Cuối năm Tết đến là khoảng thời gian mà lòng người vội vã hơn bao giờ hết. Ai ai cũng nhanh chóng sắp xếp công việc, xếp lại ngăn nắp những bộn bề lo toan của cuộc sống để kịp về đi phiên chợ Tết ngày cuối năm.
Sau ngày tiễn ông Táo lên trời, lòng ta lúc nào cũng rạo rực một niềm vui khó tả. Tiếng lòng bỗng chốc trở nên rộn rã theo bước chân của các bà, các mẹ đi chợ Tết. Ai cũng muốn bước đi thật nhanh, ra chợ mua cho kỳ được cành đào thắm, dăm thứ quả đặt lên bàn thờ, bó lá dong to bản để gói bánh, đôi ba cân hành về làm dưa... Tết năm nào cũng là như vậy, cũng những món đồ mang phong vị cổ truyền của dân tộc, nhưng khác ở là ở cảm giác.
Nhắc đến Tết lại nhớ đến câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Chỉ với những món đồ mộc mạc mang đậm chất dân gian nhưng cũng đủ làm cho lòng người trở nên rộn rã. “Bánh chưng xanh” là một trong những biểu tượng không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.
Các cụ ngày xưa thường quan niệm rằng chỉ cần có nồi bánh chưng và dăm ba cân thịt lợn là có Tết. Bánh chưng không biết từ khi nào đi vào lòng người dân Việt Nam như một biểu tượng văn hóa. Không chỉ dừng lại là một biểu tượng của ẩm thực, bánh chưng đã dần ăn sâu vào lối sống và phong tục văn hóa của người dân Việt Nam.
Truyền thuyết kể lại rằng bánh chưng xuất hiện vào thời Hùng Vương thứ 6. Khi vua Hùng muốn nhường ngôi cho Thái tử đã nghĩ ra đề bài, thử sức xem ai là người có thể làm ra một món ăn làm hài lòng vua cha. Lang Liêu bằng bàn tay và khối óc của mình đã tạo ra bánh chưng và bánh dầy. Bánh chưng là biểu tượng của đất, bánh dầy là biểu tượng của trời.
Cả hai thứ bánh đều được tạo nên từ lúa nếp, thứ sản vật của nền nông nghiệp lúa nước. Vua cha rất hài lòng về hai thức bánh mà Lang Liêu dâng tặng, vì vậy đã nhường ngôi lại cho Lang Liêu. Truyền thuyết về nguồn gốc của bánh chưng được bắt nguồn và lưu truyền trong dân gian từ đấy.
Cứ vào dịp cuối năm, nhà nào cũng cố gắng gói lấy một nồi bánh chưng xanh. Nguyên liệu cũng chính là những sản vật cả quê hương. Lúa nếp được gặt về từ vụ mùa trước. Những hạt tròn to đều tăm tắp được đãi và ngâm trong nước theo thời gian quy định rồi được để khô trong giá. Đỗ xanh cũng đã được bóc vỏ, nấu lên cho thật nhuyễn. Miếng thịt ba chỉ cũng đã được thái miếng, ướp muối tiêu cho gia vị vừa ngấm. Dăm ba viên gạch được bắc lên bên góc sân trống để đặt nồi bánh cũng đã sẵn sàng. Giờ đây chỉ còn đợi cả gia đình quây quần bên chiếc nong to, bày biện đủ thứ đồ vừa cười nói râm ran, vừa gói bánh.
Phía góc sân, bếp lửa đã cháy đều. Năm nào bố tôi cũng giữ nhiệm vụ canh lửa, canh nước cho nồi bánh. Những gộc tre, gộc củi khô tích trữ quanh năm giờ được đem ra đun. Ngọn lửa nhảy nhót réo ù ù, tàn than tí tách bắn ra xung quanh những chấm đỏ rực trông thật vui mắt.
Bố tôi bảo phải đun cho lửa cháy thật đều thì bánh mới chín đều, không bị hấy. Anh em tôi xúm xít bên bố, vừa hơ tay cho khỏi cóng, vừa nghe kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Cuối cùng thì cũng đến công đoạn dỡ bánh, lúc này mấy đứa trẻ đã lim dim mắt, ngủ say từ khi nào.
Bố tôi dỡ bánh ra chiếc nong to đặt bên cạnh. Mẹ tôi lăn tròn từng chiếc bánh với lực vừa phải. Mẹ nói như vậy bánh mới rền. Mấy chiếc bánh chưng vuông được ép trong chiếc khuôn được bố tự chế từ hai tấm ván và sợi dây thừng. Hơi nóng từ bánh bốc lên nghi ngút, tỏa ra một mùi thơm ngậy.
Rồi cứ thế, bao nhiêu cái Tết qua đi, thế nhưng cứ nghĩ đến mùi thơm của bánh, vị xanh của lá là lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc rưng rưng khó tả.