Nỗi lo sinh viên xa quê mùa lũ

(PLVN) - Bão lũ đổ về gieo trong lòng những sinh viên xa nhà niềm thương, nỗi lo cho gia đình người thân ở quê. Nhiều đêm thức trắng ngóng trông tin lũ quê nhà, những bạn trẻ này chỉ mong lũ nhanh qua đi để người dân sớm vượt qua khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường. 
Các Trường đại học hỗ trợ các suất học bổng cho sinh viên vùng lũ.
Các Trường đại học hỗ trợ các suất học bổng cho sinh viên vùng lũ.

Những đêm thức trắng 

Ngày bão lũ đi qua, không chỉ người dân ở quê hương phải chịu nỗi mất mát, đau thương mà chính những người con xa quê cũng luôn thấy lo lắng khôn nguôi. Những sinh viên xa nhà trên tay luôn cầm điện thoại, cập nhật thông tin bão lũ từng giờ, từng phút để nắm được tình hình ở quê nhà. 

Trịnh Hồng Thắm hiện là sinh viên năm cuối tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thắm quê ở Hà Tĩnh, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ lụt vừa qua. Đặc biệt, gia đình Thắm hiện đang sinh sống tại thành phố Hà Tĩnh, vùng bị ngập lụt nặng do tình hình mưa lớn liên tục nhiều ngày và xả tràn tại hồ Kẻ Gỗ.  Vốn người miền Trung, lại quen với cảnh bão lũ hằng năm, thế nhưng năm nay lại không thể ở nhà cùng gia đình, bởi vậy, lo càng thêm lo, Thắm mấy đêm liền trăn trở, nóng lòng về thông tin, tình hình lũ ở quê nhà.

Thắm chia sẻ: “Do khu vực nhà mình thấp nên chỉ cần mỗi lần mưa lớn, nước đều vào nhà ngang đến mắt cá chân. Năm nay tình hình bão lũ nặng nề, ở nhà lại mất liên lạc nên mình lo lắm”. Đỉnh điểm, trong ngày 20/10, khi hồ Kẻ Gỗ vẫn tiếp tục xả tràn với lưu lượng 800m3/s, nhiều khu vực trũng thấp tại thành phố Hà Tĩnh bị ngập nặng và gia đình của Thắm bị ngập cao hơn 1,5m. Ngay trong đêm, Thắm đã phải liên tục gọi về gia đình, gọi điện nhờ người thân quen liên lạc với đội cứu hộ để đưa người thân ra ngoài. Vậy nhưng, do điều kiện thời tiết phức tạp, các đoàn cứu hộ lại di chuyển vào trong những vùng khác như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, nên tại trung tâm thành phố gần như không có đội cứu hộ nào hiện trực. Bởi vậy, Thắm thức trắng đêm hôm ấy để chờ xem có đội cứu hộ nào hoạt động trong khu vực thành phố. Dù rất lo lắng cho người thân nhưng Thắm cũng không thể gọi điện về nhiều lần bởi hiện tại, toàn khu vực thành phố đều bị cắt điện, lại không có nguồn điện dự phòng, nguồn sóng bị chập chờn, vì vậy rất khó khăn để liên lạc cho người thân ở quê. 

“Hôm ấy mình lo lắng lắm, gần như suy nhược vì đã nhiều đêm thức liên tục. Mình lại phải hạn chế gọi điện về cho người thân bởi nếu điện thoại hết pin, người thân ở nhà sẽ không thể gọi điện liên lạc được nếu tình hình nước lũ dâng cao nguy hiểm hơn”. May mắn thay, phải qua một đêm ngâm mình trong nước lũ, sau khi trời ngớt mưa và nước đã rút hơn, người thân của Thắm đã bơi được ra và được cứu hộ đưa về vùng cao hơn để đảm bảo an toàn.

Hôm đi học, Thắm và những sinh viên cùng quê miền Trung cùng ngồi với nhau, hỏi han tình hình gia đình người thân ở quê, chia sẻ những mất mát, thiệt hại trong mùa lũ vừa qua. 

Không chỉ riêng Thắm, đó cũng là nỗi lòng của rất nhiều sinh viên xa nhà hiện nay. Lo lắng, bất an bởi không thể trực tiếp nắm rõ thông tin ở quê nhà, liên tục mất liên lạc với người thân là tình cảnh chung của những cô cậu sinh viên đang học tập ở những thành phố khác. 

