Băng rừng theo chân “thợ” đi “hái lộc”

(PLO) - Mỗi năm duy nhất một mùa, những người “thợ” lấy mật ong miền Tây xứ Nghệ lại vào rừng thu mật ong. Đáng nói, song song với việc “hái lộc rừng”, họ không quên bảo vệ môi trường và đàn ong.  
Hành trình xuyên rừng lấy mật của tốp “thợ”
Hành trình xuyên rừng lấy mật của tốp “thợ”
Theo chân “thợ” vào rừng
“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật”, là thời điểm ong bắt đầu sinh sôi nảy nở và phát triển. Trước đó, thời tiết đông lạnh nên ong chỉ nằm trong tổ và sống bằng mật tích trữ từ mùa hè năm trước. Phải  qua một vài tháng ong mới phát triển và xây được tổ và bắt đầu có mật, cũng là lúc người dân tại các huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn… rủ nhau vào rừng. 
Thời điểm mật bắt đầu nhiều và “chín” là từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, người dân thường gọi những tốp người đi lấy mật là “thợ”. Mỗi nhóm “thợ” thường từ 2 đến 3 người, dụng cụ mang theo gồm: xô nhựa, một vài túi nylon loại tốt và bật lửa, một con dao cài bên người… 
Công việc đầu tiên là đi tìm tổ ong. Thông thường, ong làm tổ tại các núi đá, gốc cây cao, hang đá… Để lấy được mật ong từ những chỗ hiểm trở, “thợ” phải có sức khỏe, trèo cây giỏi, có tinh thần đoàn kết trong nhóm. 
Từ trung tâm bản Thuận Lập, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) chúng tôi theo chân anh Lang Văn Tùng và anh Vi Văn Tiệp qua con đường mòn đi làm rẫy của đồng bào, các rừng keo nguyên liệu của người dân trong vùng rồi bắt đầu leo dốc để vào khu vực rừng nguyên sinh. 
Sản phẩm cuối cùng đưa ra bán trên thị trường
Sản phẩm cuối cùng đưa ra bán trên thị trường
“Ong thường đi lấy nước về cho “thợ” và “tướng” dùng nên mùa hè ong cần rất nhiều nước. Đứng tại các khe, suối sẽ dễ dàng nhìn thấy ong đi uống nước. Sau khi uống, ong sẽ hút nước mang về tổ nên ta lần theo hướng ong bay để tìm tổ. 
Tuy nhiên, không phải khi nào cũng theo được vì những con ong già thường bay tứ hướng đánh lừa rồi mới bay ngược trở lại về tổ; ong non sẽ bay thẳng về tổ nên sẽ dễ tìm hơn. Do đó, muốn tìm được tổ thì nên chọn con ong non để đi theo”, anh Tiệp chia sẻ.
Tìm thấy tổ ong, người đi lấy mật phải quan sát cách ong bám vào tổ để biết mật già thì lấy, mật non thì để lại chờ đợt sau đến lấy. Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên đi lấy mật, nếu ong mẹ đang ở trung tâm tổ thì phải 10-15 ngày nữa mới lấy được nhiều mật… 
Nguy hiểm nhất trong việc lấy được “lộc rừng” là leo lên vách đá, thân cây bởi ong là loài sạch sẽ, không sống ở những nơi ẩm ướt nên chúng thường làm tổ những nơi cao. Nếu trên vách đá thì dùng thân cây làm thành thang để leo lên, khó khăn nhất vẫn là những thân cây cao thẳng, không có cành lại nhiều gai…
Trước khi “thợ” trèo lên tiếp cận tổ ong thì phải chuẩn bị một bó đuốc khô lớn, dùng lá cây tươi buộc xung quanh đốt lên để tạo khói. Tay ôm bó đuốc, tay xách xô, chân dẫm lên thân cây đầy gai góc, anh Tùng leo lên cạnh tổ ong. Khói từ bó đuốc khiến đàn ong vỡ tổ bay tứ tung tạo thành tiếng ào ào như tiếng mưa. 
Sau khi ong bay đi, anh Tùng gỡ tổ  cho vào xô nhựa buộc vào thân mình và trèo xuống. “Tổ này thuộc loại nhỏ, được khoảng 3-4 chai gì đó thôi. Hôm nay là may rồi, nhiều hôm trèo lên trèo xuống mà không được chai mật nào vì tổ ong mới làm, chưa có mật…”, anh Tùng nói 
Bảo vệ môi trường sinh thái, lấy mật giữ ong 
Tầng ong sau đó được mang về nhà, vắt qua tấm vải màn để lắng trong can hoặc chai thủy tinh rồi được đưa ra chợ bán. Không chỉ có một vài người đi “hái lộc” mà mỗi xã có nhiều tổ “thợ” khác nhau. Điều mà nhiều người nghĩ là họ sẽ bắt cả ong thợ, ong chúa, nhưng thực tế người dân nơi đây lại kiêng kỵ điều đó, họ chỉ lấy mật còn không giết hại con ong nào. 
Tầng ong sẽ được vắt và gạn sạch lấy mật
 Tầng ong sẽ được vắt và gạn sạch lấy mật
“Anh em tôi chỉ lấy mật thôi, còn con ong thì không ai giết làm gì, cũng không bắt mà chỉ đốt khói cho ong bay đi thôi. Để nó sống sang năm còn tiếp tục sinh sôi nảy nở cho mình lấy mật chứ…”, anh Lô Minh Thái - một “thợ” lấy mật ong nói. 
Những người “thợ” này cũng có một quy định mà ai cũng tuân theo đó là không để lửa vương vãi gây cháy rừng; không được tranh giành, xung đột trong quá trình lấy mật ong. “Nếu tốp “thợ” đi trước thấy tổ ong mà chưa bắt (vì ong non) thì sẽ chặt một vài nhát dao dưới gốc cây để tốp “thợ” đi sau biết là “tổ ong đã có chủ”. “Cái này anh em ai cũng biết, vì thế nên ít khi có xích mích chuyện lấy mật ong lắm…”, anh Tùng cười nói. 
Việc lấy một chai mật ong nhiều lúc cũng nguy hiểm đến tính mạng, nếu chẳng may bị ong đốt có thể phải nhập viện. “Đốt khói để ong bay rồi mới lấy mật, đó là cách làm của những người đi lấy mật ong tại đây. Nếu đốt ong chết nhiều sẽ ảnh hưởng đến đàn và sang năm ong có thể yếu đi, cho ít mật. 
Đi đốt ong ban đêm sẽ tránh việc bị ong đốt nhưng lại khiến ong chết nhiều do không thấy đường bay nên anh em cũng không đi ban đêm…”, anh Tiệp chia sẻ.

Đọc thêm