Không những thế, câu chuyện làm bảo tàng thôn còn đưa ra một thông điệp, để giữ nghề và nối nghề, hơn ai hết chính là nhờ bàn tay, khối óc, tâm huyết của những người đang ngày đêm làm, trăn trở và sống cùng nghề truyền thống…
Trò chuyện với bảo tàng nghề…
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá được coi là bảo tàng làng nghề đầu tiên của Việt Nam, trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Bảo tàng này cố gắng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như: Làm thế nào ông tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh; Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào; Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hoá ảnh ở nước ta?
Trong bài viết về câu chuyện hình thành Bảo tàng – PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – một cư dân của làng - đã kể câu chuyện về hành trình từ ý tưởng đến hình thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.
Theo đó, cụ ông Đặng Tích là người đầu tiên trong làng nhận ra câu chuyện về sự cần thiết phải làm một bảo tàng về nghề ảnh nên đã trao đổi với lãnh đạo thôn. Sau đó ban lãnh đạo thôn trên cơ sở nguyện vọng của dân làng đã nhanh chóng biến ý tưởng thành lập Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá thành hiện thực.
Đông đảo khách tham quan Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá để tìm hiểu về lịch sử về nhiếp ảnh. |
Có thể nói khâu sưu tầm hiện vật là khâu khó nhất của bất kỳ bảo tàng nào. Thế nhưng với người dân Lai Xá thì điều đó cũng không quá khó khăn bởi lòng mong muốn gìn giữ quá khứ. Được biết, cùng với quyết định xây dựng toà nhà bảo tàng, lãnh đạo thôn và CLB nhiếp ảnh Khánh Ký đã tổ chức cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng các hiện vật, tư liệu về nghề ảnh hoặc có liên quan. Cuộc vận động ngay lập tức đã được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh xưa và nay.
Đặc biệt các thợ ảnh và nhà nhiếp ảnh lão thành rất nhiệt tình sưu tầm và tặng cho bảo tàng nhiều máy ảnh và các thiết bị khác của nghề ảnh. Nhiều gia đình có truyền thống ảnh như con cháu của ông Phạm Văn Tám, Phạm Văn Mười (hiệu ảnh Tân Lai, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Bối (hiệu ảnh Minh Tân, Nam Định) mang đến cho bảo tàng nhiều bức ảnh quý được chụp vào những năm 1940...
Và những người giữ nghề trong bảo tàng
Tại bảo tàng nghề của làng gốm Bàu Trúc huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận, nghệ nhân Đàng Thị Lực vừa thoăn thoắt nhào nặn tảng đất cho nhuyễn rồi khéo léo tạo hình cho chiếc bình hoa. Đôi bàn tay gầy đen của bà vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất thành hình tròn, rồi ấn đầu ngón tay cái vào miệng bình.
Đặt bình lên chiếc ghế, bà dùng mảnh vải thấm nước, xoay người thành vòng tròn để chà láng sản phẩm. Trong chốc lát, cục đất vô tri đã biến thành lọ hoa xinh xắn, độc bản, không hề giống bất kỳ chiếc lọ nào đã được làm trước đó. Tại sao lại nói là độc bản, bởi với cách làm gốm của người Chăm thì ít sản phẩm nào giống sản phẩm nào, cho dù cùng ra lò từ một đôi bàn tay người thợ.
Nghệ nhân Đàng Thị Lực cho biết, nghề gốm của làng Bàu Trúc có từ rất lâu đời do vợ chồng ông Pôklông Chanh khởi xướng. Lúc ban đầu, sản phẩm gốm Bàu Trúc ra đời chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày với những vật dụng thân quen như nồi, chum, vại...
Nhưng đến nay khi sản phẩm gốm Bàu Trúc đã được nhiều người tin dùng và nơi đây trở thành làng gốm cổ nhất Đông Nam Á thu hút du khách gần xa, thì những nghệ nhân của làng còn nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn chuyển từ làm gốm gia dụng sang mỹ nghệ. như bình đại, thác nước, tháp, bình hoa...
Cũng ở huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận tại bảo tàng nghề của ngôi làng Mỹ Nghiệp hình ảnh dễ thấy nhất là những người phụ nữ Chăm đôn hậu, cần mẫn, chăm chỉ ngồi hàng giờ trước khung cửi, luồn từng sợi chỉ dệt nên những tấm thổ cẩm đủ sắc màu rực rỡ.
