Tình nghĩa tan nát vì mâu thuẫn vặt liên quan facebook

(PLO) -Chỉ vì giới thiệu cầm cố chiếc điện thoại 600 ngàn cho một người quen qua mạng xã hội, mà bị cáo và bị hại đánh nhau. Giờ một người ra trước vành móng ngựa, một người mang thương tật trên thân thể suốt đời.  
 

 

Bị cáo bị tuyên phạt 30 tháng tù
Bị cáo bị tuyên phạt 30 tháng tù

Sớm mai, trời se se lạnh. Mẹ, chị và em gái bị cáo đến tòa từ rất sớm. Khán phòng lạnh ngắt.Vẫn còn lâu mới đến giờ mở cửa. Cả ba ngồi co ro bên hành lang tòa án. Người phụ nữ thủ thỉ, bà là mẹ của Bùi Quang Khá (23 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) - bị cáo trong vụ án “cố ý gây thương tích” do TAND TP Huế xét xử. 

Chỉ vì chuyện cầm cố chiếc điện thoại

Bị cáo và bị hại trong vụ án là bạn bè đã mấy năm qua. Vào khoảng đầu tháng 8/2016, bị hại nhờ Khá tìm giúp người để cầm cố điện thoại. Bị cáo giới thiệu với bị hại một người bạn khác mà mình quen được trên mạng facebook.

Chiếc điện thoại được cầm với giá 600 ngàn. Một thời gian sau, bị hại muốn chuộc lại điện thoại, nhưng bị cáo lại không tìm được người cầm cố. Vì chuyện này, hai bên nảy sinh mâu thuẫn.

Ngày 20/8/2016, bị hại nhắn tin hẹn bị cáo đến trước cổng chùa trên đường Thái Phiên, phường Tây Lộc. Khá đồng ý nên về nhà lấy cây dao cạo sơn giắt theo người rồi đến điểm hẹn.

Cả hai gặp nhau, lời qua tiếng lại, tranh cãi quyết liệt chừng chục phút thì bị cáo rút dao chém bị hại 2 nhát. Bị hại hoảng hốt, theo phản xạ đưa tay lên đỡ, liền bị chém trúng vào lòng bàn tay gây thương tích. Thấy nạn nhân chảy máu, bị cáo bỏ chạy khỏi hiện trường, hôm sau đến công an tự thú.

Hai vết chém đã khiến bàn tay phải của bị hại đứt nhiều gân gấp, thần kinh giữa đoạn bàn tay bị liệt, hạn chế nhiều chức năng bàn ngón tay. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 25%. Bị hại phải nằm viện điều trị gần 10 ngày.

Bị cáo ngồi nơi hàng ghế kê sát tường dành riêng cho mình. Bị hại ngồi ở dãy bàn bên cạnh. Cả hai chỉ cách nhau một cái bàn, nhưng không ai nhìn ai. Ngày trước họ là bạn, giờ ở chốn công đường lại sượng sùng không nhìn mặt.  

Mẹ bị cáo nhìn con trai chân tay bị xiềng xích, thì không kìm lòng được mà rớt nước mắt. Bà đâu ngờ, đứa con trai được tiếng hiền lành, lại có lúc phải ra nơi vành móng ngựa. Vợ chồng bà đều đã ngoài 60 tuổi. Họ có cả thảy 6 đứa con. Khá là con trai thứ tư trong nhà.

Nhà đã nghèo, lại sinh đông con, nên Khá học hết lớp bảy thì nghỉ ở nhà, sau đó theo cha đi làm thợ sơn. Nhiều năm trước, trong một lần đi làm, người cha gặp tai nạn lao động. Lần tai nạn đó, đã khiến sức khỏe ông suy yếu, mất sức phải ở nhà. Gánh nặng gia đình, từ đó trút lên vai bà.

Trong gia đình, Khá được đánh giá chăm chỉ, nhiều khi còn đưa tiền về phụ mẹ nuôi hai em út ăn học. Trong con mắt người mẹ và các chị em gái, bị cáo là một chàng trai hiền lành, lễ phép. Nên khi biết Khá chém người, cả nhà ai cũng bàng hoàng, thảng thốt.

Chị gái Khá nói: “Ở nhà, hắn hiền như đất. Nhiều lúc đi làm đưa hết tiền cho mẹ, nên đến tiền xài cũng không có. Nó xin 20 ngàn, mình bảo không có, chỉ cho 10 ngàn. Vậy mà đưa tờ 20 ngàn, nó liền lặng lẽ thối lại 10 ngàn”.

Chị kể, sau khi vụ việc xảy ra, nhà bị hại đòi bồi thường 10 triệu đồng tiền thuốc thang. Nhà không có tiền, nên chạy quanh gom mãi vẫn không đủ. “Nhà bên ấy cứ bảo nhà mình chây ì, không chịu bồi thường. Nhưng nhà người ta giàu mới có sẵn tiền, mở tủ ra là có ngay. Chứ nhà mình nghèo, số tiền ấy quá lớn”.

