Báo động nạn uống bia trong đồng bào dân tộc thiểu số

(PLO) - Hàng ngày, những người đàn ông người Mảng đi rừng kiếm được vác củi, nếu đem bán sẽ được vài ba chục nghìn đồng để mua gạo lo cuộc sống gia đình, nhưng họ mặc kệ con cái nheo nhóc, bán được tiền là mang đổi lấy rượu uống. Tình trạng uống rượu tràn lan xuất hiện trên diện rộng đang là một mối nguy cơ đối với sự phát triển cộng đồng. 
Nhậu mọi lúc, mọi nơi.
Nhậu mọi lúc, mọi nơi.

Tộc người uống rượu nhiều nhất nước

Dân tộc Mảng có dân số ít nhất trong 54 dân tộc Việt Nam, với hơn 3.500 người, sinh sống chỉ ở 2 huyện Mường Tè và Nậm Nhùn, tỉnh Lao Châu. Do sinh sống trên các địa bàn có địa hình chia cắt, hiểm trở, cách biệt với các dân tộc khác trong vùng nên điều kiện sống của bà con còn nghèo nàn, lạc hậu. Trong bối cảnh chất lượng dân số của cộng đồng người Mảng đang “có vấn đề” - theo cảnh báo của các nhà khoa học, tình trạng uống rượu tràn lan xuất hiện trên diện rộng đang là một mối nguy cơ đối với sự phát triển cộng đồng.

Huyện Nậm Nhùn có 626 hộ dân tộc Mảng với 2.938 nhân khẩu sinh sống tại 14 bản thuộc 5 xã: Hua Bum, Nậm Ban, Nậm Pì, Trung Chải và Nậm Hàng. Năm 2015, tỷ lệ đói nghèo của đồng bào chiếm 88%. Anh Lò Văn Suông (ở bản Huổi Van 1, xã Nậm Hàng) cho biết: “Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ rất nhiều lương thực, con giống, vật nuôi để đồng bào Mảng nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng rất nhiều hộ vẫn chìm trong đói nghèo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì thói quen uống rượu nhiều, lười lao động sinh ra tâm lý “đói không lo, no không mừng”. Bà con nghèo lại hay uống rượu nên của cải vật chất hoặc tiền, gạo hỗ trợ của Nhà nước cứ theo đó mà đi”.

Tệ nạn uống rượu diễn ra tràn lan ở những nơi người Mảng quần tụ, sinh sống. Điều đáng nói là, phần lớn những người đàn ông tham gia tệ nạn này đều là lao động chính trong gia đình. Hàng ngày đi rừng kiếm được vác củi, nếu đem bán sẽ được vài ba chục nghìn đồng để mua gạo lo cuộc sống gia đình, nhưng họ mặc kệ con cái nheo nhóc, bán được tiền là mang đổi lấy rượu uống. 

Theo bà Chìn Me Long - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Ban, tập tục uống rượu của cộng đồng dân tộc Mảng có từ xa xưa, nhưng chưa khi nào họ uống nhiều như bây giờ. Hầu như tất cả đàn ông trong các bản người Mảng ở Nậm Ban đều thích uống rượu. Nhiều người đi làm về, việc đầu tiên là ghé qua hiệu tạp hóa mua chịu rượu. 

Tính đến nay, đã có 332 hộ dân tộc Mảng trên toàn huyện Nậm Nhùn được hỗ trợ làm nhà ở, 521 hộ được hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh. Ngoài ra, huyện Nậm Nhùn cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp đồng bào “nâng cấp” các nhu cầu về văn hóa, tinh thần như mở các lớp xóa mù chữ, bảo tồn lễ hội truyền thống… song nhìn chung, các nỗ lực đó chưa đem lại hiệu quả cao.

Hệ lụy từ thói quen uống rượu “quên trời đất”

Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. TS. Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “Rượu từ lâu đã là một phần trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nấu rượu, chế biến các sản phẩm từ rượu trở nên phổ biến trong cộng đồng các dân tộc. Một số nơi rượu trở thành đặc sản, món quà quý và là sinh kế của đồng bào.

Rượu đã đi vào đời sống văn hóa các dân tộc. Việc lạm dụng sử dụng rượu bia dẫn đến những tác động không tốt cho sức khỏe, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Theo Ths. Trần Quốc Bảo - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu ở trong dân. Tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất, đây là con số rất đáng báo động và là một trong số những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ này. Đặc biệt, theo phân tích sơ bộ về tình hình sử dụng rượu bia trong các nhóm đồng bào dân tộc, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở cả nam và nữ hầu hết cao hơn so với dân tộc kinh. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là nước xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Trong khi đó rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gánh nặng bệnh tật, nhất là ở các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế thế  giới (WHO), rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong đó gây ra 20% ca tử vong do tai nạn giao thông; 30% ca tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh và giết người; 50% tử vong do xơ gan.

Ngoài ra, rượu bia còn làm giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ tai nạn lao động, bạo lực, tội phạm và gây phí tổn kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia ở mức nguy hại cao 77,3%), đó cũng là lý do tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu, bia ở nước ta ngày càng cao. 

Hiểm họa từ rượu đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nòi giống bền vững của tộc người có dân số thuộc hàng ít nhất cả nước và các dân tộc thiểu số khác. Với đồng bào dân tộc, nguyên nhân dẫn đến thực trạng tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh chủ yếu là do tâm lý “bình chân như vại” trước cuộc sống cùng sự tồn tại của tập tục lạc hậu trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào. Để giúp đồng bào Mảng ở Nậm Nhùn thoát ra khỏi “vòng kim cô” của lạc hậu, đói nghèo, đã đến lúc cần phải có thêm những “cú hích” quyết liệt và vững chắc hơn.

Bên cạnh các giải pháp dài hơi, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, việc quan trọng nhất là phải khắc phục cho được tình trạng uống rượu tràn lan, thông qua cơ chế đặc biệt nhằm kiểm soát chặt chẽ thứ đồ uống có cồn này ở những vùng có người Mảng sinh sống.

Đọc thêm