Im lặng vì sợ ảnh hưởng đến uy tín ...
Thống kê của Cục Trẻ em – Bộ Lao động thương binh và xã hội cho thấy, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục; 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Số cuộc gọi về xâm hại, bạo lực trẻ em đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có xu hướng tăng đột biến trong 3 năm gần đây, nhất là 4 tháng đầu năm 2019. Đặc biệt trong các ca can thiệp của Tổng đài, thì tỉ lệ các ca xâm hại, bạo lực chiếm tỉ lệ cao (34,6% là ca bạo lực và 34,8% là ca xâm hại tình dục).
Đáng lo ngại ở chỗ trẻ em bị xâm hại tình dục do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm. Kết quả thống kê về số ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài 111 trong năm 2017 và 2018 cho thấy các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường là: người quen, hàng xóm (59,06%); người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, anh, em họ… (21,12%); giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03% và đối tượng khác là 13,79%.
Vì thế nên, ở nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và uy tín của gia đình và thậm chí là uy tín của thủ phạm (!); thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân để gia đình thỏa hiệp, không tố cáo.
Nói về vụ án mà Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên vừa xét xử, đại diện Vụ Văn hóa dân tộc – Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cho rằng một phần nguyên nhân là do một số phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa có quan niệm khá đơn giản về hôn nhân và tình dục, cộng với sự tác động của phong tục tập quán nên với họ, quan trọng là "ưng cái bụng" chứ không quan tâm đến độ tuổi của đối tượng.
Vì thế, không ít người đã phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết mình. Hay ở vụ việc Nguyễn Hữu Linh, gia đình bé gái nạn nhân cho rằng, xuất phát từ sự yêu quý nên ông Linh mới ôm hôn cháu gái chứ không xuất phát từ ý nghĩ xấu nên đề nghị không điều tra, xử lý vụ việc.
Có thể nói đây là một số trong rất nhiều ví dụ cho thấy, nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, của người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ.
Đâu là nguyên nhân?
Lý giải phần nào nguyên nhân của việc gia đình im lặng trước việc con, em mình bị xâm hại, Tiến sĩ Đặng Bích Thủy – Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu cho biết, năm 2010 Viện đã thực hiện nghiên cứu thực hiện khảo sát theo phiếu hỏi đối với 325 hộ gia đình có con từ 16 tuổi trở xuống và thực hiện 13 cuộc phỏng vấn sâu, 9 trả lời nhanh với cán bộ, giáo viên, cha mẹ, trẻ em cho thấy hầu hết (92,9%) quan niệm rằng, chỉ cưỡng hiếp trẻ em mới là xâm hại tình dục trẻ em, trong khi các biểu hiện khác của hành vi xâm hại tình dục trẻ em không được người tham gia nghiên cứu cho rằng đấy là xâm hại tình dục trẻ em.
Cụ thể, chỉ có 18,9% người tham gia trả lời phỏng vấn quan niệm rằng hành vi quan hệ tình dục với trẻ em mặc dù trẻ đồng ý là xâm hại tình dục trẻ em; 20,7% cho rằng sờ vào bộ phận sinh dục trẻ em là xâm hại tình dục; tương tự, một tỷ lệ rất thấp (9,6%) cho rằng cho trẻ em xem phim ảnh đồi trụy/có nội dung khiêu dâm là xâm hại tình dục, đặc biệt, chỉ có 2,2% người trả lời quan niệm rằng cho trẻ em xem bộ phận sinh dục/phô bày bộ phận sinh dục là xâm hại tình dục trẻ em; 1,9% quan niệm rằng nói những từ tục tĩu với trẻ là xâm hại tình dục trẻ em.
Nghiên cứu cũng cung cấp nhận định rằng, cha mẹ còn thiếu hiểu biết về các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt các hành vi xâm hại tình dục trẻ em bao gồm dụ dỗ trẻ xem tranh, ảnh, phim khiêu dâm; sờ, nắn, chạm vào các bộ phận kín trên cơ thể trẻ; quan hệ tình dục với trẻ em; bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại.
Cũng theo Tiến sĩ Thủy, nghiên cứu vào năm 2016 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì cũng cho thấy có tới 46% cha mẹ cho biết có khó khăn về thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng trong việc thực hiện các quyền của trẻ em, bao gồm quyền bảo vệ trẻ em.
"Khi chúng tôi đưa ra con số thực tế, 93% thủ phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em là người quen của gia đình nạn nhân, trong số đó 47% là người thân, đã có rất nhiều bậc phụ huynh ngạc nhiên. Bởi với những người quen và thân thiết, thậm chí là ruột thịt, họ rất ít có sự cảnh giác. Khi trò chuyện với nhiều phụ huynh, họ chia sẻ rằng, nói đến thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em họ sẽ nghĩ đến những kẻ xa lạ nào đó, chứ không hề nghĩ rằng, người thân quen, biểu hiện bên ngoài rất tử tế, lịch sự, tốt bụng lại có thể trở thành thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Anh Thư - Chủ nhiệm câu lạc bộ Cỏ 4 Lá - Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, còn một nguyên nhân nữa đó là nhóm gia đình không hoàn thiện trong hôn nhân, các mô hình gia đình di cư (con cái không sống chung với bố hoặc mẹ). Nghiên cứu về đặc điểm nhân thân của 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự ở 4 khu vực (Bắc, Trung-Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) cho thấy có tới 40,7% đối tượng sống trong những gia đình không hoàn thiện, đa số bố mẹ ly hôn:
"Đã có không ít trường hợp trẻ em sống trong các gia đình bố/mẹ đi làm ăn xa, đã trở thành nạn nhân bị xâm hại (thể chất, tinh thần) của chính những người chăm sóc mình (bố/mẹ, ông/bà, hàng xóm, họ hàng thân quen...). Đã không ít vụ xâm hại bị bỏ lọt vì gia đình không dám tố cáo hành vi xâm hại trẻ nhỏ của người thân mình; không ít người bà, người mẹ đã phải gạt nước mắt trên hành trình tìm công lý cho con - nạn nhân bị xâm hại bởi chính cha đẻ hay ông nội của cháu” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết.