Bản quyền và “cơn khát” của người hâm mộ

(PLO) - Những ngày này, câu chuyện bản quyền ASIAD mà Việt Nam không có được trong tay là chủ đề bàn tán rất nhiều ở mọi nơi, mọi lúc, trên mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông.
Bản quyền và “cơn khát” của người hâm mộ

Người hâm mộ thể thao tìm đủ cách để có thể xem trực tiếp các môn thi đấu đang diễn ra ở nước láng giềng Indonexia, cùng khối ASEAN và tất nhiên cùng cùng khu vực Đông Nam Á. Gần gũi đến như thế mà không có bản quyền truyền hình thì tiếc thật.

Dân tình ngày càng “cay” khi phải xem lậu khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam “làm mưa, làm gió” trên cầu trường ASIAD, trận hạ gục Nhật Bản vừa qua đã đẩy nỗi “cay” ấy đến tận cùng khi không được chứng kiến những cảnh quay rõ nét, chất lượng cao và những lời bình luận hấp dẫn. Những “cơn địa chấn” không chỉ xảy ra trong môn bóng đá nam. Đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta đã thắng oanh liệt người chị em Thái Lan và tiễn những người này về nước sớm. Rồi bóng chuyền nam của chúng ta thắng kiên cường một đội rất mạnh là Trung Quốc.

Tiếp tục, màn khai mạc hoành tráng nhất từ trước đến nay trong các kỳ Á vận hội diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ trên đất nước Vạn đảo mà hàng triệu khán giả Việt Nam không được chứng kiến khiến cho không ít người tiếc hùi hụi. Sẽ còn “cay” nữa nếu U23 thân yêu và tự hào của chúng ta tiến sâu vào vòng trong và lập nên thêm một kỳ tích như ở Thường Châu (Trung Quốc) trong giải Vô địch U23 châu Á diễn ra vào đầu năm nay.

Dù vì lý do nào đi chăng nữa thì việc không mua được bản quyền ASIAD cũng làm sụt giảm đáng kể niềm tin của những người hâm mộ vào cơ quan truyền thông nhà nước, chưa nói đến thể diện quốc gia và niềm vui của hàng triệu người khi được sát cánh cùng thể thao nước nhà trong cuộc tranh tài tầm châu lục.

Có thể những người phát “lậu” chương trình ASIAD bị xử phạt hành chính, phạt tù về tội xâm phạm sở hữu trí tuệ nhưng họ lại được coi là “vị cứu tinh” của những khán giả Việt Nam, thậm chí người hâm mộ còn thấy họ “vô cùng đáng yêu, đáng biết ơn”.

Vẫn còn những hy vọng le lói cho bản quyền ASIAD đến với Việt Nam nhưng dẫu có thì cơ quan truyền thông  nhà nước cũng đã “mất điểm” trong con mắt mọi người. Càng vui sướng, tự hào với chiến công của những người mang “màu cờ, sắc áo” nước nhà đi thi đấu bao nhiêu thì càng cay đắng, buồn tủi bấy nhiêu vì lẽ ra được xem công khai chính thức thì phải “xem chui, xem lủi” bằng những con đường “vi phạm bản quyền”. Nhưng trong tình thế này, người hâm mộ không còn cách nào khác là phải sống chung với “lậu”!