Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội: Cống thoát nước chung bị nằm ngầm dưới công trình sai phép

(PLVN) - Giải quyết tố cáo của công dân, UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định chủ đầu tư công trình tại số 20 ngõ 69 Thụy Khuê đã xây dựng sai phép ở nhiều hạng mục. Đáng nói, vụ việc ở đây đã có đơn thư từ khi chủ đầu tư thi công phần móng nhưng phải đến khi công trình đã hoàn thiện (6 tầng+ tum) thì sai phạm mới được kết luận rõ và có Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Không biết việc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ được thực hiện ra sao và ai phải chịu trách nhiệm về việc chậm chễ xử lý sai phạm trong vụ việc này? 

Công trình xây dựng vi phạm đã có Quyết định cưỡng chế của UBND quận Tây Hồ.
Công trình xây dựng vi phạm đã có Quyết định cưỡng chế của UBND quận Tây Hồ.

Nhiều hạng mục sai phép 

Theo kết luận tố cáo của UBND phường Thụy Khuê ngày 7/8/2020 đối với công trình xây dựng tại 20 ngõ 69 Thụy Khuê thì tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư (vợ chồng ông Phạm Tuấn Dũng và bà Nguyễn Thu Hà) đã thi công xong phần thô, qui mô nhà 6 tầng + tum + kỹ thuật thang máy. Trong đó, tầng lửng mở rộng thành tầng, xây dựng sai vượt khoảng 39 m2; tầng tum xây dựng sai mở rộng diện tích tăng khoảng 38 m2 và xây dựng thêm phần kỹ thuật thang máy, thang bộ. Từ tầng 2 đến tầng 5 xây dựng ban công lô gia khoảng 1,4 m2 không có trong giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được cấp phép.

Kết luận khẳng định rõ “Chủ đầu tư chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở sai so với giấy phép xây dựng: Sai diện tích xây dựng tầng lửng, sai phần ban công lô gia tầng 2, 3, 4, 5 và sai diện tích xây dựng tầng tum; xây dựng sai phần tum kỹ thuật thang máy”.

Cùng với kết luận “tố cáo đúng”, ông Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch phường Thụy Khuê (người ký Kết luận giải quyết tố cáo) đã “giao cho ông Vũ Bá Đông- Phó Chủ tịch UBND phường tiếp tục chỉ đạo Tổ quản lý trật tự xây dựng- Đô thị phường phối hợp với các phòng ban chuyên môn quận Tây Hồ, Đội quản lý trật tự xây dựng- Đô thị quận Tây Hồ tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng tại 20 ngõ 69 Thụy Khuê. Báo cáo toàn bộ hồ sơ lên Đội Quản lý trật tự xây dựng- Đô thị quận Tây Hồ và UBND quận Tây Hồ để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền”.

Như vậy, có thể thấy, vi phạm về xây dựng trên diễn ra đã lâu, từ khi công trình mới xây dựng ở tầng 2. Không hiểu tại sao vi phạm này không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời và để đến khi công trình đã cao trên 6 tầng thì UBND phường mới báo cáo, chuyển hồ sơ lên quận “để xử lý, giải quyết”?

Được biết, từ ngày 6/7/2020, ông Vũ Bá Đông- Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê đã có văn bản gửi công an phường Thụy Khuê, đề nghị phối hợp dừng thi công công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.

Theo đó, “UBND phường Thụy Khuê đã ban hành thông báo số 102 ngày 25/6/2020 yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công trình xây dựng vi phạm trên. Tuy nhiên, hiện nay qua kiểm tra, chủ đầu tư không chấp hành, vẫn cố tình tiếp tục thi công, chủ yếu thi công ngoài giờ hành chính, gây khó khăn cho công tác xử lý của UBND phường. UBND phường Thụy Khuê đề nghị công an phường Thụy Khuê tăng cường tổ chức lực lượng, cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu; trục xuất thợ thi công vào xây dựng công trình xây dựng vi phạm địa chỉ số 20 ngõ 69 Thụy Khuê do ông Phạm Tuấn Dũng và bà Nguyễn Thu Hà làm chủ đầu tư”.

Như vậy, dù đã khẳng định công trình xây dựng sai phép như trên nhưng trong Kết luận giải quyết tố cáo nhưng không hiểu sao Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê đã không hề đả động gì tới trách nhiệm của những cán bộ khi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát… để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng như trên, dù các hộ đã có đơn thư từ năm 2019 vì thấy cống nước chung của 7 hộ dân đột nhiên bị đặt nằm trong lòng công trình nhà ông Dũng?.  

