Thị trường sách 2017: Kỳ vọng vào người trẻ

(PLO) - 2016 là năm “vừa chất vừa lượng” với sách văn học trong nước. Đây cũng là năm đánh dấu thành công của nhiều cây bút trẻ với những tác phẩm liên tục vào top bán chạy nhất trên thị trường. Dự kiến, năm 2017, xu thế sách vẫn sẽ hướng về sách trẻ.
Thị trường sách 2017:   Kỳ vọng vào người trẻ

Nhiều tác phẩm ấn tượng

Nếu như nhiều năm trước đây văn học trong nước gần như bị dòng văn học nước ngoài lấn át thì trong vòng hai năm trở lại đây văn học trong nước đã có những bướt ngoặt mạnh mẽ, cùng với việc tạo dựng tên tuổi của các nhà văn trong nước đối với độc giả. Chỉ trong một năm, không ít tác phẩm mới được xuất bản và gây tiếng vang. 

Mới đây nhất, “Những sườn núi lấp lánh” của tác giả Mạc Đại, tức bác sĩ Lê Minh Khôi, một blogger có tiếng thời còn blog 360 vừa ra mắt độc giả. Với lối viết tinh tế, đầy tình cảm và rất “đời”, quyển sách tập hợp những tản văn “cắt lát” những góc nhìn về cuộc sống đã chinh phục độc giả trên cả nước. “Những sườn núi lấp lánh” do Sài Gòn Book ấn hành được đánh giá là một trong những quyển sách ấn tượng nhất thời điểm cuối năm 2016. 

Cũng thời điểm cuối 2016 đầu năm 2017, “Ủ một miền thơm”, một tản văn đầy trong trẻo tình đời, tình người từ những chuyến đi, những miền đất, những con người đã gặp của tác giả Thượng Vũ, một nhà báo đã xuất hiện trên thị trường sách. “Ủ một miền thơm” do công ty phát hành mới toanh AnBook cho ra mắt độc giả một cách khá lặng lẽ, “không kèn, không trống”, nhưng vẫn nhận được lời khen trong giới yêu sách, bởi đó là một quyển sách “tử tế” đúng nghĩa. 

2016 cũng đánh dấu nhiều tác phẩm hay được độc giả yêu thích với những thể loại và cách tiếp cận độc giả mới lạ. “Đà Lạt, một thời hương xa” (Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975) của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên là một quyển sách khá lạ lùng. Bởi Đà Lạt thì đã quá nổi tiếng với du khách gần xa, nhưng sách du khảo một cách chi tiết, cụ thể và sâu sắc về Đà Lạt thì chưa có mấy người viết. Tác phẩm tương tác dành cho thiếu nhi “Cuộc phiêu lưu của Ếch xanh” (Lê Hữu Nam) cũng được độc giả đánh giá cao. Làm như chơi, quyển sách thứ hai của thiền sư Thích Minh Niệm cũng đã tạo nên một cơn “địa chấn” nho nhỏ cho làng sách vào thời điểm giữa năm 2016. Không chỉ có sách mà thơ cũng bán chạy. Về đâu những vết thương, quyển thơ thứ 5 của Nguyễn Phong Việt tiếp tục gây nên “cơn sốt” với độc giả trẻ. Trong khi đó, một quyển thơ khác, thơ dạy kĩ năng cũng ra mắt một cách rầm rộ với số tiền bản quyền lên đến nhiều trăm triệu đồng.

Nguyễn Nhật Ánh vẫn tiếp tục là nhà văn đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng sách bán chạy của năm 2016 với “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” và “Ngày xưa có một chuyện tình”. Cả hai tác phẩm đều nằm trong danh sách bán chạy nhiều kì của các trang bán sách online. Nếu như “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” xuất bản lần đầu 100 nghìn bản thì truyện dài “Ngày xưa có một chuyện tình” lại cán mốc 80 nghìn bản trong lần ra mắt đầu tiên trong tháng 9. 

2017 sẽ tiếp tục là năm của những cây bút trẻ?

2016 cũng đánh dấu thành công của nhiều cây bút trẻ với những tác phẩm nhẹ nhàng, trẻ trung liên tục vào top bán chạy nhất trên thị trường. Dự kiến, năm 2017, xu thế sách vẫn sẽ hướng về sách trẻ. Theo tiết lộ của Fahasa, đơn vị phát hành hàng đầu Việt Nam, năm nay, nhiều tựa sách văn học trong nước đứng lâu dài trên bảng xếp hạng sách bán chạy nhất. Thậm chí, nhiều cuốn còn lập kỉ lục vượt xa cả sách ngoại. Có thể kể đến “Bơ đi mà sống” (Mèo Xù); “Tôi thất tình” (Hạ Vũ); “Yêu sao để không đau” (Hạ Vũ); “Điều gì đến sẽ đến” (Hà Thanh Phúc); “Sẽ có cách đừng lo” (Tuệ Nghi)… Đây là những qyển sách đánh trúng tâm lý độc giả trẻ, với thiết kế cá tính, dễ thương. Số lượng bán của nhiều quyển lên đến 10 ngàn bản cho tuần bán đầu tiên!

Anh Khang, cây viết trẻ được mệnh danh “hoàng tử ngôn tình” cũng tiếp tục ra mắt quyển sách mới “Thương mấy cũng là người dưng”. Quyển sách này cũng được xếp vào hàng sách bán chạy nhiều tháng liền. Điểm chung của dòng sách trẻ này đều hướng đến những câu chuyện tình, hoặc vượt qua những nỗi đau trong tình yêu, với văn phong lãng mạn, nhẹ nhàng. Khác với những dòng sách “già” hơn nói trên, đa phần dòng sách trẻ đều có sự tham gia đắc lực của các công cụ truyền thông vào sự thành công của một quyển sách, như tạo dựng tên tuổi, cá tính của chính người viết để thu hút cộng đồng, chiến lược ra mắt sách rầm rộ, có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng.

Cách đây không lâu, một trang web về sách đã có đưa một bảng xếp hạng “Top 10 nhà văn trẻ đình đám trên mạng xã hội Việt Nam”, với hầu hết cây viết có sách đang bán chạy, nổi tiếng hiện nay. Tuy nhiên, bảng xếp hạng này đã nhận nhiều phản ứng của những nhà văn và độc giả, vì cho rằng, những tác giả này chỉ có thể dừng ở mức độ “cây viết trẻ” chứ chưa thể gọi là nhà văn, bởi tác phẩm của họ cũng chỉ được ghi dấu ở khía cạnh “bán chạy” và “hiệu ứng độc giả trẻ”.

Song, nói gì thì nói, chính những nhân tố trẻ này cũng góp phần làm sinh động thị trường sách trong nước, kéo độc giả trẻ đến với sách vở, văn chương, và cũng không thể phủ nhận cái tài của họ.

Đọc thêm