Trắng tay ở trọ vì cháu kiện đòi đất

(PLO) -Sáng 22/9, TAND TX Thuận An, tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử vụ án “Yêu cầu trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyết định cấp đất; Yêu cầu tháo dỡ và di dời tài sản; Tranh chấp quyền sử dụng đất và hợp đồng gửi giữ” giữa ông Lưu Phi Long (SN 1955, ngụ ấp Bình Đức, phường Bình Đức, TX. Thuận An) và anh Nguyễn Hữu Hùng (SN 1972, ngụ phường 15, quận Tân Bình, TP HCM, cháu gọi ông Long là cậu). 
Ông Long cho rằng mình “mất sạch” tài sản sau bản án của tòa Bình Dương
Ông Long cho rằng mình “mất sạch” tài sản sau bản án của tòa Bình Dương

Tranh chấp kéo dài

Câu chuyện tranh chấp đất kéo dài giữa hai cậu cháu bắt nguồn như sau: Năm 1995, ông Long giúp cháu đi lao động ở Hàn Quốc. Đến tháng 4/1996, người cháu viết thư nhờ ông Long giữ giúp tiền lương gửi về nước vì không tin tưởng gia đình.

Từ năm 1995 đến tháng 2/2001, số tiền người cháu gửi về nhờ cậu giữ tổng cộng là 32.000 USD. Ông Long kể: “Trong thời gian ở nước ngoài, Hùng có gửi cho tôi 3 lá thư và nhiều lần nói chuyện qua điện thoại, nhưng không nói gì đến chuyện nhờ tôi mua đất, mua nhà giúp.

Cũng trong thư, Hùng cho rằng số tiền nhờ giữ hộ, tôi cứ sử dụng mua nhà, mua xe hoặc gửi ngân hàng, miễn là khi Hùng về nước tôi trả đủ là được”.

Đến tháng 5/2001, trong đám cưới của anh Nguyễn Hữu Cường (SN 1979, em ruột anh Hùng, được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan), có mặt mẹ anh Hùng, ông Long tính toán và xác nhận có giữ giúp người cháu 32.000 USD.

Anh Hùng nhờ cậu mua căn nhà ở đường Phạm Văn Bạch (quận Phú Nhuận, TP HCM) và nhiều lần lấy tiền khác với tổng cộng là 14.800 USD. Ông Long còn giữ của cháu 17.200 USD.

Tiếp đó, người cháu muốn mua một lô đất ở Bình Dương. Ông Long có 3 thửa đất ở đây, trong đó một thửa ông đang ở, nên đưa sổ đỏ hai thửa còn lại cho người cháu chọn. Nhưng người cháu không mua bán và không trả lại sổ. Tranh chấp phát sinh.

Người cháu cho rằng trong số 3 thửa đất trên, thửa 250m2 (ở số 9/133, ấp Bình Đức, hiện có 1 nhà 3 tầng và 18 phòng trọ) mà người cậu đang sử dụng đương nhiên là của anh, vì được mua từ tiền anh gửi về nhờ cậu giữ giúp.

Còn việc giữ sổ đỏ hai thửa đất còn lại (thửa số 270 rộng 237m2 ở ấp Bình Đức, một thửa rộng 150m2 tại lô 45, thuộc Lữ đoàn 434 ở ấp Bình Đáng, phường Bình Hòa), người cháu giải thích là để ép cậu thừa nhận thửa đang ở là của anh, đồng thời sang nhượng hai thửa còn lại cho anh. 

Đến tháng 8/2001, ông Long cần nhập hộ khẩu vào Bình Dương để các con được học trường công lập. Biết chuyện, người cháu đưa đơn đến UBND phường Bình Hòa cho rằng căn nhà số 9/133 ông Long đang ở là của mình, đang xảy ra tranh chấp. Có đơn này ông Long không làm được hộ khẩu. 

Người cháu buộc cậu phải thừa nhận căn nhà trên là của mình, ra điều kiện nếu cậu muốn giữ lại nhà để làm hộ khẩu thì phải ký biên bản thỏa thuận đổi đất. Người cậu đành chấp nhận.

Theo biên bản này, ông Long sẽ được sở hữu căn nhà và đất ở số 9/133 và giao sổ đỏ hai thửa còn lại cho người cháu. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được thực hiện. Ông Long vẫn giữ căn nhà số 9/133, người cháu vẫn giữ sổ đỏ hai thửa còn lại.

Năm 2004, ông Long xây dựng căn nhà 3 tầng và xây 18 phòng trọ trên thửa đất số 9/133. Biết chuyện, người cháu khiếu nại đến UBND phường Bình Hòa đòi lại đất. 

