Vĩnh Cửu, Đồng Nai: Mẹ già ung thư nuôi 2 con tâm thần kêu cứu vì hàng xóm chiếm lối đi

(PLVN) - Buổi trưa trung tuần tháng 6, gần trụ sở UBND xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), bà Huỳnh Thị Xia (73 tuổi, ngụ xã Bình Hòa) với đôi chân khập khiễng, trên vai nặng trĩu bao ve chai đã nhặt được và trên tay cầm vài tờ đơn khiếu nại. 
Công trình bị tố lấn ra lối đi chung
Công trình bị tố lấn ra lối đi chung

Bà cho biết, bà bị gia đình hàng xóm lấn chiếm lối đi, quá trình xây dựng làm rơi đất đá, nước chảy ra con đường khiến sân nhà bà bị ngập. Trong khi đó cơ quan chức năng địa phương bị cho đã không xử lý sự việc triệt để. 

Lấn hẻm, chửi bới hàng xóm

Theo phản ảnh của bà Huỳnh Thị Xia, đầu năm 2018, khi nhà hàng xóm là Tăng Thị Hai bắt đầu xây dựng trên thửa đất số 315, 316 tờ bản đồ số 22, thuộc ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa đã xây lấn ra con hẻm kế bên thuộc thửa đất số 238 tờ bản đồ số 22, con hẻm này trước kia xe tải nhỏ đi được nhưng hiện nay bị lấn chiếm chỉ còn đủ chiếc xe máy vào được. Trong hẻm có 3 hộ gia đình đang sinh sống, trong đó có hộ bà Huỳnh Thị Xia, Phạm Thị Kim Xuyến (65 tuổi) và hộ Mai Thị Tuyết Trinh (50 tuổi) đồng loạt nhắc nhở nhưng gia đình bà Hai không những không khắc phục mà còn mâu thuẫn với các hộ hàng xóm.

Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình xây dựng, gia đình bà Hai không che chắn, nhiều lần đổ đất đá, xi măng ra đường, văng sang nhà hàng xóm: “Gần 2 năm nay, nhà bà Hai đã xây dựng không che chắn, bụi bậm, xi măng lúc nào cũng rơi vào nhà tôi khiến gia đình tôi phải đóng cửa suốt ngày. Mới đây, không biết nước ở đâu từ nhà bà Hai chảy sang ngập sân nhà tôi. Đã nhiều lần tôi nhắc nhở nhưng hàng xóm liên tục chửi bới, thách thức”, bà Xuyến nói.

Tương tự, bà Xia khi ra nói chuyện với nhà bà Hai về việc hàng xóm xây dựng gây bụi bẩn cũng bị thách thức: “Tôi có giấy phép xây dựng thì tôi có quyền, bà thích thì đi kiện đi”. Ngoài ra, có lần bà Xia đi ngang qua hẻm còn suýt bị mảnh xi măng rơi trúng người. Tại hiện trường, căn nhà hai tầng của bà Hai đang được hoàn thiện, xung quanh không hề có che chắn. 

Theo các hộ dân, vào cuối năm 2018, sau khi người dân khiếu nại, chính quyền xã Bình Hòa đã có động thái đình chỉ xây dựng ngôi nhà này và tịch thu máy móc xây dựng. Thế nhưng đến đầu năm 2019, thì công trình tiếp tục xây dựng lại và ngang nhiên đổ xi măng, nước thải ra đường khiến các hộ dân bức xúc. Và cũng đã nhiều lần, bà Xia ôm đơn ra UBND xã Bình Hòa khiếu nại, nhưng Chủ tịch xã Trịnh Thị Ngọc Nga nói rằng: “Chỉ có đánh nhau mới giải quyết, còn thưa kiện gì đó lên tòa án, chứ tôi không giải quyết”. Để xác minh sự việc, PV đã nhiều lần liên hệ với xã Bình Hòa để gặp bà Nga nhưng bà này đều vắng mặt. Còn phía bà Xia sau nhiều lần gửi đơn đến xã không được giải quyết cũng đàng bất lực. 

Quỳ xin hàng xóm

Trong cái nắng nhạt cuối chiều, bà Xia dẫn chúng tôi về nhà, đi ngang con hẻm nhỏ xíu đang bị hai bên hàng xóm lấn chiếm, nhà bà Xia nằm lọt sâu cuối hẻm, cách biệt hẳn với thành phố hiện đại, náo nhiệt ngoài kia. Được biết bà Xia bị ung thư đại tràng 2 năm nay, không có điều kiện chạy chữa nên sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.

Bên trong căn nhà ẩm mốc chẳng có gì giá trị, ngoài hai cái quạt điện và chiếc ti vi cũ kỹ lâu năm của gia đình, các lớp sơn tường cũng đều bong tróc, ẩm mốc, quanh quẩn có 3 người là: bà Xia, con gái bà là bà Mai Thị Tuyết Hạnh (40 tuổi) và người con đã ngoài 50 tuổi nhưng chỉ biết nói cười.

Dáng người gầy gò, mái tóc bạc trắng, chiếc lưng cũng đã còng, vậy nhưng hàng ngày bà Xia vẫn phải gồng mình để chăm sóc cho 2 người con mắc bệnh tâm thần bẩm sinh. Quệt ngang dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, bà Xia cho biết: Bà có 7 người con nhưng ai cũng nghèo khó cả, nên một mình cụ hàng ngày phải đi lượm ve chai để ráng gồng gánh nuôi 2 người con bị tâm thần. 

Nói đến đây, bà chỉ về hướng nhà bà Hai – nhà đã đổ đất đá lên đầu bà, rồi khóc nghẹn: “Nhiều lần đi lượm ve chai về, đến con hẻm, tôi không dám đi vào nhà vì sợ xi măng rớt trúng. Cách đây nửa tháng, tôi bị xi măng đổ ướt người, phải ra đó quỳ lạy người ta đừng đổ đất đá ra đường nữa. Chỉ sợ tôi chết rồi, không ai chăm sóc 2 đứa nó”.

Giờ đây, đến tuổi gần đất xa trời, bà Xia chỉ mong ước rằng lấy lại con hẻm mà cả cuộc đời bà đã gắn bó, đi lại. Không biết đến cái chữ, không biết đến tòa án nên cụ không biết kêu ai. “Ước nguyện của tôi trước khi chết là lo cho 2 đứa con đến nơi đến chốn và lấy lại con hẻm này, nơi cả gia đình tôi đã đi mấy chục năm qua.”, bà Xia nói.

Đọc thêm