Báo động tình trạng xe đạp điện “mời bà hỏa” thăm nhà

(PLO) - Với tính năng sử dụng tiện lợi, gọn nhẹ, hiện xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy vậy, loại phương tiện này cũng là nguồn nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Nhất là thời gian gần đây, khi liên tục xuất hiện xe đạp điện phát nổ, ngay cả khi xe dựng trong nhà.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mất con, mất nhà vì xe đạp điện bỗng dưng bốc cháy

Cụ thể, vừa qua, chiều ngày 22/8, xảy ra vụ cháy ngôi nhà 5 tầng tại Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội làm một người tử vong do vết bỏng quá nặng, một người trong tình trạng hôn mê, diện tích bỏng khoảng 50%, trong đó có 9% bị bỏng sâu tại vùng mặt, cổ, ngực, tay chân. Nguyên nhân được xác định do bình điện của chiếc xe đạp điện bị chập dẫn tới cháy nổ. Mới đây, tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, một nữ sinh khi đang điều khiển xe đạp điện thì bất ngờ chiếc xe phát nổ, bốc cháy dữ dội khiến nữ sinh văng xuống đất, bất tỉnh tại chỗ. 

Như vậy, dù xe đạp điện là phương tiện đi lại thịnh hành, tuy nhiên việc xảy ra hàng loạt các vụ cháy nổ khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, bởi “xế yêu” của họ bỗng chốc trở thành những “quả bom nổ chậm”, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Anh Bạch Văn Hảo (Mộ Lao, Hà Đông) chia sẻ: “Gia đình tôi có sử dụng xe đạp điện, tuy nhiên chiếc xe liên tục xảy ra trục trặc, thỉnh thoảng xảy ra tình trạng sạc điện không vào hoặc sụt điện bất thường. Có lần khi xe đang sạc điện, vô tình chạm vào bình ắc quy thì thấy nóng ran nên tôi phải vội vàng rút điện ra ngay. Tôi đã mang xe đến cửa hàng yêu cầu bảo hành, thậm chí gọi cả thợ về nhà để kiểm tra nhưng chỉ được một thời gian ngắn những sự cố trên lại tái diễn. Từ khi nghe thông tin về vụ cháy nổ tại nhà hàng xóm bên cạnh, hai hôm nay tôi đành “đắp chiếu” chiếc xe này để đảm bảo an toàn”.

Về nguyên nhân khiến xe đạp điện phát nổ, bốc cháy, các chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do, song nguyên nhân chính do bình ắc quy và hệ thống bộ đổi điện của xe. Khi xe chạy trong thời gian dài sẽ khiến ắc quy nóng lên, gặp chất dễ cháy như dầu nhớt sẽ rất dễ cháy nổ. Chưa kể đến việc ắc quy kém chất lượng, được lắp đặt bằng những linh kiện rẻ tiền, cách điện kém, nguồn điện chập chờn nên dẫn đến hiện tượng phóng điện, chập cháy.

Do chất lượng xe tù mù?

Được biết, về cấu tạo, xe đạp điện có 2 loại chính, một loại chạy bằng pin,  một loại chạy bằng ắc quy. Các phương tiện tích trữ năng lượng này đều được người sử dụng cho rằng khá hiệu quả và tiện lợi. Nhưng nguồn gốc của chúng lại được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ, còn chất lượng như thế nào vẫn luôn là một dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng.

Mặt khác, xe đạp điện được bày bán trên thị trường hiện nay gồm 2 loại chính: xe sản xuất, lắp ráp trong nước (linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc) và xe nhập khẩu. Thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh xe đạp điện. Kết quả cho thấy, bên cạnh những sản phẩm chính hãng còn có không ít sản phẩm vi phạm về nhãn mác, thương hiệu, không bảo đảm chất lượng công bố.

Theo chủ một cửa hàng xe đạp điện cho biết, xe kém chất lượng thường có bình ắc quy không tốt, mỗi khi hỏng, lượng chì và axit trong bình dễ chảy tràn ra ngoài, gây chập cháy rất nguy hiểm. Hiện nay, các dòng xe đạp điện có thương hiệu bị làm giả rất nhiều, bộ phận pin, bộ phận điều khiển của xe thường xuyên gặp trục trặc, hư hỏng.

Thêm vào đó, người sở hữu, sử dụng xe đạp điện thường có thói quen dùng xe sai cách: chở quá tải, nạp điện khi điện ắc quy vẫn còn, nạp chưa đủ thời gian dẫn đến bình giảm tuổi thọ, dễ cháy nổ. Theo đó, người dùng cần trang bị những kiến thức nhất định để bảo quản chiếc xe của mình đúng cách. Không nên đi xe quá lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa to, nước ngập, tránh làm ắc quy, pin xe hỏng, rò rỉ điện hoặc chì, axit. Ngoài ra, bình ắc quy hay pin xe đạp điện thường có thời gian bảo hành trong 1 năm, khi hết bảo hành người dùng phải thay ắc quy trong bình điện đúng thời gian quy định. 

Dù xe đạp điện là phương tiện đi lại chủ yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng của người tham gia giao thông, song hầu hết người tiêu dùng khi mua xe thường bị chi phối bởi giá cả. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, người dân khi mua xe đạp điện không nên ham rẻ mà mua những dòng xe kém chất lượng, cần đến địa chỉ có uy tín, kiểm tra kỹ chất lượng của xe và chỉ mua xe khi có bảo hành chính hãng, có đầy đủ giấy tờ kèm theo như hóa đơn, chứng từ, giấy chứng nhận đăng kiểm, kiểm định kỹ thuật. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác kiểm tra, kiểm định về chất lượng của loại phương tiện này đang bày bán trên thị trường để người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn và sử dụng, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Đọc thêm