Bạo lực gia đình thời Covid

(PLVN) - Đối với nhiều gia đình, thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 là dịp để sống chậm, dành thời gian chăm sóc những người thân yêu trong gia đình. Nhưng với không ít người đây là quãng thời gian đáng quên khi phải bế tắc gánh chịu bạo lực gia đình (BLGĐ).
Chuyện nội trợ trở thành nguyên nhân BLGĐ với nhiều người. Ảnh minh họa.
Chuyện nội trợ trở thành nguyên nhân BLGĐ với nhiều người. Ảnh minh họa.

Các vụ BLGĐ có dấu hiệu tăng

Không hề cường điệu khi nói rằng, cơm không ngon, nhà không sạch, con không ngoan… lại là những nguyên nhân chính của bạo lực giới, bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19.

Thông tin từ Ngôi nhà bình yên (NNBY) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, một phụ nữ ở Hà Nội bị chồng nhốt ở trong nhà và bị chửi rủa, đánh đập liên tục trong 2 ngày. Con gái lớn thấy bố đánh mẹ, can thiệp cũng bị bố đánh, còn con trai 13 tuổi thì rất sợ bố nên không dám lên tiếng. Quyết tâm cứu mẹ, cô con gái đã tìm hiểu trên mạng và liên hệ với Tổng đài của NNBY để xin được hỗ trợ.

Quan niệm sai lầm

Điều tra quốc gia về BLGĐ năm 2010 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cứ 3 phụ nữ đã từng kết hôn thì có 1 người bị BLGĐ chủ yếu do chồng gây ra (34%). 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức BLGĐ như bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế. Điều này cho thấy, BLGĐ là vấn đề xảy ra hàng ngày và khá phổ biến ở Việt Nam.

Phổ biến đến mức có nhiều người bị bạo lực không coi đó là hành vi bạo lực theo Luật Phòng chống BLGĐ để can thiệp, giải quyết, không coi đó là tội ác trong gia đình mà chỉ coi là chuyện “bát đũa xô nhau”, nhà ai mà chẳng vậy, nên cách giải quyết tốt nhất là “đóng cửa trong nhà bảo nhau”.

Nhận được thông tin, nhân viên tư vấn đã đánh giá mức độ rủi ro và hướng dẫn 3 mẹ con tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của người chồng. Tranh thủ lúc người chồng đi mua thuốc lá, người mẹ đã mang được hai con ra khỏi nhà và tìm đến NNBY.

Trò chuyện với nhân viên tư vấn chị cho biết, 20 năm nay chị thường xuyên bị chồng bạo lực và đã có lần phải đi khâu vết thương dài hàng chục mũi. “Chồng tôi cho rằng đánh tôi là cách dạy vợ và khi tôi không làm theo ý thì anh ta cho là chống đối”, chị nói.

Trong thời gian giãn cách xã hội, chồng chị ở nhà nhiều hơn thì những trận đòn giáng xuống người vợ này cũng nhiều hơn. Tìm đến với NNBY lần này, chị quyết tâm phải thay đổi để tự cứu mình và các con. 

Trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng các cuộc gọi tới NNBY tăng hàng ngày, hầu như ngày nào cũng có cuộc gọi đề nghị can thiệp. Số ca tiếp nhận vào NNBY trong tháng vừa qua cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ riêng NNBY, mà các đường dây tư vấn khác về bạo lực giới, BLGĐ thời gian qua cũng “nóng” lên mỗi ngày vì các cuộc gọi đến. Bà Tuyết Anh - chuyên viên của Tổng đài tư vấn về BLGĐ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, so với trước thời điểm dịch thì số lượng cuộc gọi điện thoại liên hệ tới tổng đài xin tư vấn về vấn đề BLGĐ tăng tới 87%. 

“Mỗi ngày chúng tôi nhận tới cả trăm cuộc điện thoại xin tư vấn từ các nạn nhân bị BLGĐ, có cả nam, cả nữ, nhưng nhóm nữ nhiều hơn. Thậm chí có cuộc gọi vào đêm khuya với những lời kêu cứu từ chị em. Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới BLGĐ, nhưng cũng một phần do các cặp vợ chồng đột ngột bị nghỉ việc. Cuộc sống thay đổi do đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình không có sự chuẩn bị nên không biết phải ứng phó và đối diện như thế nào.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Nghỉ việc, mất thu nhập, nếp sống thường ngày thay đổi khi phải ở nhà nhiều hơn, trong khi vợ chồng chưa kịp chuẩn bị phải đối mặt như thế nào nên phát sinh mâu thuẫn, điều này dẫn đến bạo lực về mặt tinh thần tăng. Có thể kể đến những lý do dẫn tới hai vợ chồng cãi vã như người chồng tức giận vợ khi nấu một món ăn không hợp, bực tức vợ mải làm việc online không để ý để con nhỏ chạy sang nhà hàng xóm trong lúc đang dịch bệnh…” – bà Tuyết Anh cho biết. 

