Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay, bão số 16 tiếp tục có xu hướng yếu dần; hoàn lưu bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ, một số nơi đã có gió giật mạnh cấp 6-7.
13h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Tây Bắc, khoảng 80km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 1h ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên phía Nam Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 13h ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Từ chiều nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12.
Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.
Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 - 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1h ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 101,3 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 220km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa to; từ đêm nay ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Trước đó, Báo Khánh Hòa thông tin, chiều và đêm 24/12, gió bão giật cấp 11 – 12 đổ bộ Trường Sa. Nhờ thực hiện tốt công tác chủ động ứng phó nên quân, dân trên các đảo và hơn 400 ngư dân của 47 tàu vào trú tránh đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tuy vậy, bão mạnh cũng gây ra thiệt hại về công trình, cây cối... trên nhiều đảo. Hơn 80 tấm pin năng lượng mặt trời ở các đảo: Tiên Nữ, Trường Sa Đông, Trường Sa, Phan Vinh, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lát, An Bang bị thiệt hại hoàn toàn. Tại đảo An Bang và đảo Trường Sa, 90% cây cối và nhiều pa nô khẩu hiệu bị đổ gãy, 1 bồn nước sinh hoạt bị hư hỏng; hệ thống đèn chiếu sáng, vườn tăng gia, chuồng chăn nuôi bị hư hại nặng.
Quân trên các đảo ở Trường Sa đang khẩn trương khắc phục hậu của của bão.