Băng rôn tuyên truyền đừng chê người ít học

(PLO) -Từ vụ việc tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) treo băng rôn in khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” khiến nhiều người bức xúc. Sự việc trên đã đặt ra vấn đề nội dung tuyên truyền trên các băng rôn, khẩu hiệu hiện nay đang do cơ quan nào thực hiện, quản lý. 
Từ chuyện “học nửa, học mãi”
Câu nói nổi tiếng này của Vladimir Ilyich Lê Nin rất nhiều người Việt Nam biết, nhưng tất nhiên là với nguyên văn chính xác: “Học, học nữa, học mãi”. Thế nhưng, vào tháng 10/2013 khi nó được thể hiện trang trọng trên tấm băng rôn treo ở đường Lý Tự Trọng và trên một số tuyến đường khác tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa thì lại thành “Học, học nửa, học mãi” làm nhiều người đi đường tủm tỉm cười. Họ bình luận: “đã học một nửa thì học mãi sao được”. Việc viết sai lỗi chính tả này làm cho ý nghĩa của câu khẩu hiệu bị sai lệch.
Băng rôn sai lỗi chính tả 
Ngày 27/7/2014, Trường THPT Hai Bà Trưng, TP.Huế treo băng rôn nhân ngày thương binh - liệt sĩ. Việc làm tốt chỉ tiếc rằng cách thể hiện không chuẩn xác: “Nhiệt liệt chào mừng 67 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ” và nhà trường đã bị phê bình. Bà Đoàn Thị Thanh Huyền, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã phát biểu trong cuộc họp báo rằng: “Trường THPT Hai Bà Trưng phải rút kinh nghiệm sâu sắc qua câu chuyện này. Không thể “Nhiệt liệt chào mừng Ngày Thương binh - Liệt sĩ” được. Điều này rất phản cảm, khiến dư luận phản ứng”. 
Có một dạo, người dân thành phố Bắc Ninh cảm thấy câu khẩu hiệu “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quang vinh muôn năm” nghe cứ là lạ tai. Sự lạ tai này sau đó đã được Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố lý giải là do thừa thãi hai từ “quang vinh”.
 Tương tự, “Sản xuất rau an toàn là lương tâm của người trồng rau” là một câu khẩu hiệu được nhiều người bình luận là tuyên truyền về việc tuân thủ pháp luật nhưng lại dùng các tiêu chuẩn đạo đức, đâm ra mục đích tuyên truyền không thích đáng.
Việc sản xuất rau an toàn là trách nhiệm, nghĩa vụ của người trồng rau trước pháp luật. Theo đó, người nào sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn phải bị phạt, gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy tố trước pháp luật. Còn vấn đề lương tâm là cái đi theo, là đối tượng của sự kêu gọi chứ không phải đối tượng của sự ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm….
Do các địa phương tự quản?
Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu. Nhưng có lẽ vì nhiều người nghĩ đơn giản rằng khẩu hiệu là việc của mấy người chuyên làm “cờ đèn, kèn trống, đóng đinh, leo thang” nên mới xảy ra tình trạng dở khóc, dở cười nêu trên. Trong khi đó, về nguyên lý cổ động, tuyên truyền là cả một nghệ thuật với các tiêu chuẩn về mặt ngữ pháp rất chặt chẽ, chính xác, khúc triết.  
Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền không nên chê người ít học 
Cũng từ đây một câu hỏi đặt ra rằng nội dung tuyên truyền trên các băng rôn, khẩu hiệu hiện nay đang do cơ quan nào thực hiện, quản lý? Xét về mặt vị trí treo khẩu hiệu, băng rôn (chủ yếu trên đường phố, cổng các cơ quan tổ chức, các địa điểm công cộng…) thì có vẻ như vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo. Nhưng ngay trong Điều 1 Luật Quảng cáo đã thể hiện: “Các thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”. 
Trả lời câu hỏi của PLVN về nội dung băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền ở thành phố Hà Nội do cơ quan nào thực hiện, quản lý, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, nội dung tuyên truyền về lĩnh vực gì, thuộc ngành nào thì do ngành đó chịu trách nhiệm đề xuất lên Sở. Nếu xét thấy nội dung chuẩn mực thì Sở sẽ cấp phép tuyên truyền. Trong trường hợp có nội dung tuyên truyền nào mới, hoặc chuyên sâu, thì Sở trước khi cấp phép sẽ tham vấn ý kiến của Ban Tuyên giáo hoặc các sở, ngành liên quan. 
Năm 2010, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định phê duyệt “Quy hoạch hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động và quản lý, phát hiện các hành vi vi phạm về tuyên truyền, quảng cáo.
 Năm 2011, UBND tỉnh Đồng Nai cũng ban hành Quyết định quy định tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan đảng, nhà nước các cấp, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền chính trị, kinh tế, xã hội bằng hình thức trực quan (pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn…) bên ngoài khu vực trụ sở phải thông báo với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… 
Nói như vậy để thấy, hoạt động cổ động, tuyên truyền hiện nay chủ yếu là do các địa phương tự quản lý là chính.
Tiêu chí ngắn gọn, súc tích, hiệu quả
Cần phải làm thế nào để những khẩu hiệu có dụng ý tốt nhưng chưa đích đáng hoặc gây hiểu lầm, phản cảm không còn xuất hiện trên đường phố là băn khoăn của rất nhiều người. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, một khi đã tuyên truyền thì phải cân nhắc, lựa chọn nội dung thật chặt chẽ, chính xác, khúc triết để người dân thấy dễ hiểu, tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành. Một quy tắc quan trọng của khẩu hiệu là ngắn gọn, trực tiếp, chủ yếu nêu ra hành động cần thúc giục mọi người thực hiện, tránh dài dòng. Thực tế cho thấy, các khẩu hiệu dài dòng thường thua kém về mặt hiệu quả tuyên truyền, ghi nhớ hơn khẩu hiệu ngắn gọn, súc tích rất nhiều. 

Đọc thêm