Nhiều năm trước, cứ vào dịp cận Tết, nhân một bữa cơm gia đình nào đó, mẹ lại nhắc: “Sắp Tết rồi đó. Năm nay nhà mình có gói bánh chưng không nhỉ?”. Xưa kia, ngày chị em tôi còn nhỏ, ngày cha còn sống, thì câu hỏi đó chỉ là một câu hỏi tu từ mà thôi. Sao có thể thiếu bánh chưng trong dịp Tết? Và sao có thể thắp hương cúng tổ tiên bằng chiếc bánh không phải do chính tay con cháu làm nên?
Nhưng cũng đã từ lâu rồi, câu hỏi đó như một hòn sỏi ném xuống mặt hồ. Làm dậy lên những cơn sóng nhỏ phản đối từ con cháu của mẹ: “Thời nào rồi còn gói bánh chưng, rồi gói xong luộc đâu?”, “Thời gian gói bánh chưng để làm khối việc khác…”. Và rồi câu hỏi ấy, hòn sỏi ký ức của mẹ ấy chìm lỉm trong đáy hồ cuộc đời bận rộn. Còn mẹ, mẹ đã già lắm rồi, sao còn có thể vớt nó lên từ đáy sâu, giữ lại cho riêng mình.
*
Nhưng, năm nay mẹ đã không còn hỏi nữa, thì sao con bỗng thấy giật mình, trống trải. Phải chăng ngón tay của vị thần thời gian đã chạm khẽ vào vai để nhắc con rằng, thời gian cùng mẹ còn ngắn lắm, mẹ ơi!
Mẹ có giận con không, khi mẹ ngỡ rằng con đã quên tất cả. Những ký ức mà con đã từng vịn vào đó đến lớn lên, để vào đời. Những ký ức có bàn tay, có hơi ấm, có giọt mồ hôi, có nụ cười và có cả những giọt nước mắt của mẹ, của cha.
Năm đó, hàng hóa thật khan hiếm. Cận Tết lắm rồi, nhưng chiếc thùng tôn trữ thực phẩm cho Tết của mẹ chẳng có gì nhiều. Cầm chiếc đèn dầu đi sau mẹ trong bếp, con nghe tiếng mẹ khe khẽ thở dài, lo cho cái Tết không đủ hiếu nghĩa với tổ tiên, lo cho cái Tết đàn con không có được tiếng cười no ấm.
Rồi những ngày sau đó, khi con vẫn còn đang co tròn ủ ấm, thì mẹ đã trở dậy khẽ khàng. Trời còn tối lắm. Hơi lạnh, làn sương vẫn đọng mờ ngoài ô cửa. Mẹ đi làm giúp nhà người ta để kiếm thêm chút tiền sắm Tết. Trong giấc mơ tảng sáng của con, có tiếng ho và dáng người cong xuống của mẹ sau mỗi cơn ho…
*
Rồi Tết cũng về. Mẹ nhờ cha ra vườn chọn lá dong. Mẹ tất tả ra chợ từ sớm lựa miếng thịt ngon. Đỗ và nếp, sau bao tháng ngày mẹ dậy sớm đi làm giúp người ta đã được trả thay cho công xá.
Ngâm nếp, đãi đỗ, ướp thịt, rửa lá, chuốt lạt…, những công đoạn của việc gói bánh chưng được cha mẹ và đàn con hối hả chuẩn bị. Đâu đó vang lên tiếng dặn dò thủ thỉ của mẹ với con gái: “Con phải lựa cho đúng thớ thịt thì miếng nhân mới đẹp”, tiếng của cha nói với em trai: “Cầm cho chắc cán dao vào, lỏng là cắt vào tay đó”. Rồi tiếng đàn trẻ tranh cãi nhau xem năm nay ai còn được gói bánh chưng con, ai được mẹ cho nếm trước miếng thịt nhân lắt lẻo khi dây lạt cắt bánh được nhấc lên...
Cứ thế, trong ánh đèn dầu của khoảng chiếu trước sân nhà và trong ánh lửa bập bùng hắt lên tường nhà trong màn đêm tháng Chạp, nồi bánh chưng của nhà mình đã bốc mùi thơm dậy của lá, của lạt, của nếp, của nhân.
Và, trong hơi ấm của nồi bánh chưng, ông bà về với cháu con qua những câu chuyện kể. Nỗi niềm của mẹ cha ngày thường chẳng có thời gian nói nay được sẻ chia. Niềm vui, nỗi buồn của con trẻ vốn không dám nói thì nay giãi bày. Để rồi, không biết có phải do hình ảnh của ánh lửa bập bùng in trong đáy mắt không, mà nhìn mắt ai cũng nhanh nhánh như có nước…
Đêm giao thừa, cha kính cẩn đặt lên bàn thờ tổ tiên cặp bánh chưng do chính bàn tay cháu con góp sức làm nên. Trong khói hương trầm phảng qua những bức ảnh, dường như có nụ cười từ ngàn xưa vọng lại…
*
Mặc cho con người mong muốn gì và cưỡng lại ra sao, thời gian vẫn cứ trôi và cuộc đời vẫn cứ thay đổi. Nhưng cũng có những điều luôn bất biến.
Trong chuyến công tác ngày cuối năm, đứng trên đỉnh Trường Sơn lồng lộng gió, nhìn những đôi tay anh lính biên phòng thoăn thoắt gói bánh chưng tặng đồng bào, nhìn niềm vui của những người mẹ, người chị, những đứa trẻ khi ôm trong lòng cặp bánh chưng nóng hổi, con đã hiểu vì sao mẹ lại đố chúng con vì sao bánh chưng ngày Tết còn gọi là bánh vui.
Bởi lẽ, khi gói bánh chưng người ta nào có thể giả bộ sum vầy. Thời nào cũng thế, bánh chưng là biểu tượng cho những tháng năm còn bình yên của các gia đình, khi trong nhà các thành viên còn đủ đầy, sum họp. Bánh chưng là thứ bánh làm lấy vui trong không khí sum vầy của cả nhà, khi mỗi người một chân, một tay cùng làm.
Mẹ ơi, giờ con đã hiểu tại sao mẹ lại trân trọng việc gói bánh chưng đến vậy. Tại sao giờ đây khi đã già mà năm nào mẹ cũng nhắc để rồi ngậm ngùi một mình ôn lại ký ức xưa mỗi khi Tết đến xuân về.
Con đọc đâu đó rằng: “Còn thong dong để gói bánh chưng mỗi năm là trong lòng đã biết ơn vì biết mọi thứ vẫn còn vuông vắn, biết cuộc đời vẫn còn tươi xanh”. Với một nhà văn nào đấy là vậy. Còn phải chăng, với mẹ, với con, với nhà mình, với người Việt chúng ta, gói bánh chưng không chỉ để “biết cuộc đời vẫn còn tươi xanh”, mà còn là một thứ nghi thức truyền thống.
Để sau này lũ cháu con công dân toàn cầu kia, dù có đi bốn phương trời, vẫn luôn mang trong mình một nỗi nhớ. Rằng, đã có lúc chúng còn ông còn bà, còn mẹ còn cha và gia đình mình đã từng sum vầy, ấm cúng...