Quận Long Biên, Hà Nội: Xuất hiện hai điểm bị “xẻ thịt” đất công để kinh doanh?

(PLO) - Theo phản ánh của nhiều bạn đọc tới Báo Pháp Luật Việt Nam, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều cửa hàng, ki ốt vô tư “mọc” lên ngay trên chính khuôn viên đất của công viên, nhà văn hoá,... Chứng kiến trước thực trạng đó, nhiều người dân sống ở  khu vực  quân Long Biên, Hà Nội vô cùng bức xúc và và càng bức xúc hơn khi không thấy bong dáng cơ quan chức năng ở đâu?..

 Công viên Ngọc Lâm ngang nhiên “mọc ra” điểm trông giữ xe ngày và đêm.
Công viên Ngọc Lâm ngang nhiên “mọc ra” điểm trông giữ xe ngày và đêm.

Công viên Ngọc Lâm “biến tướng” thành điểm kinh doanh.

Ngay tại khu vực vườn hoa Ngọc Lâm thuộc phường Ngọc Lâm( quận Long Biên, Hà Nội), một người dân đã phản ánh với chúng tôi rằng: “Tình trạng xây dựng các nhà hàng, điểm trông xe, hay quán cà phê đã diễn ra từ nhiều năm nay và đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại. Cho dù  người dân đã không ít lần kiến nghị, phản ánh lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hề có một động thái quyết liệt nào từ phía chính quyền nhằm chấm dứt tình trạng trên. Sự tồn tại của những cơ sở kinh doanh này không chỉ mất trật tự mỹ quan đô thị, bên cạnh đó đã xâm hại đến vườn hoa công viên. Ngoài ra, những hoạt động kinh doanh đã tác động không nhỏ vào việc  gia tăng tình trạng ô nhiễm hai hồ nước tự nhiên vốn được xem là đẹp nhất khu vực Gia Lâm”.

Theo ghi nhận của phóng viên, thật may mắn nhờ vào tấm bảng chỉ dẫn thì chúng tôi mới dám tin đây là khuôn viên vườn hoa công cộng Ngọc Lâm. Bởi đập vào mắt mọi người không phải là những hàng cây xanh mướt, bãi cỏ xanh non mà là sự nhốn nháo khi có tới 4 – 5 quán cà phê, bãi gửi xe... bủa vây khắp nơi, án ngữ ngay trước cổng vào vườn hoa là la liệt hàng nước, sửa khoá hay dán màn hình điện thoại.

Đi từ phía phố Ngô Gia Khảm, chếch cổng vào bến xe Gia Lâm là điểm trông giữ xe ngày và đêm. Cách đó chừng 100m về cuối phố, đoạn giao với phố Ngọc Lâm là hai quán cà phê - nhà hàng và quán chè thập cẩm chiếm đóng gần như trọn vẹn phần vỉa hè và là một phần diện tích đất vườn hoa. Đi vòng về phía phố Ngọc Lâm là những khu vực được quây làm dịch vụ trò chơi cho trẻ con với giá trung bình trên dưới 50 nghìn/lượt. Đường vào cổng vườn hoa bị những người dán màn hình điện thoại, hàng rong “lấn chiếm” đến thảm hại. Tiến sâu về cuối vườn hoa, đoạn giao cắt với đường Nguyễn Sơn là cửa hàng kem “nuốt” trọn cả khu mặt tiền đắt giá của vườn hoa khiến ai ai cũng cảm thấy vô cùng chướng mắt.

Phía ngoài là thế, tận mắt mục sở thị bên trong vườn hoa, chúng tôi còn bất ngờ hơn khi tất cả các hàng quán án ngữ quanh vườn hoa đều có chung nơi xả nước thải. Không còn nơi nào tốt hơn việc xả thẳng xuống hồ Cầu Tình. Những đường ống nhựa dẫn nước thải chìm nổi dưới mép nước đen sì, bốc mùi hôi thối. Phía mép bờ sát khu hàng quán, vỏ chai lọ và túi ni lông nổi lềnh bềnh bên đám bèo. Mặc dù được những người công nhân vệ sinh môi trường trục vớt thường xuyên, song môi trường nước vẫn không có dấu hiệu được cải thiện.

