Sơn La: Nhiều “khuất tất” trong thực hiện Dự án Trung tâm giống thủy sản cấp I

(PLO) - Thi công chậm tiến độ, công trình thì không phát huy được hiệu quả do không xác định được chủ quản lý, chủ sử dụng để đưa vào khai thác, gây  lãng phí nhiều tỷ đồng… là những tồn tại trong quá trình triển khai Dự án Trung tâm giống thủy sản cấp I (Dự án) tại xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu do Chi cục Thủy sản Sơn La làm chủ đầu tư.
Chi cục Thủy sản Sơn La- nơi để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án
Chi cục Thủy sản Sơn La- nơi để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án

Thi công “ì ạch”, chậm tiến độ

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay từ việc phân công, phân nhiệm trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu của công tác quản lý dự án, dẫn đến ban điều hành Dự án đã thành lập nhưng không hoạt động. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát của chủ đầu tư (Chi cục Thủy sản Sơn La) đối với Dự án và hoạt động của các đơn vị tham gia quản lý Dự án thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp của chủ đầu tư với hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Thuận Châu trong việc đôn đốc thống kê, kiểm đếm, áp giá thu hồi đất, công khai phương án bồi thường; lập, phê duyệt phương án bồi thường, tháo gỡ khó khăn về kinh phí và chi trả đền bù… còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án.

Việc chấp hành trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế như: thiếu một số hồ sơ, thủ tục theo quy định, đặc biệt là thủ tục về tạm ứng và hoàn trả vốn tạm ứng. Một số hồ sơ, thủ tục thực hiện còn hình thức, chất lượng chưa đảm bảo như các hồ sơ thủ tục về quản lý khối lượng, chất lượng công trình.

Một số nội dung trong công tác lập, thẩm định hồ sơ dự án chưa tuân thủ đúng quy định về công tác lập, thẩm định Dự án đầu tư như: Công tác điều tra, thu thập số liệu để đánh giá nhu cầu của thị trường; mức độ tiêu thụ sản phẩm; tính cạnh tranh của sản phẩm, chưa đủ căn cứ vào để tính toán hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, chưa xác định được chủ quản lý, chủ sử dụng, mô hình quản lý, phương án sản xuất kinh doanh sau khi Dự án hoàn thành. 

Trong tổng mức đầu tư, chủ đầu tư chưa tính toán đầy đủ chi phí GPMB dẫn đến phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ của Dự án. Một số hạng mục lập trong thiết kế cơ sở không phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng; phương án thiết kế đối với một số hạng mục chưa hợp lý. 

Công tác đấu thầu, chủ đầu tư không tiến hành đăng tải thông báo mời thầu trên báo đấu thầu; không tổ chức thẩm định hồ sơ mời thầu trước khi trình phê duyệt. Trong đó, hồ sơ trúng thầu gói thầu xây lắp có một số nội dung chưa đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu và chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặc biệt là các tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.

Công tác quản lý, thi công xây lắp, quản lý khối lượng, chủ đầu tư chưa kiểm tra điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định; chưa kiểm tra sự phù hợp về năng lực của nhà thầu thi công với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, đôn đốc của chủ đầu tư đối với nhà thầu tư vấn và thi công trong việc thực hiện theo tiến độ hợp đồng chưa kiên quyết; nhà thầu xây lắp chưa nghiêm túc trong việc thực hiện cam kết về tiến độ trong hợp đồng; bố trí nhân lực, thiết bị không đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu. Những tồn tại, sai phạm trên đã dẫn đến công trình thi công chậm tiến độ.

Nghiệm thu tăng số lượng

Công tác nghiệm thu, hồ sơ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản của chủ đầu tư cũng có nhiều sai phạm, như: thủ tục trong công tác giám sát và nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành còn hình thức và chưa đầy đủ. Công tác quản lý giám sát, nghiệm thu chưa chặt chẽ, dẫn đến một số hạng mục, phần việc nghiệm thu sai tăng khối lượng so với thực tế thi công (giá trị sai phạm do nghiệm thu, thanh toán sai hơn 135 triệu đồng). Trong đó, công tác thu hồi vốn tạm ứng trong quá trình thực hiện và sau khi chấm dứt hợp đồng xây lắp chưa được quan tâm, chú trọng, gây nợ đọng kéo dài, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý vốn đầu tư. 

Sau khi phát hiện những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Sơn La đã đề nghị chủ đầu tư đôn đốc Nhà thầu xây lắp (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Thành Lập) khẩn trương thu nộp số tiền tạm ứng còn nợ với giá trị hơn 2,2 tỷ đồng, hoàn thành trước ngày 31/12/2017. Nếu quá hạn trên mà Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Thành Lập không nộp đầy đủ số tiền tạm ứng và nghiệm thu sai tăng số lượng thì giao chủ đầu tư khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với nhà thầu hoàn chỉnh thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng phát sinh để giảm số dư nợ tạm ứng, trên nguyên tắc phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà thầu. 

Thanh tra tỉnh Sơn La cũng đề nghị chủ đầu tư là Chi cục Thủy sản Sơn La tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm, xem xét xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ được giao quản lý… 

Đọc thêm