“Qua lớp rèm phẫu thuật mỏng, tôi nghe rõ tiếng sụt sùi hãi hùng, tiếng vùng vẫy hoảng loạn, tiếng y tá quát tháo, tát tai bệnh nhân để giúp họ trấn tĩnh, tiếng hét đau đớn, tiếng dao kéo đụng vào nhau khô lạnh và dứt khoát... Chợt tôi lạnh toát người khi một chiếc xe phủ khăn trắng đẩy một người xấu số từ phòng mổ đi ra. Tôi nắm chặt tay, lòng bàn tay rịn mồ hôi, thầm cầu nguyện cho con người bất hạnh vừa rồi. Ai nấy trong phòng chờ dẫu không nói ra, cũng tự hiểu rằng có thể người kế tiếp nằm trên chiếc xe đó cũng chính là mình, hoặc người ngồi kế bên mà mình vừa nói chuyện.
Nếu có điều gì bất hạnh xảy ra với chính mình, tôi không oán thán bởi chính tôi đã tự lựa chọn con đường này; gia đình chúng tôi cũng không thể kiện tụng, bởi trước khi phẫu thuật, tôi đã phải tự ký vào hợp đồng sinh tử, chấp nhận mọi sự rủi ro. Không chỉ riêng tôi, tất cả những người đăng ký làm phẫu thuật chuyển giới khác cũng vậy. Cái giá để đánh đổi lấy một hình hài mới, một thân phận mới nhiều khi không chỉ là máu và nước mắt, mà còn chính bằng mạng sống của mình.
Ở đây, trước cửa phòng mổ là một ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Tôi có nên bước qua không? Hay rút cục hãi sợ thoái lui như một số người chuẩn bị bước lên bàn mổ? Nếu bước qua, nhắm mắt phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nam, cấy tạo nên bộ phận sinh dục nữ, tôi sẽ được sở hữu một thân xác phụ nữ hoàn hảo mà suốt đời tôi hằng mơ ước. Tôi sẽ được trở thành tôi một cách hoàn chỉnh, toàn vẹn. Nhưng nếu tôi chết bỏ xác tại đây thì sao? Ba má tôi có khóc than? Em trai tôi có khóc than? Bạn bè tôi, khách hàng của tôi, người quen của tôi sẽ thương xót hay chê cười?”... Đó là những tâm sự rất thật của nhà thiết kế chuyển giới Franky Nguyễn khi hồi tưởng lại giây phút quan trọng đánh dấu một cột mốc mới trong cuộc đời cô.
“Phẫu thuật chuyển giới ở Thái Lan không sử dụng thuốc gây mê, mà chỉ lưng lửng giữa gây tê và gây mê. Nhiều lúc tôi muốn quên đi, muốn vùi chôn những âm thanh phẫu thuật đáng sợ đó, muốn xóa nhòa những giây phút lơ mơ 8 tiếng trên bàn mổ, người nằm thượt yếu ớt và bất động song vẫn hiểu rõ, nghe rõ những gì bác sĩ đang làm trên cơ thể mình... nhưng không thể”, cô kể.
Trong quá trình phẫu thuật chuyển giới, Franky thừa nhận có những rủi ro vô cùng lớn, nhẹ thì bị hỏng, biến dạng, mưng mủ phải phẫu thuật lại, nặng thì chết người ngay trong lúc mổ hoặc hậu phẫu. Nguyên do cái chết có lúc do phía bác sĩ, nhưng có khi từ chính sự thiếu hụt kiến thức của các bệnh nhân khiến các vết thương sau khi phẫu thuật lại bị toác ra hoặc biến dạng khôn lường.
Franky Nguyễn từng chứng kiến một người Việt bị chết sau phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. “Đó là một bạn nam đến từ Hà Nội, được mẹ đưa sang đây làm phẫu thuật chuyển giới thành nữ. Hai mẹ con đều không biết tiếng Anh, cũng không thuê dịch vụ chăm sóc”, Franky buồn bã kể. “Phẫu thuật xong, hai mẹ con về khách sạn gần nơi phẫu thuật không xa. Nào ngờ chưa được bao lâu đã thấy còi hú tại khách sạn, bạn ấy được khênh ra xe với máu me đầm đìa. Do xuất huyết quá nhiều, bạn ấy đã không qua khỏi”.
Để phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục nữ trên một người nam, bác sĩ cần tạo một đường riêng dành cho việc quan hệ tình dục sau này của bệnh nhân. Nhưng khi mới phẫu thuật, đường này bị khâu lại, sau khi lành vết thương và trở về nước, bệnh nhân cần trải qua khá nhiều bước rèn luyện mới sử dụng được đường này. Để không ảnh hưởng tới vết thương vừa khâu, các bệnh nhân được khuyến cáo chỉ ăn đồ loãng để tránh đại tiện.
Do không hiểu tiếng Anh, hai mẹ con người xấu số kia không hiểu rõ về nội dung bác sĩ căn dặn. Bà mẹ lại mua những đồ ăn dạng rắn sẵn có như khoai mì, cơm, đồ bổ... ép con ăn để lấy lại sức. Kết quả là bụng tức, bí hơi, muốn đi vệ sinh, càng khó đi càng gắng sức rặn khiến bục chỉ vết thương vừa khâu. Sự e ngại, xấu hổ về tâm lý khiến hai mẹ con không dám gọi người giúp ngay, tới lúc máu bục ra ồ ạt, xoay xở không nổi thì đã quá trễ./.