Nhà báo Hàn Ni - người thường tư vấn pháp lý của một cơ quan truyền thông bổ sung thêm nguyên nhân BLGĐ như sau: “BLGĐ xảy ra nhiều ở các gia đình nông thôn, những gia đình không có nguồn sinh sống ổn định. Có những gia đình nguồn chi tiêu phụ thuộc vào việc kiếm tiền mỗi ngày của các thành viên, dịch bệnh ập đến họ không biết xoay xở ra sao.

Mọi hoạt động bị đình trệ, lo lắng cho cuộc sống đã khiến họ bị khủng hoảng và dẫn tới hành vi BLGĐ. Nhiều ông chồng khi ở nhà, thay vì chia sẻ các công việc cùng vợ mình thì lại quay sang kiểm soát điện thoại và các mối quan hệ của vợ, khó chịu khi vợ lên mạng xã hội trò chuyện với bạn. Từ chỗ khó chịu, người chồng kiểm soát vợ mình từ các cuộc điện thoại, cho đến mạng xã hội khiến người vợ cảm thấy bị mất quyền riêng tư, bị xúc phạm nhân phẩm”. 

Nước mắt không thể chảy?

Nhiều chuyên gia phòng chống BLGĐ đã ví von rằng bạo lực giới thời Covid là “nước mắt không thể chảy” để hàm ý nói do đặc thù về phòng chống dịch bệnh của giai đoạn này nên nạn nhân bị BLGĐ cũng gặp khó phần nào khi tìm kiếm sự hỗ trợ.

BLGĐ diễn ra nặng nề ở nhiều nước

BLGĐ không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn nặng nề hơn rất nhiều ở các quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Italia, Malaysia… Phần lớn nạn nhân là phụ nữ và họ phải chịu cảnh bạo lực tình dục, bạo hành thể chất, ngôn ngữ và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác.

“Số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch” – đó là từ khóa được nhắc nhiều nhất trên báo chí Trung Quốc khi nói về vấn đề gia đình. Mặc dù Trung Quốc chỉ công bố số liệu thống kê trên toàn quốc về ly hôn theo định kỳ thường niên, các báo cáo từ nhiều thành phố khác nhau cho thấy sự bất ổn gia tăng mạnh nhất vào tháng 3, khi các ông chồng và bà vợ bị “nhốt” ở nhà trong nhiều tuần, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Khó khăn tiền bạc, thời gian chạm mặt nhau quá nhiều, việc nhà không phân chia công bằng... trong thời kỳ cách ly đã đẩy nhiều cuộc hôn nhân xuống “vực thẳm”. Các vụ BLGĐ cũng tăng lên theo cấp số nhân. 

Bà Tuyết Anh - chuyên viên Trung tâm CSAGA cho biết, so với trước đây, nạn nhân bị BLGĐ việc kêu cứu khó khăn hơn vì không thể chạy ra ngoài, hàng xóm cũng không thể ứng cứu, chính quyền địa phương cũng bận vì chống dịch và thực hiện cách ly  xã hội nên khó có thể can thiệp, hỗ trợ.

Bản thân người phụ nữ bị bạo lực cũng không dám chạy đến người thân vì sợ biết đâu chẳng may mình lại là nguồn lây nhiễm bệnh cho người thân. “Thậm chí, một số nam giới còn sử dụng việc cách ly xã hội như một biện pháp quản lý chặt hơn vợ mình với lời dọa nếu chạy ra ngoài kêu cứu sẽ bị bắt vì vi phạm cách ly”, theo bà Tuyết Anh. 

Tổng đài của NNBY cũng nhận được cuộc gọi kêu cứu khẩn cấp của một phụ nữ sống tại một tỉnh miền Trung bị BLGĐ nghiêm trọng. Người gây bạo lực đe dọa, kiểm soát điện thoại, không cho nói chuyện với nhân viên tham vấn sau khi nạn nhân được NNBY phối hợp địa phương giải cứu. Nạn nhân căng thẳng, bế tắc, thất vọng và muốn tự sát trong đêm.

Trước thực tế này, nhân viên tư vấn đã phải làm việc với người gây bạo lực, phối hợp cùng chính quyền địa phương đảm bảo an toàn tạm thời cho nạn nhân. Hiện nay, nhân viên tư vấn của NNBY hàng ngày vẫn duy trì tham vấn và theo dõi sự an toàn tâm lý của nạn nhân, để đợi đến khi hết giãn cách xã hội, đưa nạn nhân đến nơi tạm lánh an toàn.

Một trường hợp khác là  phụ nữ người nước ngoài hiện đang sinh sống tại một tỉnh phía Nam bị bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế. Tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng hơn khi nạn nhân không còn việc làm và không chu cấp đủ cho người gây bạo lực, cũng là người tình cùng quốc tịch, thậm chí nạn nhân đã bị đe dọa tính mạng.

