Bao giờ người bên sông Rộ hết thức trắng đêm khi nghe dự báo mưa?

(PLO) - Người dân xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhiều năm nay sống trong nơm nớp lo sợ vì nguy cơ sông Rộ đe dọa “nuốt” nhà mỗi khi có mưa lớn xảy ra. 
Điểm sạt lở chỉ cách ngôi nhà chưa đầy 3m, nguy cơ bị nước "nuốt chửng" nhà rất cao.
Điểm sạt lở chỉ cách ngôi nhà chưa đầy 3m, nguy cơ bị nước "nuốt chửng" nhà rất cao.

Tường rào dài 15m, công trình phụ, chuồng lợn chỉ còn chỏng chơ đống bê tông đổ nát, phía sau vườn nước sông ngoạm hơn 3m, vị trí sạt lở gần nhất chỉ còn cách nhà khoảng 5m… là tình cảnh gia đình ông Phạm Đình Hạnh (SN 1958), thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt đang gặp phải.

Theo ông Hạnh, ông và gia đình đến sinh sống yên ổn dọc sông Rộ này cách đây hơn 20 năm. Vào tháng 8/2016, tình trạng sạt lở dọc con sông này khiến ông và các gia đình sống bên sông lo lắng. Diện tích đất bị sạt lở gia đình ông Hạnh đã lên đến gần 100m2.

Điểm sạt lở chỉ cách nhà anh Nguyễn Hữu Thái hơn 3m. Mảng tường bị nứt một đường dài mà theo anh Thái là do ảnh hưởng của sạt lở. Phía sau nhà  những mảng tường bê tông nằm ngổn ngang và dàn mái của chuồng lợn làm bằng kết cấu thép kiên cố nằm chỏng chơ… Dự tính cũng gần 100m2 đất bị xâm thực.

Chuồng lợn mới làm vừa thả lợn đã bị nước sông “nuốt ”
Chuồng lợn mới làm vừa thả lợn đã bị nước sông “nuốt ”

Điều đau xót nhất là gia đình anh vay mượn đầu tư xây chuồng lợn, nhưng vừa thả lợn giống chuồng đã bị sạt lở khiến anh trắng tay. Gia đình ông Phan Sỹ Đường người cùng thôn cũng bị sông nuốt chửng hơn 35m2, hư hại nhiều công trình phụ…

Tại thôn Yên Xuân, thôn Vận Tải, xã Võ Liệt, nhiều gia đình chung cảnh lo lắng. Cứ xem dự báo thời tiết có mưa lớn kéo dài là những hộ dân dọc sông Rộ đoạn qua xã Võ Liệt lại thức trắng chờ trời sáng, thấy có gì bất ổn thì kéo cả nhà chạy. Để hạn chế việc sạt lở, người dân đã trồng tre dọc sông, nhưng nước lớn cũng cuốn theo những hàng tre xuống sông.

Toàn xã có khoảng 15 nhà nằm trong nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở sông Rộ. Ngoài ra, đoạn đường nhựa liên thôn Hòa Hợp đi Yên Xuân cũng bị sạt lở gần bờ sông với chiều dài 100m, sụt lún xuống 1,5m, nguy cơ sập đường, gây ách tắc giao thông.

Đống đổ nát sau khi bị nước sông tràn qua.
Đống đổ nát sau khi bị nước sông tràn qua.

Theo bà Trần Thị Thủy Long, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Liệt, xã đã làm các báo cáo gửi UBND huyện để có giải pháp khắc phục, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân. Những ngày xảy ra thiên tai thì cử cán bộ theo dõi diễn biến thời tiết, để kịp thông báo sơ tán người dân khi có mưa lũ. 

Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Văn Quế cho biết, huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng về kiểm tra. Trước mắt trích ngân sách dự phòng của huyện để khắc phục tuyến giao thông hư hỏng, đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân. Việc khắc phục sạt lở thì cần có kinh phí, mà ngân sách địa phương không thể kham nổi.

Để đảm bảo huyện giao cho xã theo dõi thường xuyên, kịp thời để có phương án sơ tán người dân khi khẩn cấp. Huyện cũng làm tờ trình gửi tỉnh và các ngành chức năng để có giải pháp giúp địa phương ổn định đời sống cho nhân dân yên tâm làm ăn. Biết bao giờ những hộ dân bên sông Rộ có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm khi xảy ra mưa lớn, hay xem dự báo thời tiết lại không bị giật mình?…

Đọc thêm