Những con số đáng kinh ngạc
Chính phủ Việt Nam trong một nỗ lực để giảm mức tiêu thụ rượu cao của người dân đang xem xét lệnh cấm bán rượu và bia từ lúc 22h00 hoặc 24h00 đêm mỗi ngày. Theo tờ VnExpress, dự thảo quy định nói trên sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam vào năm 2018. Dự thảo này đã được đưa ra thảo luận tại một hội thảo do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng tổ chức mới đây ở Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là nước tiêu thụ rượu, bia nhiều thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Đất nước có mức thu nhập bình quân của người dân ở mức trung bình và thấp này cũng là nước tiêu thụ rượu bia lớn thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 29 trên toàn cầu về lượng bia, rượu được tiêu thụ.
Cũng tại sự kiện nói trên, một quan chức của Bộ Y tế Việt Nam tên Nguyễn Huy Quang cảnh báo: “Nếu những biện pháp ngăn chặn không được thực hiện một cách hiệu quả thì Việt Nam có thể sẽ trở thành nước tiêu thụ bia rượu lớn nhất thế giới chứ không chỉ ở thứ 29”.
Theo Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, người Việt Nam tiêu thụ hơn 3,4 tỉ lít bia trong năm 2015, tức mỗi người trong năm ngoái tiêu thụ bình quân 38 lít bia. Con số này tăng 10% so với 1 năm trước và cao hơn 41% so với lượng tiêu thụ bia, rượu của năm 2010.
Đặc biệt, theo kết quả của một cuộc khảo sát chung do WHO và Bộ Y tế Việt Nam công bố hồi đầu tháng 9 cho thấy có đến gần 1 nửa số người uống rượu, bia khi được hỏi nói rằng họ đã lái xe trong vòng 2 giờ sau khi uống rượu, bia.
Một đại diện từ Ủy ban an toàn giao thông quốc gia tại hội thảo mới đây cũng cho biết có khoảng 40% các tai nạn trên đường phố xảy ra trong năm 2015 có liên quan đến say rượu khi lái xe.
Cần cân nhắc kỹ
Ông Diego Fossati – một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á – nói với Southeast Asia Globe rằng việc đoán định được hết kết quả của lệnh cấm rượu bia vào lúc đêm muộn là rất khó nhưng nếu lệnh này được thực thi một cách hợp lý thì chắc chắn nó sẽ có tác động tích cực trong vấn đề cải thiện an toàn của người dân.
Dù vậy nhưng ông Fossati cũng nói thêm rằng một số cách tiếp cận thay thế như đánh thuế vào mặt hàng rượu, bia đã được chứng minh là đem lại kết quả tốt. Do đó, Việt Nam cũng nên xem xét những cách tiếp cận như vậy để bổ sung vào các biện pháp hạn chế bia, rượu.
Bên cạnh đó, ông Fossati cũng cảnh báo về những giao dịch dưới gầm bàn phát sinh từ việc cấm bán rượu, bia. “Việc thực thi cách chính sách cấm đoán thường dẫn tới những hậu quả nguy hiểm không lường trước được như sự phát triển của chợ đen mà trong đó những tổ chức tội phạm có thể đóng vai trò quan trọng” – ông nói.
Việc xem xét lệnh cấm nói trên được công bố trong lúc Việt Nam đang đặt mục tiêu sản xuất mỗi năm 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020, tăng đáng kể so với sản lượng 3,4 tỉ lít của năm 2015.
Lo ngại về văn hóa uống rượu
Trước đó, hãng tin AFP cũng đã có bài viết về tình trạng uống rượu bia ở Việt Nam. Theo hãng tin này, bia ở Việt Nam có giá chỉ khoảng 30 cent Mỹ một cốc, nằm trong số những nước có giá bia rẻ nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, tiêu thụ rượu cũng đã gia tăng ở tốc độ nhanh nhất so với các nơi khác.
Trước đây, người Việt Nam chủ yếu ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ ở lề đường để thưởng thức bia. Nhưng sự giàu có của người dân ngày càng tăng lên, người dân ở đất nước không có khái niệm thực sự về nghiện rượu này cũng đồng nghĩa với việc những người muốn uống bia, rượu cũng có nhiều lựa chọn hơn.
Những quầy bar cho đến nay vẫn chủ yếu là nơi lui đến của những người nước ngoài và người Việt Nam thuộc tầng lớp giàu có. Trong khi đó, những câu lạc bộ bia, nơi có nhạc và điều hòa nhiệt độ - thì trở thành lựa chọn thay thế cho những người trẻ.
Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn thứ 3 ở châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc và là nước tiêu thụ nhiều bia nhất ở khu vực Đông Nam Á, nhiều hơn cả Thái Lan. Số liệu thống kê được truyền thông Việt Nam công bố năm 2015 cho thấy tỉ lệ uống bia ở Việt Nam đã tăng hơn 200% trong vòng 10 năm qua, một phần là do mức thu nhập sau thuế của người dân tăng và một phần là do yếu tố nhân khẩu học khi mỗi năm ở đây có khoảng 1 triệu người đủ tuổi uống rượu, bia.
Đáng chú ý, theo chuyên gia kỹ thuật của WHO Nguyễn Nam Phương, số liệu thống kê của Việt Nam bị lệch vì chỉ có chưa đến 2% phụ nữ uống rượu, bia. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng bia, rượu tiêu thụ ở nước này chủ yếu là do nam giới uống, với 1/4 nam giới uống bia ở mức độ “có hại”, tức từ 6 cốc bia mỗi lần uống.
“Việc uống rượu bia đang ngày càng trở thành một thác thức về y tế nghiêm trọng ở Việt Nam. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề này, như xơ gan, tai nạn giao thông và bạo lực gia đình” – bà Phương cho hay.
Theo một số thống kê, 60% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến rượu, bia và việc tiêu thụ quá nhiều cồn cũng đã đưa đến sự gia tăng mạnh các ca bệnh như ung thư và tiểu đường. Trước đây, Việt Nam cũng đã những nỗ lực để hạn chế việc tiêu thụ bia, rượu, như đề xuất cấm bán rượu từ 22h00 hay hạn chế bán bia tới các nhà hàng, nhưng các đề xuất này đều bị chỉ trích và nhanh chóng bị bỏ qua.
Lượng tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết, một phần là do văn hóa uống rượu, bia ở Việt Nam, mà theo tuyên bố của một người dân địa phương là: “Đàn ông mà không uống rượu thì cũng như cờ không có gió”.
Bà Phương cho biết, ý nghĩ của người đàn ông trên đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt Nam và sẽ cần phải mất một thời gian dài mới có thể thay đổi được. “Uống là phải say. Uống mà không say thì phí bia” – Võ Văn Bảo, một thanh niên 21 tuổi, cho biết khi đang ngồi với một nhóm bạn ở câu lạc bộ bia The Hangover.
Bia là một mặt hàng kinh doanh đặc biệt tốt ở Việt Nam. Thị trường này do 3 công ty lớn trong nước là Bia Saigon, Bia La Rue và bia Hanoi thống trị, trong đó mỗi thương hiệu nói trên lại có phạm vi tiêu thụ mạnh mẽ ở các địa phương khác nhau.
Bên cạnh đó, các thương hiệu đồ uống quốc tế lớn cũng đang tìm cách thuyết phục những người uống bia ở Việt Nam chuyển sang những thứ đồ uống có độ cồn cao hơn, bất chấp việc Việt Nam đánh thuế nặng và cấm quảng cáo rượu.
Với dân số khoảng 90 triệu người, trong đó có khoảng 1 nửa dưới 30 tuổi và tầng lớn trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam là thị trường chủ đạo của những công ty như Diageo – công ty sản xuất thương hiệu rượu Johnnie Walker. Quản lý của Diageo ở Việt Nam Stephane Gripon – cho rằng lượng tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam không cao, rằng người Việt Nam uống rượu ở mức độ hợp lý.
Song, điều này không hề đúng với nhiều người trẻ Việt Nam. Vào cuối giờ chiều ở Hà Nội, anh kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Thanh đang ngồi uống bia hơi với bạn ở một quán bia ven đường. Khoảng 10 chai bia rỗng đã được đặt trên bàn.
“Ngày nào tôi cũng uống bia hoặc rượu. Tôi biết điều này không tốt cho sức khỏe nhưng không bỏ được thói quen này. Đôi khi, tôi chỉ có thể bàn việc kinh doanh với đối tác khi uống rượu hoặc bia cùng nhau. Việc từ chối khi được mời uống cũng rất khó vì với chúng tôi thì không có rượu thì cũng đồng nghĩa với việc chẳng có tiệc” – anh này nói.