Tất cả vì mưu sinh
Qua vài lần tiếp xúc, D. đã cởi mở hơn khi tâm sự về mình. Ngoại hình ưa nhìn, có năng khiếu và đam mê múa từ thủa nhỏ, chàng trai quê Nghệ An cảm thấy may mắn khi được lọt vào cái nôi đào tạo nghề múa bài bản nhất. D. ra Hà Nội học đại học mang theo nhiều kỳ vọng của cha mẹ. Cũng như những sinh viên đến từ các miền quê khác, sau khi ổn định việc học, D. nhanh chóng tìm việc làm nhằm kiếm thêm thu nhập, đỡ phần nào gánh nặng gia đình khi bố mẹ còn phải gánh gồng đàn em của D…
Ngay từ năm thứ nhất, chàng sinh viên xứ Nghệ đã thử qua không ít việc như: bồi bàn, phát tờ rơi, trông quán net…, nhưng những việc đó lương thấp, lại lấn thời gian học. Tình cờ D. được một người bạn giới thiệu vào làm ở vũ trường, lương khá mà chỉ làm vào buổi tối.
“Ban đầu em không dám làm đâu vì nghĩ ở trong đó là chỗ vui chơi không lành mạnh, nhỡ bố mẹ ở nhà biết được thì chết. Nhưng khi biết sẽ làm chân dạy nhảy với mức lương kha khá, đủ trang trải sinh hoạt, không phải xin tiền gia đình, lại làm vào ban đêm nên em quyết định thử” - D. kể. Sau 2 tháng tập huấn, D. chính thức trở thành “trai nhảy”.
Giờ học trên giảng đường kết thúc, D. nhanh chóng trút bộ quần áo thư sinh và khoác lên mình bộ đồ đắt tiền, đôi giày bóng loáng lập tức tới vũ trường cho kịp giờ làm. Mới vào nghề nhưng cậu được rất nhiều “quý bà”, “quý cô” lựa chọn vì có thân hình cao ráo cộng với gương mặt điển trai. Ngày đầu tiên dẫn nhảy, D. đã kiếm được 500.000 đồng. “Đó thực sự là mức thu nhập trong mơ so với các công việc trước đó của em” - D. bày tỏ.
Tuy nhiên, thời gian trôi đi, việc làm thêm “vào guồng” thì sức học của D. cũng ngày càng sa sút, vì D. thường phải làm tới tận 12 giờ đêm và hôm nào khách rủ đi chơi thì phải đến 3-4 giờ sáng mới về phòng trọ.
Anh Lê Văn L., một trong những trai dẫn nhảy lâu năm nhất của vũ trường Đ.Đ giãi bày: “Nghề của bọn mình cũng nhiều cơ cực lắm. Ngày trước khi mới đi làm, bạn gái nhất quyết bắt bỏ bởi không chịu được cảm giác người yêu cứ đêm đêm ôm người khác. Đã nhiều lần mình thanh minh, tâm sự nhưng cuối cùng mối tình ba năm vẫn tan vỡ”.
Cả D. và L. đều khẳng định chưa bao giờ đi quá giới hạn với bạn nhảy. Tuy nhiên trên thực tế, trước sự cám dỗ của đồng tiền, nhiều chàng trai tuổi còn đôi mươi sẵn sàng phục vụ “từ A đến Z” nhằm làm vừa lòng các thượng khách bằng tuổi mẹ, tuổi bà mình để nhận những khoản “boa” hậu hĩnh.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
“Xôi hỏng, bỏng không”…
Vòng xoáy của tiền - tình đã khiến các “trai nhảy” dấn thân vào khó có thể dứt bỏ. Rất nhiều người ban đầu chỉ định dẫn nhảy tạm thời với mục đích kiếm thêm thu nhập, giải quyết nhu cầu học tập, cuộc sống trước mắt, nhưng vì thu nhập khá nên cuối cùng họ gắn bó khá lâu với nghề này.
Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Duy T. (SN 1993, quê Thanh Hóa) từng là sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc với ước mơ sau này trở thành một kiến trúc sư giúp bố mẹ nở mày nở mặt, song khi làm “trai nhảy”, T. dần đánh mất chính mình. Vì mải mê kiếm tiền, T. bị nhà trường đuổi học vì nghỉ quá nhiều. Việc học dở dang và “nghiệp” dẫn nhảy của T. xem ra cũng chẳng đi đến đâu.
T. bộc bạch: “Nghề của bọn mình dễ kiếm tiền và khi tiếp xúc với giới nhà giàu mình đâm ra cũng nghiện những thú vui của họ. Kiếm được bao nhiêu lại đổ vào ăn chơi, lô đề, cờ bạc bấy nhiêu, cho đến giờ mình vẫn đang gánh một khoản nợ kha khá nên cố làm để trả nợ, sau đó sẽ chuyển nghề”.
Còn Lê Anh P. thì bi đát hơn. Thời gian học đại học của P. kéo dài đến 6 năm bởi nợ rất nhiều môn, phải lùi thi tốt nghiệp. Đến khi cầm tấm bằng trên tay, đi xin việc chẳng nơi nào nhận bởi kiến thức chuyên môn quá kém, P. quay lại với sàn nhảy nhưng rủi ro bỗng nhiên giáng xuống, P. bị gãy chân sau một tai nạn giao thông vào năm ngoái. Những bước nhảy của P không còn điêu luyện nữa, cuối cùng phải bỏ sàn nhảy. P. đang vật vờ sống nhờ một người bạn cùng quê ở xóm trọ Phùng Khoang.
Nghề dạy nhảy bản chất không xấu, tuy nhiên, thực tế khi bị lợi dụng thành chốn thỏa mãn những dục vọng tầm thường, thành dịch vụ kiếm lợi trước mắt, những người dẫn nhảy biến thành “trai bao” thì nó bị xã hội nhìn với ánh mắt khác, bị dư luận kỳ thị.
Màn đêm bắt đầu buông xuống, ánh đèn mờ hòa quyện với những bản nhạc dạo báo hiệu một đêm vui mới bắt đầu. Không ít chàng trai hóa thân thành vũ công chuyên nghiệp, rồi thành người tình trẻ phục vụ các “quý bà”, “quý cô”… Đằng sau những cuộc vui đó, không biết bao cuộc đời sẽ thay đổi?