Người mẹ đi làm thuê ở xưởng mè xửng, cả ngày còng lưng lượm đậu, tiền công cũng chỉ trên dưới 100 ngàn. Mỗi tháng nhận lương, bà gửi lại xưởng 100 ngàn. Dành dụm tận ba năm mới được hơn ba triệu, dự định gom góp thêm để mua một chiếc xe máy. Ai ngờ con trai gây chuyện, xe đã không mua được, mà còn phải vay nợ để bồi thường.

Thế nào là “solo”?

Bị cáo khai tại tòa, vì bị hại hẹn hai người gặp nhau “solo”, nên mới cầm theo dao. Tòa hỏi: ““Solo” là thế nào?”. Bị cáo cho biết, “solo” là đánh nhau tay đôi mà không có sự xuất hiện của người thứ ba.

Tòa lại hỏi: “Đánh tay đôi thì có hung khí hay không?”. Bị cáo vẻ lúng túng, bảo không. Tòa: “Hai người hẹn nhau đánh tay không, sao bị cáo còn cầm theo dao?”. Bị cáo nói mình cầm theo dao chỉ để phòng thân. Nhưng khi cả hai nói chuyện, vì bị hại nặng lời xúc phạm, bị cáo nhất thời nóng nảy, không kìm chế được nên mới rút dao.

Bị hại phản bác, bảo bị cáo khai không đúng. Bị hại cho rằng mình hẹn bị cáo đến “solo”, mục đích là uống cà phê nói chuyện, nhằm giải quyết mâu thuẫn, hoàn toàn không có ý đánh nhau. Tòa lại hỏi bị hại: “Vậy ý anh solo là gì?”. Bị hại bảo, “solo” là đi một mình. Rồi còn “cặn kẽ” giải thích cho tòa: “Tôi nói bị cáo đến solo, nghĩa là đến một mình. Cũng giống như ca sĩ solo, là một mình, không lẽ là đánh nhau”.  

Bị hại nói mình muốn bị cáo đến một mình, để nói chuyện phải trái, trắng đen rõ ràng. Vì nếu bị cáo đi cùng bạn, thì không thể nói chuyện được. VKS trích các bút lục thể hiện lời khai của bị hại tại cơ quan điều tra. “Hỏi: theo anh solo là gì?.

Đáp: Tôi nghĩ solo là đánh nhau”. Bị hại chối, bảo mình chưa từng khai như thế. Vị kiểm sát viên yêu cầu thư ký cho bị hại xem bản khai, xác minh có phải chữ ký của bị hại hay không. Bị hại liền vội vã xua tay, bảo không cần phải xem.

Chủ tọa nghiêm giọng: “Tôi xử bao nhiêu vụ, sao không biết “solo” có nghĩa là đánh nhau. Nhưng vì đây là từ lóng, không có trong từ điển, nên muốn làm rõ hơn. Giờ anh có thừa nhận, “solo” là đánh nhau, hay không phải đánh nhau, thì bị cáo cũng đã phạm tội rồi. Và hậu quả của vụ việc cũng không thay đổi được”. Bị hại chống chế: “Tại tôi nhắn tin cho bị cáo qua mạng xã hội. Lời nói không rõ ràng nên gây hiểu lầm”.  

Vị hội thẩm nhân dân bảo cả bị cáo lẫn bị hại: hai người chơi thân với nhau như thế, thân thiết nhiều năm như thế, sao chỉ vì cái điện thoại mấy trăm nghìn mà gây tổn thương nhau. Khi xảy ra mâu thuẫn, sao cả hai không nghĩ đến giải hòa mà lại hẹn đánh nhau.

Từ chỗ bạn bè, giờ một người đứng trước vành móng ngựa, người thì mang thương tật suốt đời. Bị cáo, bị hại thấy hành vi của mình thế nào? Bị cáo nói mình còn trẻ, nên cạn nghĩ. Giờ xảy ra chuyện rất ân hận. Bị hại cúi đầu, không lên tiếng.

Mẹ bị cáo ngồi bên dưới cứ ri rỉ khóc. Bà nói nhà đã cực rồi, giờ con gây ra chuyện, cực khổ càng thêm chồng chất. Đứa em gái bị cáo đang học lớp 10, thấy anh bị bắt, rồi cả nhà xanh mặt chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, nên cũng nản chí mà bỏ học giữa chừng. Bà khuyên mãi nhưng con không nghe, nên càng xót lòng.  

Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo được dẫn ra xe, líu ríu người thân chạy đến nói với theo: “Cải tạo tốt rồi về sớm nghe”, “nhớ giữ gìn sức khỏe”. Bị cáo quay mặt, giấu đi đôi mắt đỏ hoe.

Đọc thêm