Tiếp bài 'cuộc chiến ngao - cát tại Tràng Cát': Cty Tân Vũ báo cáo không trung thực?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) có loạt bài phản ánh tình trạng hàng chục hộ dân tại Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) cho rằng Cty CP Thương mại – Xây dựng Tân Vũ Hải Phòng khai thác cát chồng lấn vào vị trí người dân thả nuôi ngao gây thiệt hại lớn về kinh tế. 
Ngư dân nuôi ngao điêu đứng vì doanh nghiệp khai thác cát?.
Ngư dân nuôi ngao điêu đứng vì doanh nghiệp khai thác cát?.

Ngày 30/3/2021, Sở TN&MT Hải Phòng có Công văn 963/STNMT-KS gửi PLVN cung cấp thông tin với sự việc trên.

Công văn cho biết, Cty Tân Vũ được UBND TP cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1461/GP-UBND ngày 2/7/2014 (sửa đổi, bổ sung Giấy phép số 2274/GP-UBND ngày 29/12/2010) cho phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại khu vực phía Nam Đình Vũ, quận Hải An với diện tích khu vực khai thác 96ha, trữ lượng 3.910.686,16m3, công suất khai thác 200.000m3/năm, thời hạn khai thác 18,5 năm.

Sau khi được cấp phép, Cty Tân Vũ đã phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND quận Hải An, UBND phường Tràng Cát hoàn thiện thủ tục thuê đất, mặt nước. Cty Tân Vũ được ký Hợp đồng thuê mặt nước số 26/HĐTĐ ngày 21/3/2014, thời hạn đến 29/6/2029, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BS468234 ngày 21/3/2014.

Tại điểm e khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có quyền chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Hiện Sở chưa tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản của Cty Tân Vũ. “Theo báo cáo của Cty Tân Vũ tại cuộc họp ngày 18/3/2021 thì Cty chưa nộp hồ sơ xin chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản, hiện Cty đang thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ có liên quan với chủ giấy phép theo quy định tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 1461/GP-UBND ngày 2/7/2014”, Sở TN&MT cho biết.

Đối chiếu tài liệu mà người dân cung cấp thì ngày 26/10/2018, Tân Vũ đã ký Hợp đồng kinh tế số 26/10/2018/HĐKT/TV-PS và Phụ lục Hợp đồng kinh tế số 17/6/2019/PL-HĐKT với Cty CP Xây dựng & Khai thác mỏ Phong Sơn; cho Cty Phong Sơn được khai thác cát đen dùng làm vật liệu san lấp với khối lượng tạm tính trước khi khảo sát thực tế là 2 triệu m3. Ngày 25/12/2020, Cty Tân Vũ tiếp tục ký Hợp đồng số 25.12/2020/HĐKT/TV-DT với Cty CP Đoàn Dương Tiến.

Bình luận sự việc, LS Phạm Ngọc Đạt (GĐ Cty Luật Minh Nghĩa, Đoàn LS Hà Nội) cho biết: Chính phủ đã quy định rõ quy trình chuyển quyền khai thác khoáng sản mà DN là chủ mỏ phải thực hiện. Cụ thể, tại điểm d Điều 24 Nghị định 15/2012/NĐ-CP, nêu rõ điều kiện chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản: Tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển nhượng đã nộp đủ hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ khi Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực ít nhất là 90 ngày. 

Cty được cấp phép khai thác khoáng sản muốn chuyển nhượng quyền khai thác phải nộp hồ sơ lên Sở TN&MT. Sau đó, Sở có trách nhiệm kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực đề nghị chuyển nhượng, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và tổ chức thẩm định hồ sơ rồi trình lên UBND TP. Sau đó, căn cứ kết quả thẩm định, đề xuất của Sở TN&MT, UBND TP mới xem xét, quyết định cho hoặc không cho phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Như vậy, trong sự việc này Sở TN&MT Hải Phòng cần làm rõ việc có hay không Cty Tân Vũ ký hai hợp đồng kinh tế chuyển quyền khai thác cát cho Cty khác. Nếu đúng Cty Tân Vũ đã chuyển quyền khai khoáng thì phải xử lý nghiêm theo quy định.

Như PLVN đã thông tin, tại khu vực Gồ Nam, cửa sông Lạch Tray (phường Tràng Cát, quận Hải An), để phát triển kinh tế, một số ngư dân ở đây đã mạnh dạn đầu tư tiền của, công sức để thả ngao giống. 

Trong lúc nghề nuôi ngao ở đây đang phát triển, người dân bỗng nhận được thông tin vị trí khu vực nuôi thả ngao đã được TP cấp phép mỏ khai thác khoáng sản cho một DN. Kể từ khi mỏ cát được cấp phép hoạt động, việc nuôi ngao của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn bởi hoạt động khai thác cát khiến nhiều ngao giống bị chết, hút lên cùng với cát. 

Đặc biệt, từ khoảng tháng 10/2017 đến nay, liên tục hàng chục tàu đến khu vực bãi ngao hút cát, ban đầu còn cách xa vài trăm mét, sau đó lấn sâu vào trong bãi; làm đổ cọc, bẻ cờ, hư hại các chòi canh ngao, gây nhiều thiệt hại cho người dân. 

Tại khu vực, DN khai thác cát không duy trì thường xuyên hệ thống phao tiêu, biển báo ranh giới khu vực khai thác theo quy định. Trong khi việc nuôi ngao trên bãi, người dân thường không có vật chuẩn để xác định ranh giới; nên không biết được đâu là mỏ cát đã được cấp phép để tránh. Chính vì thế, gây ra sự tranh chấp vị trí sản xuất giữa những người nuôi ngao và DN khai thác cát.

Đọc thêm