Vì sao cống thoát nước chung nằm dưới lòng nhà?

Liên quan đến tố cáo của các hộ dân về việc ống thoát nước của 7 hộ dân ngõ 69 Thụy Khuê hiện bị đặt dưới lòng ngôi nhà 6 tầng của ông Dũng bà Hà, UBND phường Thụy Khuê cho rằng, ống nước này (bằng nhựa, đường kính 200mm) nằm trong khuôn viên phạm vi ranh giới thửa đất nhà ông Dũng.

Lý giải rõ hơn, UBND phường Thụy Khuê cho biết, năm 2002, UBND TP Hà Nội có quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN) cho vợ chồng bà Trương Diệu Thu, diện tích đất ở gồm 68,62m2 sử dụng riêng và 29,3m2 sử dụng chung của 2 hộ. Năm 2017, vợ chồng ông Dũng nhận chuyển nhượng đất của vợ chồng bà Thu theo diện tích như trên.

Năm 2018, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh Tây Hồ có văn bản thẩm định hồ sơ đủ điều kiện để gia đình ông Dũng và gia đình ông Lê Phương Minh phân chia diện tích sử dụng chung 29,3m2 giữa hai hộ (theo đó, gia đình ông Dũng được sử dụng 18,6m2 ghép với diện tích đã được cấp GCN). Năm 2018, vợ chồng ông Dũng đã được cấp GCN với diện tích đất ở sử dụng riêng 87,2m2.

Trao đổi với phóng viên, ông Nhữ Đình Thanh (nhà 16, ngõ 69 Thụy Khuê) cho biết, phần đất 29,3m2 vốn là phần đất dùng làm cống thoát nước chung cho các hộ và được để trống để tạo thuận lợi trong vận hành, bảo vệ đường thoát nước. Nay, đường cống này bị đặt ngầm trong lòng nhà ông Dũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thoát nước của các hộ. Chưa kể đường ống này còn dịch chuyển vào trong do vướng móng nhà ông Dũng. Thử hỏi, nếu cống thoát nước này bị tắc, hỏng thì việc sửa chữa được thực hiện như thế nào?. 

Đối chiếu với hồ sơ đất đai, ông Thanh còn cho rằng, cần phải kiểm tra, xem xét lại quá trình chuyển đất “sử dụng chung” thành “sử dụng riêng” trong vụ việc này bởi trong GCN cũ của vợ chồng ông Dũng chỉ nêu 29,3 m2 là “sử dụng chung” chứ không nêu rõ là sử dụng chung với ai? Như vậy, với nội dung trên thì chưa thể khẳng định 29,3 m2 đất chỉ thuộc quyền sử dụng chung của hai hộ (số 18 và 20 ngõ 69). 

Tại cuộc họp tại UBND phường Thụy Khuê vào ngày 22/6/2020, có ý kiến của một hộ dân “đề nghị làm rõ ngõ đi chung này có phải chỉ thuộc hai hộ gia đình bà Hạnh, và Thu hay không?. Tuy nhiên, cho đến nay, cả UBND phường lẫn UBND quận Tây Hồ vẫn chưa trả lời rõ về việc chuyển đất “ngõ đi chung” thành đất riêng của hai hộ như thế nào?

Được biết, vào đầu tháng 12/2020, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng đã có Quyết định “cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” tháo dỡ phần công trình xây dựng không có trong Giấy phép xây dựng được cấp tại số 20, ngõ 69 Thụy Khuê. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì đã hơn 1 tháng trôi qua, Quyết định trên vẫn chưa được thực hiện trên thực tế.

Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình xử lý công trình trên, phóng viên Báo PLVN đã nhiều lần liên hệ làm việc với Văn phòng UBND phường Thụy Khuê và Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê nhưng đều không nhận được hồi âm. Trước đó, UBND quận Tây Hồ cũng từng có ý kiến yêu cầu UBND phường Thụy Khuê làm việc, trao đổi với phóng viên nhưng không hiểu sao địa phương này vẫn tiếp tục “im lặng” với báo chí?  

Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về việc cơ quan chức năng giải quyết, xử lý vi phạm xây dựng trên, cũng như nội dung trả lời tố cáo các hộ dân về việc chuyển “ngõ đi chung” thành đất sử dụng riêng trong vụ việc này. 

Đọc thêm