Điều kiện 'ngược' xu thế

(PLO) - Chương trình VTV 12h trưa ngày 19/8 có đưa nội dung quy định “phải lắp camera giám sát” trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (lần thứ 4). Đó là nội dung khoản 2, Điều 12 Dự thảo Nghị định. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Bộ GTVT trình Thủ tướng quy định: Thiết bị giám sát hành trình gắn trên ô tô có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình. Bộ này còn đề xuất thêm nội dung dữ liệu hộp đen phải lưu trữ như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày và đề nghị bổ sung xe trung chuyển vào loại phương tiện phải gắn hộp đen. Đa số lái xe, lãnh đạo doanh nghiệp, kể cả Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô đều phân vân với nội dung này.

Phải nói thêm một chút, bên cạnh việc tạo ra hành lang pháp lý để quản lý taxi công nghệ (điểm mới nhất của Dự thảo Nghị định). Điều quan trọng nhất của Dự thảo Nghị định là phải theo kịp được thực tiễn sinh động đang diễn ra bên ngoài đời sống kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam. Đáng lẽ, trước khi cho thí điểm Uber, Grab, cơ quan chức năng phải có khung pháp lý để quản lý loại hình taxi công nghệ này trước. 

Tuy nhiên, trên thực tế phải sau khi thực hiện thí điểm 2 năm, nhận thấy những bất cập mới quay lại xây dựng khung pháp lý đã là muộn. Xin nhớ là công nghệ phát triển hàng ngày chứ không “câu giờ” như quản lý. Mục tiêu quan trọng nhất của dự thảo không phải là việc cởi trói cho loại hình taxi này hay siết chặt loại hình taxi kia mà phải quản lý được taxi công nghệ để tạo ra được môi trường kinh doanh lành mạnh.

Dự thảo mới trình nhưng xem ra “tư duy quản lý” còn nhiều vấn đề. Còn nhiều điểm bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng về việc sẽ “cởi trói” tháo gỡ khó khăn cho DN taxi truyền thống, như vẫn còn nhiều rào cản về giấy tờ, thủ tục hành chính phức tạp không cần thiết. Đơn cử như quy định kinh doanh taxi vẫn phải có bộ đàm...

Quy định này sẽ dẫn đến nhiều chi phí tốn kém không cần thiết để thực hiện như phải có một tổng đài, một bộ đàm, rồi phải xin sóng, thiết bị phải kẹp chì, phải đem đi kiểm định... Xin lưu ý: cách đây chưa đầy 2 năm, khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải) đã phải bỏ ra trên 3.000 tỉ đồng để gắn hộp đen theo Nghị định 171/NÐ-CP. Nếu Dự thảo Nghị định được thông qua, các thiết bị hộp đen cũ đã lắp sẽ phải thay đổi, hoặc lắp thiết bị mới.

Nhiều quy định trong dự thảo cũng được cho là “can thiệp quá sâu” vào hoạt động của doanh nghiệp. Cần nhắc thêm, hiện nay Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt, dự kiến sẽ cắt giảm hơn 60% trong tổng số 5.905 điều kiện kinh doanh hiện hành. Bộ GTVT cũng đã quyết liệt để cắt giảm, liệu có nên thêm “điều kiện” trong những văn bản dự thảo mới?.