Thừa Thiên – Huế: Diễn biến sự việc Nhà máy rác Lộc Thủy bị dân phản đối

(PLVN) - Như Báo PLVN ngày 14/5 đã phản ánh, từ tháng 4/2012 các hộ dân ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn phải chịu cảnh khốn khổ vì không khí hôi hám, nguy cơ bệnh tật, không thể sản xuất nông nghiệp do đất đai, nguồn nước ô nhiễm… kể từ khi Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy tại thôn Nam Phước hoạt động.
Bãi rác Lộc Thủy ngưng hoạt động sau khi bị người dân phản đối
Bãi rác Lộc Thủy ngưng hoạt động sau khi bị người dân phản đối

Trước phản ứng quyết liệt của người dân, đến ngày 27/2/2017 nhà máy buộc phải ngưng tiếp nhận, chôn lấp rác. Tuy nhiên, hiện nay, người dân lại một lần nữa hoang mang khi được biết, nhà máy sẽ chuyển sang công nghệ đốt rác thay cho phương án cũ. 

Hết chôn rồi đốt

Giữa trưa cuối tháng 5/2019, chúng tôi đứng giữa Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy (thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế - Hepco). Bãi rác nằm dưới chân núi thôn Nam Phước. Hơn hai năm nay, nhà máy không còn hoạt động vì hàng trăm người dân từng ra đường chặn xe chuyên chở rác, yêu cầu nhà máy phải khắc phục tình trạng ô nhiễm hoặc di dời.

Bà Nguyễn Thị Hồng nhớ lại: “Ngày trước, xe chở rác chạy ầm ầm, rác rơi vãi khắp nơi. Mùi hôi hám nồng nặc. Rác đưa về tập kết ở đây, chất cao như núi. Tuy ở ngoài cự ly 1.000 – 2.000m nhưng mỗi khi gió thổi qua, có khi nôn thốc, nôn tháo… Giờ thì không còn cảnh này, nhưng quanh đây, đất đai bị nước thải từ bãi rác xâm lấn, không còn canh tác gì được nữa”. 

Theo quan sát của chúng tôi, bãi rác gồm hai hồ chứa lớn. Những phần rác còn lại được Nhà máy đổ đất lấp, tạo thành một ngọn đồi, cỏ mọc xanh. Phần chưa lấp đất, các công nhân kéo bạt nhựa phủ lên. Nơi thì phủ kín, nơi thì sơ sài với đầy rẫy bao nylon, chai nhựa... Dù mùi hôi không còn, nhưng những vũng nước vẫn đọng trong hồ.

“Việc nhà máy ngưng hoạt động cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vừa rồi chúng tôi lại nghe thông tin, chủ đầu tư sẽ chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Nhà máy sẽ có lò đốt thay cho việc chôn lấp. Đã từ lâu nay, người dân chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng di dời bãi rác, trả lại môi trường trong lành cho người dân, chứ không muốn có thêm công nghệ nào nữa”, ông Trần Bá Ngọc, thôn Nam Phước nói rồi kể về hoàn cảnh một số hộ dân nơi đây có người bị bệnh nặng về đường hô hấp … 

“Chúng tôi cho rằng đó là hậu quả của việc sống trong môi trường ô nhiễm. Địa phương có cam kết khám sức khỏe định kỳ cho dân nhưng lâu rồi vẫn chưa thấy thực hiện”, bà Nguyễn Thị Chi tiếp lời. 

Theo đánh giá của cư dân, công nghệ đốt cũng gây ô nhiễm không kém công nghệ chôn lấp vốn đã quá lạc hậu. Do đặc thù chất thải thu gom trong khu vực ngoài rác hữu cơ còn có nhựa và nylon nên việc áp dụng công nghệ này còn làm phát sinh khí độc nguy hiểm, có thể sẽ tác động tiêu cực và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của khu dân cư có hàng trăm hộ dân và hàng ngàn nhân khẩu. 

“Xử lý cách này hay cách khác, người dân chúng tôi vẫn là người phải gánh hậu quả. Chúng tôi từng đi theo chủ trương giãn dân của Nhà nước đến đây lập nghiệp, xây dựng khu kinh tế mới. Giờ chúng tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn, sinh sống. Phải tôn trọng và thấu hiểu tâm tư của người dân”, ông Trần Bá Ngọc bộc bạch. 

Người dân thôn Nam Phước nêu ý kiến phản đối Nhà máy rác Lộc Thủy
Người dân thôn Nam Phước nêu ý kiến phản đối Nhà máy rác Lộc Thủy

Chính quyền và nhà máy nói gì?

Đưa những vấn đề này trao đổi với Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế Đặng Ngọc Trân, nhóm PV được chia sẻ: “Làm thế nào để địa phương có được môi trường sống trong lành, xanh, sạch đẹp luôn là nỗi lo canh cánh của chúng tôi. Tôi được biết, dự án nhà máy rác đã được tỉnh nghiên cứu, lựa chọn quy hoạch kỹ càng. Việc để xảy ra sự cố là không ai mong muốn. Di dời nhà máy rác hay không sẽ được cơ quan chức năng tính toán, huyện cũng chỉ có thể chấp hành chủ trương, vận động người dân phục vụ cho lợi ích chung. Tuy nhiên, khi người dân phản ánh những bất cập, lãnh đạo huyện cũng sẽ có tiếng nói, kiến nghị với cấp thẩm quyền”. 

“Còn nếu dự án tiếp tục thực hiện, chúng tôi mong muốn và cũng đã từng có ý kiến, việc chuyên chở chất thải phải đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nhà máy đốt phải có công nghệ tiên tiến, hiện đại, hạn chế thấp nhất ô nhiễm. Tránh để xảy ra tình trạng người dân phản đối như vừa qua. Tôi từng đi tham quan một nhà máy đốt rác bên Châu Âu và ngồi uống cà phê thoải mái ngay trên khu vực đó. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ”, vẫn lời ông Trân. 

Về phía chủ đầu tư, ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hepco cho biết: Sau khi người dân phản đối việc chôn lấp rác, lãnh đạo địa phương và Công ty đã nhiều lần đối thoại với người dân để lắng nghe nguyện vọng của dân. Cuối cùng, có nhiều ý kiến thống nhất là phải thay đổi công nghệ xử lý, đầu tư lò đốt rác để tránh ô nhiễm.   

“Hiện chúng tôi đã thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, trình UBND tỉnh để thẩm định, phê duyệt dự án. Công nghệ này, Hepco đã tham khảo ở các tỉnh như Quảng Ngãi, Thái Nguyên. Nếu được thông qua, dự kiến lò đốt sẽ đi vào hoạt động  ngay trong năm 2019 với công suất xử lý 1 tấn rác/giờ. Nhà sản xuất cũng cam kết công nghệ đốt không khuếch tán mùi hôi, không cho khói lan ra ngoài môi trường xung quanh, nước rác không còn…

Hepco cam kết lựa chọn công nghệ đốt đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải Việt Nam. Sau này, việc vận hành nhà máy phải có sự giám sát của người dân địa phương. Chúng tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân nên sẽ làm tốt hơn, triệt để hơn. Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường là không làm”, ông Khánh nói. 

Đọc thêm