Bảo tàng tư nhân đang... ngắc ngoải

(PLO) - Ngoài 123 bảo tàng nhà nước, thời gian qua có 25, bảo tàng tư nhân được thành lập và đi vào hoạt động, qua đó góp sức vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lịch sử dân tộc... Hầu hết, các bảo tàng tư nhân đều được đánh giá có nhiều hiện vật quý, có giá trị lịch sử, văn hóa cao nhưng đáng tiếc là có không ít bảo tàng đều èo uột khách.
Một góc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

Nhiều bảo tàng độc đáo

Có thể kể đến như Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình, Hà Nội) có rất nhiều hiện vật tái hiện lại những nét đặc trưng cơ bản của xã hội Mường về đời sống xã hội, kinh tế, phong tục tập quán của dân tộc Mường.

Bảo tàng tư nhân Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội) lưu giữ hơn 3.000 hiện vật, kỷ vật vô giá của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm tại các nhà tù trong cả nước trong chiến tranh.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức, Hà Nội) có gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc với nhiều bút tích của các nhân vật khác nhau được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận. Đa số tư liệu có niên đại từ nửa đầu thế kỷ XX, một số từ cuối thế kỷ XIX.

Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ trưng bày và giới thiệu hàng ngàn bức tranh có giá trị hoặc các bộ sưu tập những tác phẩm quý giá của các họa sĩ tên tuổi trong nền mỹ thuật Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái… 

Bảo tàng Cổ vật tư nhân Hoàng Long (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) là bảo tàng cổ vật tư nhân lớn nhất cả nước đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên ở Việt Nam” năm 2009. Bảo tàng này lưu giữ hàng nghìn cổ vật có giá trị cách đây khoảng 2.000 đến 2.500 năm tuổi, trong đó khu trưng bày có hơn 800 cổ vật đã được giám định, công bố niên đại, đa số từ thời văn hóa Đông Sơn đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Rồi tới Huế có Bảo tàng tư nhân đồ sứ kí kiểu triều Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu và sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn, giới thiệu bộ sưu tập thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn vốn rất quý hiếm được chế tác phục vụ “tứ thú” của người xưa: ăn trầu, uống trà, hút thuốc và uống rượu.

Bảo tàng “Áo dài” (quận 9, TP HCM) trưng bày những chiếc áo dài Việt từ lúc hình thành cùng với những đổi thay trong đời sống xã hội, đi cùng lịch sử đất nước, gắn bó với người phụ nữ Việt Nam.

Hay như bảo tàng vũ khí cổ tư nhân lớn nhất là một trong 12 kỷ lục Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố. Bảo tàng có diện tích 1.500m2, trưng bày 1.200 cây súng, 1.000 cây gươm, 500 ma-nơ-canh trong những bộ quân phục, quân trang của quân đội các nước ở vào các thế kỷ trước…

Nhưng không dễ phát triển

Khác với những bảo tàng nhà nước được tổ chức thiên về định hướng tuyên truyền, hệ thống bảo tàng tư nhân tại Việt Nam hiện nay thường hướng về các lĩnh vực gần gũi và cụ thể nhất của xã hội trong đời sống hàng ngày.

Hầu hết các bảo tàng tư nhân đều được đánh giá có nhiều hiện vật quý, có giá trị lịch sử, văn hóa cao nhưng đáng tiếc là có không ít trong số 25 bảo tàng này lại trong cảnh… èo uột khách. Với giá vé khoảng 20-40 nghìn đồng/ người, số lượng lại ít ỏi, hôm có, hôm không khiến các bảo tàng rơi vào tình cảnh khó khăn. Đã có không ít bảo tàng buộc phải đóng cửa hoặc có mở cửa thì cũng ngắc ngoải…

Người Việt Nam chưa có thói quen đi bảo tàng. Phần lớn các bảo tàng nhà nước còn ít khách nói chi bảo tàng tư nhân. Đó là nguyên do nhưng chưa phải là tất cả. PGS Nguyễn Văn Huy khẳng định: “Việc thành lập bảo tàng tư nhân không khó, nhưng duy trì và phát triển hoạt động mới thực sự khó. Nhiều bảo tàng đã teo đi nhanh chóng sau khi thành lập chỉ vì sự thiếu chuyên nghiệp”.

Thiếu chuyên nghiệp ở chỗ, bảo tàng phải được đảm bảo 3 yếu tố: nghệ thuật, lịch sử và khoa học, thế nhưng có không ít các bảo tàng tư nhân là có gì bày nấy. Các hiện vật bị sắp xếp lộn xộn, vụt vặt, manh mún gây khó hiểu cho khách tham quan. Chưa kể, nhân viên, thuyết minh bảo tàng vừa ít, trình độ hạn chế cũng làm giảm sự hứng thú của khách. Ngoài ra, việc tuyên truyền của các bảo tàng tư nhân thường bó hẹp trong những người hoạt động chuyên ngành, chứ người dân rất ít biết tới. Việc bảo quản, tu duy các hiện vật ở bảo tàng tư nhân cũng có sự khó khăn nhất định. 

Có thể nói, các bảo tàng tư nhân đang tự “bơi”, tự bỏ tiền túi để thỏa niềm đam mê giữ gìn những hiện vật có giá trị và tạo một điểm tham quan, góp sức vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lịch sử dân tộc... 

Trước thực tế này, Tiến sĩ Đặng Văn Bài kiến nghị: “Trước mắt, các bảo tàng nhà nước cần đẩy mạnh việc hỗ trợ hệ thống bảo tàng ngoài công lập, chẳng hạn như việc phối hợp tổ chức trưng bày, bảo quản giúp hiện vật. Hoặc, khi thanh lý trang thiết bị trưng bày từ Nhà nước, các bảo tàng tư nhân thiếu điều kiện cũng nên được ưu tiên”.

Mong sao có sự đồng hành của các cơ quan quản lý, các hãng lữ hành để những chủ nhân bảo tàng tư nhân không đơn độc trên hành trình gìn giữ vốn quý của dân tộc.

Đọc thêm