Ban hành Đề án phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Bộ Tư pháp vừa ban hành Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016.

Bộ Tư pháp vừa ban hành Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016.

 

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Đề án cũng xây dựng các mục tiêu cụ thể như: Đến hết năm 2014, 100% báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng để đội ngũ này thực hiện tuyên truyền, phổ biến tại Bộ, ngành, địa phương; Đến hết năm 2016, trên 95% cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành được quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức về pháp luật phòng, chống tham nhũng, nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Đến hết năm 2016, những nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Công  ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

Đề án sẽ được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho các đối tượng là: cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân (bao gồm cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp). Trong đó, đối tượng được tập trung ưu tiên bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; Nhân dân.

Khi đi vào triển khai, Đề án tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; Nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng;  Nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Đề án cũng tập trung tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng…

Hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến sẽ rất đa dạng như tuyên truyền qua việc biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng; Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền trực tiếp pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” tại Bộ, ngành, địa phương v.v…

Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác.

PV

Đọc thêm