Phường hòa giải. Anh Hùng xác nhận: “Không nhờ ông Long mua đất trên tổng số tiền đã gửi về cho ông Long giữ hộ”. Hòa giải không thành, anh Hùng khởi kiện tại tòa, nhưng sau đó không đến nên tòa đình chỉ vụ án.

Đến năm 2006, ông Long khởi kiện đòi sổ đỏ hai thửa đất người cháu đang giữ. Bản án sơ và phúc thẩm của tỉnh Bình Dương năm 2008 (sau đó bị tòa án tối cao hủy) đều không công nhận thỏa thuận đổi đất tháng 8/2001.

Nhưng tòa nhận định, thửa đất số 9/133 là do người cháu gửi tiền về cho ông Long mua nên tuyên buộc ông Long phải trả cho cháu; đồng thời bác đơn và đình chỉ việc đòi đất của ông Long ở hai thửa còn lại. 

Ngay sau khi bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương năm 2008 có hiệu lực (lúc này chưa bị Tòa án tối cao hủy), gia đình ông Long bị cưỡng chế lấy nhà, phải ra đường.

Ông Long làm đơn giám đốc thẩm. Năm 2012, Tòa tối cao ra quyết định hủy hai bản án sơ và phúc thẩm vì còn nhiều điều chưa làm rõ, bản án làm ông Long bị thiệt hại nghiêm trọng.

Dứt tình cậu cháu

Từ ngày có quyết định giám đốc thẩm đến nay hơn 4 năm qua, nhiều lần ông Long yêu cầu TAND TX. Thuận An đưa vụ án ra xét xử, nhưng chưa được. Trong thời gian này, gia đình ông phải vật lộn mưu sinh vì tài sản bị thi hành án.

Ông cho rằng tất cả thửa đất, phòng trọ đều do phía người cháu quản lý, cho thuê thu tiền huê lợi. Tuy nhiên sau đó, anh Hùng bị tai nạn trở thành người mất hành vi năng lực dân sự.

Phiên sơ thẩm lần 2 này, ông Long khởi kiện yêu cầu anh Hùng và người có quyền, nghĩa vụ liên quan phải trả lại quyền sử dụng đất, tài sản trên đất ở số 9/133, thửa đất 270 và lô 45. Đồng thời bồi thường về thiệt hại đã gây ra cho ông là những huê lợi thu được từ khi ông bị cưỡng chế mất trắng nhà, đất với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Trình bày tại tòa, người đại diện hợp pháp phía người cháu cho rằng thửa đất ở số 9/133 là tiền anh Hùng gửi về nhờ ông Long mua giúp. Chủ cũ thửa đất này khai rằng nghe ông Long và anh Cường nói mua cho anh Hùng bên Hàn Quốc. Ngoài ra, anh Cường cho rằng mua đất và xây 6 phòng đều có sự chứng kiến của mình. Riêng việc xây nhà trọ, anh Cường đứng ra làm hợp đồng và thanh toán tiền với thợ.

Anh Cường cho rằng việc ông Long đòi lại thửa đất số 270 và lô 45 là không có căn cứ. Anh Cường thừa nhận hai lô đất này của ông Long và không giữ giấy tờ liên quan mà đã giao nộp cho tòa. Anh Cường cho rằng mình không cho người khác thuê, không thu lợi trên nên không bồi thường như ông Long nêu trên.

Luật sư phía nguyên đơn cho rằng cần tạm đình chỉ vụ án, triệu tập 2 nhân chứng mà anh Hùng gửi tiền để nhờ ông Long giữ giúp. Đồng thời tiến hành giám định thiệt hại mà ông Long không thu được từ những căn nhà trọ cho thuê để có cơ sở bồi thường. 

Luật sư phía bị đơn cho rằng những yêu cầu đòi đất, đòi nhà và bồi thường của phía nguyên đơn là không có cơ sở, và nhắc nguyên đơn phải có “đạo đức” vì anh Hùng trở thành người thân tàn ma dại.

Tuy nhiên, theo ông Long, ông đã nhiều lần muốn thương lượng để giải quyết tình cảm, thậm chí còn chấp nhận chu cấp cho anh Hùng hàng tháng. Nhưng phía người cháu không chấp nhận. “Đã dứt tình cậu cháu rồi. Nói về đạo đức, hãy coi cảnh tôi bị đuổi ra đường, phải đi ở trọ dù tài sản tạo lập được. Còn tai nạn gây thương tích cho Hùng là thời gian Hùng thắng kiện”, ông Hùng nói.

Tòa nghị án kéo dài và sẽ tuyên án sau.

Đọc thêm