Quý I/2019, ngành Công an thống kê có 310 vụ BLHĐ trên toàn quốc, chủ yếu ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nếu như trước đây, việc đánh nhau trong trường học ít xảy ra thì thống kê mới đây khiến cho nhiều người giật mình.
Chỉ trong 10 năm trở lại đây, nạn BLHĐ đã tăng gấp 13 lần, lên đến hơn 1.000 vụ mỗi năm, khiến cho môi trường học đường dường như ít nhiều bị ảnh hưởng. Tìm kiếm trên Google, chỉ cần chưa đầy 1 giây, công cụ này sẽ cho ra vài chục triệu kết quả về cụm từ BLHĐ.
Mới đây, ngày 22/1/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận, điều trị cho một bé gái 13 tuổi bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Nguyên nhân là bởi bé không chịu nổi những áp lực học đường nên đã uống thuốc trừ sâu nhằm giải thoát cho mình. Sự việc bắt đầu xảy ra với trẻ khi giữa năm học, trong lớp cô giáo đã xếp em ngồi giữa hai bạn nam.
Kể từ đó, bé gái thường xuyên bị hai bạn bên cạnh mình trêu chọc, giật, ném sách vở. Em còn bị cả lớp ghép đôi với một trong hai bạn nam đó. Điều này khiến cho em luôn có cảm giác xấu hổ, căng thẳng, lo sợ nên không thể tập trung được để học. Nghĩ đến việc đi học, em luôn lo lắng, sợ hãi và cảm thấy không có ai hiểu và giúp đỡ mình.
Em cảm thấy cuộc sống xung quanh đối với mình như là cực hình và muốn được giải thoát khỏi cảm giác đầy căng thẳng và sợ hãi này. Em đã nhắn tin cho vài người bạn thân về tâm trạng của mình rồi tự đi mua thuốc trừ sâu để uống. Gia đình phát hiện đưa con đến bệnh viện cấp cứu.
Mặc dù được cứu mạng sống nhưng ở bệnh viện bé gái vẫn luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ và đau đầu. Suốt ngày chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti, không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai.
Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ, nhà tâm lý đánh giá bé có những sang chấn về tinh thần và chuyển Khoa Sức khỏe vị thành niên. Sau một tuần trị liệu tâm lý, tinh thần của bé đã cải thiện hơn. Bé gái cảm thấy khoẻ, vui vẻ hơn, hoà đồng với các bạn trong phòng và với mọi người, ăn, ngủ tốt hơn.
Câu chuyện trên là một trường hợp đau lòng về BLHĐ và điều may mắn là trẻ đã được cứu sống. Hiện nay, BLHĐ đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, của nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra. BLHĐ không ngẫu nhiên đến và tự nhiên biến mất. Phòng chống BLHĐ là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là gia đình và nhà trường.
Trong các mắt xích hình thành nhân cách một đứa trẻ, yếu tố gia đình được đặt lên đầu tiên. Bởi đây là môi trường đầu tiên và cũng là xuyên suốt tác động đến lối sống, hình thành nên nhân cách của một con người. Nhưng không phải gia đình nào cũng làm được điều đó. Bằng chứng là ở câu chuyện bé gái nói trên, trước khi làm điều đó, em đã có một thời gian rất dài nghĩ đến việc đi học là luôn lo lắng, sợ hãi và cảm thấy không có ai hiểu và giúp đỡ mình.
Dần dần em còn không muốn giao tiếp với ai, thậm chí cả bố mẹ hay anh chị em. Mỗi khi về nhà, bé gái này không ăn cùng gia đình mà sinh hoạt một mình. Tiếc rằng, những biểu hiện bất thường này đã không được gia đình phát hiện sớm.
Ở góc độ nhà trường, theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân BLHĐ hiện nay xuất phát từ nhiều phía, một phần do giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người, hoặc hời hợt qua các tiết dạy đạo đức, giáo dục công dân.
Ngành Giáo dục đã ban hành quy tắc ứng xử trong các trường học cũng như biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng BLHĐ. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác tham vấn học đường cần được chú trọng. Mỗi trường học cần có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường, hỗ trợ người học, góp phần ngăn chặn BLHĐ.
Môi trường học tập tích cực, thân thiện bên cạnh sự đồng hành của giáo viên là yếu tố cần thiết giúp các em học sinh được học tập, phát triển lành mạnh. Giáo viên cần chú ý không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp, cần phải đưa ra các nội quy không có hành vi bạo lực ngay từ khi học sinh bắt đầu vào học. Bênh cạnh đó, giáo viên phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.