Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) nhận Huân chương Lao động hạng nhì

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 28/12, tại di tích đền Kiếp Bạc, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì và kỷ niệm 30 năm thành lập.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trao Huân chương Lao động hạng nhì cho lãnh đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trao Huân chương Lao động hạng nhì cho lãnh đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Năm 1962, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đợt đầu. Với những kết quả trong công tác bảo vệ, quản lý di tích, từ năm 1994 đến tháng 4/2012, Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Từ tháng 5/2012 đến nay, Côn Sơn - Kiếp Bạc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; Lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, Hồ sơ quần thể di tích “Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đệ trình lên tổ chức Văn hóa, giáo dục UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc đã hoàn thiện dần các giá trị văn hoá vốn đang bị mai một, thất truyền. Công tác tổ chức lễ hội ngày càng bài bản, khoa học, chặt chẽ. Năm 2012, lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc đã được đ­­­ưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Ngày 22/2/1994, UBND tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) quyết định thành lập Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, có chức năng quản lý toàn diện việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị khu di tích.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn. Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát huy giá trị di tích, triển khai xây dựng kế hoạch nghiên cứu về khu di tích, và hoàn thiện nhiều đề tài khoa học. Ban cũng là đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo tồn di tích theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng văn hoá của vùng Côn Sơn - Kiếp Bạc, đáp ứng nhu cầu của du khách như: du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần, vui chơi giải trí, du lịch tham quan di tích lịch sử lễ hội, du lịch làng nghề, làng cổ... Qua đó, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, góp phần vào việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của xã hội, trong thời gian tới, Ban Quản lý di tích tập trung giải quyết đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích, phấn đấu trở thành khu du lịch quốc gia, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Hải Dương trở thành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030…

Đọc thêm