Báo động nạn thanh thiếu niên sa chân vào ma túy tổng hợp

(PLO) - UBND.TPHCM vừa sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21/CT-TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; đồng thời, sơ kết 2 năm thực hiện kế hoạch Chiến lược Quốc gia về phòng chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Theo đó, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy những năm gần đây diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều thách thức mới. Theo đánh giá của Công an TPHCM, các băng nhóm, đường dây, tội phạm ma túy có liên quan đến tội phạm hình sự và tàng trữ vũ khí hình thành nhanh, tổ chức mạng lưới linh hoạt nhưng chặt chẽ, cùng lúc buôn bán nhiều loại ma túy chứ không mua bán chuyên về heroin hay ma túy tổng hợp như trước đây.
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, nhất là ma túy tổng hợp vào TP.HCM để tiêu thụ hoặc lợi dụng địa bàn Thành phố thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để trung chuyển đi các địa phương khác ngày càng tăng nhanh với phương thức, thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi, chuyên nghiệp... 
Các đối tượng thường xuyên thay đổi chỗ ở, nơi cất giấu ma túy, không giao nhận tiền, hàng cùng một lúc, thanh toán tiền mua bán ma túy thông qua tài khoản ngân hàng nhằm tránh sự theo dõi và phát hiện của lực lượng chức năng, ép mỏng ma túy bọc giấy bạc dán vào thành va ly, bên trong có cà phê, trà, bột ớt, bột tiêu…để tránh sự phát hiện của máy soi và chó nghiệp vụ.
Theo ông Dương Ngọc Hải - Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp đang ngày càng có xu hướng gia tăng, chỉ trong 2 năm 2012 -2013 thành phố đã khởi tố 2.332 vụ, bắt 3.198 tên thu giữ 44,572kg ma túy tổng hợp, 20 khẩu súng, 31,7 tỷ đồng và hơn 378.000 USD cùng nhiều công cụ, phương tiện phạm tội khác. 
Theo đánh giá của Công an TP.HCM, thách thức lớn nhất hiện nay là xu hướng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng trong khi công tác phòng ngừa, đấu tranh tại TP.HCM còn bộc lộ nhiều hạn chế. Như việc đấu tranh chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt, triệt để, tại một số tụ điểm, tình hình mua bán ma túy vẫn còn tái diễn, tình trạng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh dịch vụ và tại địa bàn dân cư vẫn còn nhiều, công tác lập hồ sơ quản lý đối tượng nghiện ma túy còn nhiều bất cập. 
Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình , tại cộng đồng hiệu quả thấp và tỉ lệ tái nghiện cao. Thiếu qui chế phối hợp giữa các ngành và máy móc thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống ma túy còn thiếu và yếu. 
Một nguyên nhân khác là do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, sự chênh lệch giàu nghèo, hiện tượng thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp tác động ngày càng sâu sắc. Sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa, động cơ vụ lợi, sống xa hoa trụy lạc, chây lười lao động, tiêm nhiễm lối sống không lành.

Đọc thêm