Ông Nguyễn Xuân Đạt sống gần vườn hoa cho biết: “Mỗi lần đưa đứa cháu vào trong công viên tập thể dục tôi phải đi lách qua chỗ bãi xe, hít mùi xăng, khói và nghe hết lời mời chào các loại dịch vụ. Trong khi đó, vườn hoa này vốn đã chẳng rộng rãi gì, nay lại mọc lên mấy nhà hàng, quán cà phê nữa khiến vườn hoa chẳng khác gì cái chợ. Cũng vì lý do này mà tôi càng ít vào đây”.

Ngoài ý kiến của ông Đạt, một người dân bức xúc nói: “Gì chứ muốn cho hồ nước sạch lại thì phải dẹp hết mấy hàng quán xung quanh đi. Chừng nào còn xả thải, phóng uế xuống hồ thì vẫn còn ô nhiễm. Cả hồ nước đẹp như thế mà lại bị làm cho ô nhiễm, cứ “bức tử” hồ nước  như thế thật là quá mức”.

Vô tư “phù phép”  nhà Văn hóa trở thành quán ăn ?

Không những vườn hoa Ngọc Lâm bị “xẻ thịt”  để kinh doanh mà ngay cả nhà văn hoá  cũng bị “phù phép”  nhằm biến khoảng sân sinh hoạt chung thành quán bán đồ ăn nhẹ. Được biết, đó là nhà văn hoá của hai Tổ dân phố: 4 và 26 thuộc phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội). Trong  suốt một thời gian dài, người dân vô cùng bức xúc khi trong khuôn viên nhà văn hoá lại biến thành nơi kinh doanh hàng nước và đồ ăn vặt. La liệt các loại bim bim, bánh mì, nước đóng chay, xúc xích rán hay nước chè được ngang nhiên bày biện ngay trong khoảnh sân chật hẹp của khu nhà văn hoá.

Nhiều người dân khi đi qua nhà văn hóa của 2 Tổ dân phố của phường Bồ Đề, đều cảm thấy lạ lùng khi khoảnh sân của khu nhà văn hoá lại được treo biển bán hàng ăn kèm theo la liệt bàn ghế đồ đạc lỉnh kỉnh phục vụ cho mục đích kinh doanh. Trước cảnh tượng trên, nhiều người dân qua đường đã phải lắc đầu ngán ngẩm khi thấy bên cạnh những cờ đỏ sao vàng chào mừng ngày hội lớn của đất nước là tấm biển ghi giá  dịch  vụ  ăn  uống  án ngữ ngay trước cổng ra vào.

Để biết rõ hơn, phóng viên vào quán tận mắt mục sở thị toàn bộ quán ăn đặc biệt này. Phía bên trong, giữa sân nhà văn hóa (rộng chưa đến 20 m2) là rèm bạt giăng kín, một quán ăn được mở ra với bàn ghế được bày biện. Nếu không nhìn tấm biển treo phía trên tầng cao đề chữ “Nhà họp tổ dân phố” thì nhiều người sẽ bị lầm tưởng đây là một quán nước kèm đồ ăn nhẹ của một hộ dân cư tận dụng khoảng trống nơi sân nhà mình.

Với những gì ghi nhận được tại hai địa điểm trên, thiết nghĩ UBND phường Ngọc Lâm và UBND phường Bồ Đề phải có biện pháp giải quyết trước  vấn đề ngang nhiên hoạt động kinh doanh, buôn bán của các cá nhân trên đất công ?. Đang khiến nhiều người dân bức xúc, phải đặt nhiều dấu chấm hỏi(?)..

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trước sự việc trên.

Đọc thêm