Nạn nhân vô cùng sợ hãi, hoảng loạn vì không tiếp cận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, không biết liên hệ với ai do bạn bè ở xa, tại khu vực ở trọ không ai biết tiếng Anh. Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên tư vấn NNBY đã tham vấn bình ổn tâm lý, đánh giá rủi ro và hướng dẫn kế hoạch an toàn, sau đó sẽ phối hợp với các bên liên quan để hỗ trợ.  

Vượt qua bạo lực gia đình bằng cách nào?

Quan điểm của Ngôi nhà bình yên: Theo Luật Phòng chống BLGĐ thì việc phân loại bạo lực gia đình với 4 hình thức cơ bản: Bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục, mỗi hình thức bạo lực được biểu hiện qua các hành vi khác nhau. Có nhiều trường hợp đến với NNBY bị bạo lực nghiêm trọng khi phải gánh chịu cả 4 hình thức.

Quan điểm của NNBY là hình thức bạo lực nào cũng đều nghiêm trọng như nhau, đều để lại những tổn thương về thể chất, tinh thần, sự an toàn của nạn nhân. Nếu chúng ta không có sự phân biệt rõ ràng và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực đó thì sẽ để lại hệ lụy cho xã hội, gia đình và cho thế hệ con cháu bị ảnh hưởng khi chứng kiến bạo lực hoặc bản thân là nạn nhân của bạo lực. 

Nhiều người cho rằng, bạo lực nghĩa là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, cơ thể phải bầm tím, đi bệnh viện và phải nhìn thấy được thì mới được tính. Còn những lời chửi mắng, cãi vã, đe dọa thì thường bị bỏ qua và không coi đó là hành vi bạo lực vì không có bằng chứng, “lời nói gió bay”.

Nhưng họ không hiểu rằng tình trạng chửi bới, đe dọa kéo dài sẽ khiến cho nạn nhân bị sợ hãi, căng thẳng, thậm chí muốn tự tử và đã tự tử nhiều lần. Nhiều phụ nữ khi đến NNBY đã chia sẻ: “Thà chồng cứ đánh đập tôi còn chịu được, chứ cứ đến bữa cơm anh ta lại chửi”; “Bị ép quan hệ tình dục trước mặt các con, tôi cảm thấy nhục nhã vô cùng”...

Cần nhớ rằng để phòng chống BLGĐ, ai cũng có thể đáp ứng sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, đặc biệt là chính quyền cơ sở, các cơ sở tham vấn và cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cộng đồng. Bạo lực sở dĩ vẫn được duy trì là bởi sự thông đồng với thủ phạm của cộng đồng, bởi sự thờ ơ và xao nhãng, không quan tâm, không giải quyết hoặc giải quyết không triệt để của chính quyền.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA: 

Ngăn chặn hành vi BLGĐ ngay từ việc tìm ra nguyên nhân dẫn tới những hành vi lệch chuẩn là việc làm cần thiết với mọi thành viên trong gia đình. Khi BLGĐ xảy ra với mức độ trầm trọng và với những người luôn có nguy cơ bị BLGĐ thì phải có sự chuẩn bị và kế hoạch phòng ngừa bạo lực như tìm tới các số điện thoại đường dây nóng của các địa chỉ tư vấn về BLGĐ… 

Để chấm dứt BLGĐ thì cả hai giới cần phải áp dụng phương pháp “bình tĩnh” để giải quyết mọi vấn đề. Bình là giữ nhịp sống bình thường, không sốc, tĩnh là giữ cho tâm an, nghĩ thong thả, làm thong thả, nhìn vào khía cạnh tích cực của giai đoạn tạm nghỉ này, thay vì than vãn, kêu ca, dẫn đến bức xúc, bực bội với nhau.

Nghệ sĩ Công Vượng: Vợ chồng phải biết chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn không chỉ của mỗi gia đình mà của cả xã hội đang phải đối diện. Theo tôi, các thành viên gia đình nên biết sử dụng thời gian rảnh rỗi vào những hoạt động tích cực như: nấu ăn, dọn dẹp, làm đẹp nhà cửa và thậm chí đơn giản hơn là ngồi nói chuyện, xem phim cùng nhau… để duy trì cuộc sống gia đình qua giông bão. 

Nhà báo Hàn Ni: Mỗi thành viên trong từng gia đình cần biết tận dụng thời gian cách ly xã hội để thực hiện những công việc, những sở thích mà ngày thường bận rộn họ không thể làm được, ví dụ như trồng cây, tập yoga. Sống chậm hơn bằng cách sống theo sở thích sẽ mang lại những giá trị tích cực. Tự mỗi người trong gia đình tạo sự hứng khởi cho mình bằng công việc yêu thích và sự hứng khởi đó sẽ lan ra các thành viên khác, giảm căng thẳng. X.Hoa (ghi)

Đọc thêm