Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 1,3%; khách quốc tế giảm 34,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1%; thu hút FDI chỉ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 33%; tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 3 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ; hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể - tăng 37,6% so với cùng kỳ.
Kế hoạch thu ngân sách TP HCM đặt ra là hơn 1.600 tỷ đồng một ngày, song chỉ được 899 tỷ đồng (55%). “Chỉ tiêu thu ngân sách năm nay là hơn 405.828 tỷ đồng chắc chắn rất khó đạt”, ông Phong nói.
Không chỉ kinh tế, mọi mặt đời sống, xã hội, giáo dục, văn hoá... đều bị ảnh hưởng nặng. Cùng với cả nước, TP có hai tuần để hành động chống dịch, bởi nếu dịch kéo dài thì mọi mặt bị đình trệ, ảnh hưởng nặng nề.
TP HCM luôn là địa phương được giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn nhất nước. Quý I năm ngoái, TP HCM thu ngân sách hơn 98.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Năm 2019 TP thu ngân sách hơn 400.000 tỷ đồng - cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 TP trực thuộc TW còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỷ đồng). Vì vậy, những con số mà TP vừa công bố trong kỳ họp hôm qua khiến nhiều người e ngại.
Thế nhưng trước đó một ngày, cũng TP HCM là địa phương đầu tiên đưa ra chính sách sẽ hỗ trợ mỗi lao động thất nghiệp vì dịch bệnh số tiền 1 triệu đồng/tháng. Số tiền có thể không lớn với nhiều người, nhưng động thái sẻ chia này làm ấm lòng những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Lãnh đạo TP đồng thời cho biết cán bộ viên chức TP dự kiến sẽ giảm thu nhập tăng thêm.
Cũng tại kỳ họp hôm qua, UBND TP HCM trình HĐND dự thảo ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng lĩnh vực y tế; dự thảo chế độ chi phục vụ công tác phòng chống Covid-19…
Trong khó khăn mới biết bản lĩnh đầu tàu. Với TP HCM, bản lĩnh đó không chỉ thể hiện ở sự sẻ chia với những trường hợp khó khăn, mà còn là dũng cảm nhìn vào sự thật, cảnh báo những khó khăn có thể sẽ đến, để đoàn kết toàn dân thành một khối, vượt qua khó khăn, nhanh chóng chiến thắng đại dịch.