Người phụ nữ Chăm chừng ngoài 40 tuổi đang dệt chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ với những cuộn chỉ màu sắc rực rỡ cho biết, điều quan trọng nhất là để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, bền đẹp, toát lên được những tinh hoa văn hóa truyền thống đặc sắc đó là cả một quá trình công phu của những người phụ nữ làng Chăm Mỹ Nghiệp.
Nghệ nhân Đàng Thị Lực làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận. |
“Làng tôi hiện có khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Đa phần những nữ nghệ nhân dệt đều là những người gắn bó lâu năm với khung dệt và có khiếu thẩm mỹ chuẩn về màu sắc, đường nét, hình khối và khả năng dệt ra được những tấm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, độc đáo, không tấm nào giống tấm nào. Ở làng phụ nữ lo khâu dệt, còn để phục vụ khách du lịch với các sản phẩm như túi xách, ví, ba lô, áo ghi lê, váy, mũ, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường… thì công việc cắt, may từ những tấm thổ cẩm thô, để tạo nên những sản phẩm là công việc dành cho những người đàn ông” – chị cho biết.
“Chỉ đỏ” kết nối quá khứ và tương lai
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nước ta có khoảng hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Tuy nhiên, khi giao thương mở rộng cũng là lúc các làng nghề phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường với tràn lan những sản phẩm hàng hóa ngoại nhập, cùng với đó là sự ra đi của nhiều nghệ nhân cao tuổi khiến không ít giá trị văn hóa bị mai một, bí mật nghề nghiệp bị thất truyền.
Trước thực trạng này, việc xây dựng bảo tàng được coi là một trong những giải pháp góp phần vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị sản phẩm làng nghề.
Ý thức được điều này, một số nơi ở nước ta đã hình thành những bảo tàng làng nghề với quy mô, hình thức khác nhau. Tiêu biểu phải kể đến Bảo tàng Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (Hoài Ðức, Hà Nội), Bảo tàng Gốm cổ (xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Ðô (Ba Vì, Hà Nội), Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An (Hội An, Quảng Nam), bảo tàng gốm của một số nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)…
Sự xuất hiện của những bảo tàng này ít nhiều tạo không gian để du khách được ngắm nhìn, mua sản phẩm làng nghề, đồng thời tìm về với tinh hoa nghề truyền thống xưa. Tuy nhiên, so với số lượng hàng nghìn làng nghề truyền thống, số lượng bảo tàng vẫn còn quá ít ỏi.
Thêm nữa, phần lớn các bảo tàng làng nghề mới chỉ được tổ chức ở quy mô rất nhỏ, chưa được quan tâm đầu tư thích đáng cho nên nhìn chung còn hoạt động manh mún, thiếu khoa học trong bố trí, sắp xếp hiện vật, hạn chế về các hoạt động thuyết minh, trải nghiệm… Do đó, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc để giữ chân du khách, chưa tăng được nhiều nguồn thu từ hoạt động bảo tàng.
Cách đây không lâu, tại hội thảo Phát triển bảo tàng tư nhân và ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề trong thời đại công nghệ 4.0 diễn ra tại Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết của việc phát triển những bảo tàng làng nghề, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để bảo tàng làng nghề hoạt động hiệu quả.
Theo TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thì điều kiện tốt nhất để bảo tồn những di sản làng nghề chính là môi trường sản sinh ra nó, do cộng đồng cư dân bảo vệ và giữ gìn. Nhu cầu xây dựng các bảo tàng làng nghề xuất phát từ đó.
Thông qua bảo tàng, các câu chuyện về nghề thủ công truyền thống và làng nghề dễ dàng được diễn giải, minh họa. Ðây vừa là hình thức góp phần bảo tồn một loại hình di sản văn hóa, vừa gián tiếp hỗ trợ các làng nghề trong quảng bá tới khách du lịch khi tham quan bảo tàng.
Từ góc nhìn của Viện Nghiên cứu phát triển bán hàng và chăm sóc khách hàng, bà Lê Thị Minh Hằng - Phó Viện trưởng cho rằng: “Mô hình bảo tàng thông minh kết hợp giữa bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống và showroom (phòng trưng bày) với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới.
Nếu muốn thu hút khách đến với làng nghề, cần nghiêm túc tham khảo, nghiên cứu về xu hướng này. Ở đó, các tư liệu, hiện vật, sản phẩm làng nghề không phải được trưng bày theo kiểu đóng khung một chỗ mà cần gắn liền những câu chuyện văn hóa, tái hiện lịch sử làng nghề với những hỗ trợ về công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số giúp tạo môi trường trải nghiệm, hỗ trợ người xem dễ dàng hình dung về “đời sống” trước đó của hiện vật, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, thôi thúc khách tham quan chọn mua”.