Bảo tồn di tích Đền Thượng gắn với phát triển lễ hội

(PLVN) - Lào Cai là nơi tập trung hệ thống các đền, chùa - những điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng như đền Ông Bảy Bảo Hà, đền Mẫu, đền Cô Cấm, đền Quan, chùa Cam Lộ…, đặc biệt Thánh Trần Từ hay đền Thượng là một trong số những ngôi đền linh thiêng và được biết đến nhiều nhất. 
Lễ hội đền Thượng.
Lễ hội đền Thượng.

Thánh Trần Từ hay đền Thượng được xây dựng vào thời vua Lê Hy Tông (niên hiệu Chính Hòa: 1680 - 1705), ngay trên đồi “hỏa hiệu” năm 1987 xưa, thuộc dãy núi Mai Lĩnh có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Đây được xem như một vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc với cảnh trí sơn thủy hữu tình, chỉ cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai gần 500m về phía Đông Bắc. Từ vị trí đền, có thể bao quát toàn bộ thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc chỉ cách một dòng sông Nậm Thi nhỏ bé.

Đền Thượng thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài đã ba lần đánh đuổi quân Mông - Nguyên trong thế kỷ XIII.

Nguyên đền ban đầu có qui mô nhỏ, được dựng bằng gỗ qúy, dựa vào thế núi và soi mình xuống dòng sông Nậm Thi hiền hòa. Năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới, họ đã xua quân tàn phá nhiều vùng biên giới Việt Nam. Trong bối cảnh này, ngôi đền Thượng thờ vị anh hùng dân tộc “đã ba lần dạy cho quân xâm lược bài học nhớ đời” trong quá khứ đã bị phá sạch, đốt sạch.

Nghi lễ rước thánh tại Lễ hội Đền Thượng.
Nghi lễ rước thánh tại Lễ hội Đền Thượng.

Ngay cạnh đền hiện diện một cây đa rất lớn, được xem là hiện thân của Thánh mẫu Thượng ngàn vì dưới gốc đa có một ngôi miếu nhỏ thờ Thánh mẫu với đôi câu đối “Thụ mộc đa sinh sinh thế thế/ Tiên cô hóa hiện hiện linh linh” lúc nào cũng nghi ngút khói hương.

Có lẽ tin vào sự linh thiêng của cây đa cổ thụ nên mặc dù đã phá nát ngôi đền Thượng, những kẻ ngông cuồng vẫn không dám đụng đến cây đa. Đây là cây đa cao hơn 33m, chu vi chừng 44m, có tuổi thọ hơn 300 năm với nhiều thân, rễ chùm bám vào lòng đất, được công nhận “cây di sản Việt Nam” năm 2012.

Qua nhiều lần trùng tu đền vẫn mang diện mạo cổ kính với thiết kế hình chữ “công” gồm hệ thống Tam quan ngoại, Tam quan nội, Hậu cung, các nhà Tả vu, Hữu vu. 

Tại Hậu cung có 7 gian thờ chính gồm cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu, ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng... Tại các nhà Tả vu, Hữu vu có các ban thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền... Cạnh Đền Thượng có nhà bi đình hình vuông với 4 cột và không vách đố, bao quanh có 8 rồng chầu, ở giữa là bia đá khắc tích “Đức Thánh Trần” đặt trên lưng con rùa cũng bằng đá. Nơi đây trước kia là nơi nghