Báo động kiểu đánh bắt “tận diệt” hải sản trên vịnh Hạ Long

(PLO) - Mặc dù các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc nhưng tình trạng lén lút dùng xung điện, kích điện để đánh bắt tận diệt thủy sản trên vịnh Hạ Long vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Vấn nạn trên đã tới mức báo động, trực tiếp đe dọa đến cảnh quan môi trường vịnh và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Cận cảnh một thuyền đang đánh bắt hải sản bằng kích điện trên vịnh Hạ Long.
Cận cảnh một thuyền đang đánh bắt hải sản bằng kích điện trên vịnh Hạ Long.

Kiểu đánh bắt tận diệt hải sản

Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn thủy sản tỉnh, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có gần 10.000 phương tiện hành nghề đánh bắt thủy sản. Chủ yếu là loại tàu có công suất nhỏ dưới 20 CV, do vậy không thể ra khơi xa được mà chủ yếu đánh bắt gần bờ, trong số đó có một bộ phận ngư dân vì lợi nhuận trước mắt đã lén lút sử dụng chất nổ, xung điện, kích điện và lưới mắt nhỏ để khai thác thủy sản. Khu vực đánh bắt tập trung phần lớn tại vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, vì đây là vùng biển có nhiều bãi đá vôi ngầm, giàu nguồn thức ăn, môi trường trú ngụ rất thuận lợi cho thủy hải sản phát triển.

Hàng ngày trên vịnh, có đến hàng nghìn chiếc thuyền kích điện khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, cứ cách nhau vài trăm mét lại có một thuyền, hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, diễn ra công khai. Đa số thuyền được trang bị bộ kích điện có xuất xứ từ Trung Quốc, hai đầu dây được đấu nối với hai điện cực khác nhau, cách nhau một khoảng từ 10 đến 15 mét, thuyền này thường đi chậm, phía đuôi thuyền kéo theo nhiều lớp lưới phía sau để vớt các loài hải sản khi bị điện giật. Luồng điện phóng ra lên tới 1.500 đến 2.000W, với dòng điện này, trong bán kính 20 mét hầu như không loài sinh vật nào sống sót khi dòng điện đi qua. Mỗi ngày một chiếc thuyền bắt được hàng trăm ki lô gam các loại hải sản to nhỏ mà không cần phải bỏ nhiều công sức như kiểu đánh bắt truyền thống.

Một ngư dân có thâm niên đánh bắt hải sản tại vịnh Hạ Long cho biết, trước kia tôi chỉ đánh bắt hải sản bằng phương pháp truyền thống nhưng từ khi có quá nhiều thuyền kích điện, thậm chí họ dùng mìn khiến hải sản khu vực này đã dần cạn kiệt, kiểu đánh bắt truyền thống không cho sản lượng như trước kia nên tôi đành phải thay đổi, chuyển sang dùng kích điện. Biết là vi phạm pháp luật và có hại cho việc sinh sản và phát triển của hải sản nhưng vì cuộc sống mưu sinh trước mắt mà vẫn phải làm, hơn nữa tôi lên bờ vào tuổi này cũng không biết làm gì để kiếm sống. Cũng theo người ngư dân này, sản lượng đánh bắt bằng kích điện cao gấp chục lần so với kiểu truyền thống, trung bình mỗi thuyền đạt từ 130 đến 150kg cá, tôm, mực, cua ghẹ mỗi ngày.

Khi được hỏi tại sao không thấy có cơ quan chức năng ngăn chặn kiểu khai thác tận diệt này? Ông Nguyễn Văn Chiến, một người dân nuôi lồng bè trên vịnh cho biết, các lực lượng chức năng vẫn có kiểm tra và xử phạt, nhiều trường hợp bị tịch thu bộ kích điện và tạm giữ phương tiện nhưng sau đấy thì đâu lại vào đó, vì số lượng thuyền khai thác bằng kích điện quá nhiều mà nhu cầu hải sản tự nhiên ngày càng tăng. Ngay cả các hộ nuôi cá lồng bè trên vịnh cũng bị ảnh hưởng, dòng điện chạy qua tuy cá trong lồng không chết nhưng cũng chẳng lớn được.

Trao đổi về thực trạng này, lãnh đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn thủy sản tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, từ khu vực Hạ Long xuống đến Cẩm Phả có đến hàng nghìn  thuyền lén lút trang bị bộ kích điện và thường xuyên hoạt động khai thác đánh bắt trên vịnh. Thuyền càng lớn thì bộ kích điện càng khỏe, sức ảnh hưởng điện áp càng rộng. Các thuyền dùng kích điện đánh bắt hải sản trên vịnh hầu như không có biển số, ký hiệu, nếu có biển kiểm soát thì cũng nhòe nhoẹt hoặc biến dạng. Tác hại của việc đánh bắt kiểu này là vô cùng lớn. Rất mong các ngành chức năng phối hợp với chúng tôi để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Những khó khăn, bất cập ngăn chặn vấn nạn này

Thông tin từ Phòng Cảnh sát đường thuỷ, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay việc lén lút sử dụng mìn, thuốc nổ, kích điện v.v... để đánh bắt hải sản trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long vẫn đang xảy ra. Nhưng vì địa bàn vùng vịnh rộng, địa hình hiểm trở, núi non thì nhiều, những kẻ đánh bắt hải sản trái phép này lại thường hoạt động vào ban đêm, nên công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện bắt giữ xử lý của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn cất giấu dụng cụ, phương tiện, dùng để đánh bắt thủy hải sản trái phép. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ các dụng cụ kích điện này xuống biển để phi tang, thậm chí có một số trường hợp còn chống đối lại lực lượng chức năng.

Trao đổi về việc ngăn chặn tình trạng này, lãnh đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn thủy sản tỉnh Quảng Ninh khẳng định, chúng tôi đã, đang và tiếp tục xử lý, loại bỏ kiểu đánh bắt này với biện pháp quyết liệt, với trường hợp cố tình tái phạm, chúng tôi sẽ xử lý với mức độ cao nhất, thông báo đến chính quyền địa phương để có những chế tài mạnh hơn. Về lâu dài, cách giải quyết triệt để vấn nạn này là phải chuyển đổi nghề và tạo việc làm ổn định trên bờ cho số ngư dân này. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến cho nạn  đánh bắt thủy sản trái phép trên vùng vịnh Hạ Long và Bái Tử Long gia tăng là do chế tài xử phạt còn nhẹ, nhận thức pháp luật của ngư dân còn hạn chế dẫn tới vi phạm tái diễn. Rất nhiều trường hợp tái phạm nhiều lần.

Theo Nghị định số 103 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản có chế tài hành vi lạm sát thủy sản, theo đó chỉ phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kích điện, cùng với biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu dụng cụ đánh bắt trái phép. Mức phạt đó so với lợi nhuận mà họ khai thác được là quá thấp, do vậy việc tận diệt cứ thế diễn ra dù phạt cứ phạt.

Lo ngại cho môi trường và hệ sinh thái biển tại Di sản thiên nhiên thế giới 2 lần được UNESCO công nhận, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần tăng cường đầu tư tổng thể cả nhân lực, vật lực cho công tác bảo vệ môi trường vịnh. Trước mắt, tăng cường kinh phí, phương tiện cho lực lượng kiểm ngư tuần tra, kiểm soát trên biển; bằng mọi biện pháp phát huy sức mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ các tàu lớn khai thác ngoài khơi xa. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế phân cấp một cách rõ ràng hơn trong công tác quản lý, bảo vệ thủy sản tại các địa phương, đồng thời tăng cường chế tài xử lý đủ sức răn đe, chặn đứng kiểu đánh bắt “tận diệt” hải sản bằng kích điện.

Đọc thêm