Đặng Thúy Hiền hiện là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, quê ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Xã Cẩm Mỹ trong đợt lũ vừa qua là một trong những vùng bị ngập lụt nặng nề và gần như bị chia cắt. Gia đình của Hiền cũng là hộ bị ngập lụt hơn 2m, người thân phải di chuyển ra những khu vực như ủy ban, trường học, những nhà cao tầng để có thể tránh lũ. Hiền kể, trong đợt lũ lịch sử 2010, gia đình Hiền cũng đã phải hứng chịu ngập lụt nặng nề nên cô bạn hiểu được sự vất vả, khó khăn, mất mát mà thiên tai gây ra cho quê hương. Năm nay lũ lên nhanh, bất ngờ, người dân “trở tay không kịp” khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tài sản mất trắng, nhiều lúa giống, vật nuôi được coi là vốn liếng tích cóp cả năm đều theo cơn lũ cuốn đi. 

Hiền buồn bã: “Bây giờ mình chỉ mong người thân ở quê an toàn và tìm được nơi để tránh lũ, mong nước lũ rút đi để bà con quê mình đỡ khổ. Trâu, bò, lúa, rau mà bố mẹ mình chăm sóc cả năm bây giờ đều mất cả”.

Cũng trong những ngày bão lũ vừa qua, cộng đồng mạng lan tuyền hình ảnh 3 sinh viên mặc chiếc áo khoác xe ôm công nghệ đang gục vào nhau khóc. Nỗi bất lực, lo toan chỉ có thể gọi về từ xa, không rõ tình hình quê nhà ra sao khiến nhiều sinh viên chỉ biết bật khóc. Trong đêm, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ những bài đăng kêu cứu hộ khi nước liên tục dâng cao khiến những người sinh viên xa quê khó mà yên lòng được. 

Nhiều sinh viên tích cực kêu gọi cứu trợ, ủng hộ người dân miền Trung.
Nhiều sinh viên tích cực kêu gọi cứu trợ, ủng hộ người dân miền Trung. 

Tình nguyện để san sẻ bớt một phần khó khăn

Giữa nỗi lo vô vàn bởi ảnh hưởng của thiên tai, những số phận đau khổ trong mùa lũ lụt, nhiều sinh viên đã lựa chọn đi tình nguyện về chính quê hương của mình để góp phần hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho người dân, đồng thời cũng là để chính bản thân san sẻ một phần vất vả với chính người thân và gia đình mình. Trần Mỹ Sao hiện cũng là sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quê ở Hà Tĩnh. Khi lũ vừa qua đi, Sao đã ngay lập tức đăng ký tham gia vào chuyến tình nguyện cứu trợ tại các vùng Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sao chia sẻ: “Đây là cách mà mình có thể đóng góp phần một phần để chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân quê mình”.

Hành trình nhanh chóng chỉ trong vòng 2 ngày đã khiến Sao thêm thấm thía sự vất vả, khó khăn của người dân quê mình khi thiên tai như bão lũ ập về. Sao chia sẻ thêm về hành trình của mình: “Về đến Hà Tĩnh lúc hơn 2 giờ sáng, bọn mình phải bì bõm lội nước đến ngang đầu gối khiến chân đau nhức. Thế nhưng chỉ cần nghĩ đến sự vất vả của người dân quê mình thì bọn mình luôn sẵn sàng”.

Thu Hoài hiện là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, TP.HCM quê ở Quảng Trị cũng là một trong số những sinh viên đứng ra kêu gọi hỗ trợ cho đồng bào miền Trung. CLB của Hoài đã nhận được rất nhiều vật phẩm, tiền mặt để gửi về quê. Hoài chia sẻ, ban đầu phần lớn mọi người đều quyên góp quần áo, sau đó nhiều người ủng hộ cả mì tôm, nước, sữa và tiền mặt. Đây là điều mà Hoài và các bạn không ngờ tới. 

Hoài tâm sự: “Vốn dĩ mình chỉ định kêu gọi quyên góp một đợt thôi những sau đó minh nhận được nhiều sự gửi gắm của nhiều người, lại nhận thấy miền Trung đang cần sự giúp đỡ nên mình quyết định làm thêm một đợt mữa. Là sinh viên nên mình không có nhiều tiền để ủng hộ, chỉ mong số hàng cứu trợ này sẽ ít nhiều an ủi được tinh thần và giúp đỡ bà con”. 

Cũng mới đây, đại diện cho tuổi trẻ thanh niên của Thủ đô, Thành đoàn Hà Nội đã triển khai bốn đoàn tình nguyện hoạt động tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Theo thống kê, số tiền quyên góp được khoảng 4 tỷ đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm. Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh chia sẻ, đây là tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ Thủ đô với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước” nhằm kịp thời giúp đỡ thanh thiếu nhi và nhân dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống sau khi nước lũ rút. 

Cùng với đó, để ủng hộ cuộc sống sinh viên vùng lũ, nhiều trường đại học trên cả nước đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho sinh viên. Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM sẽ hỗ trợ 250 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho những sinh viên đang theo hệ chính quy  bậc đại học còn trong thời hạn đào tạo theo quy định. Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã có thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do chịu ảnh hưởng của đợt lũ lụt.

Đọc thêm