mình.

Đọc thêm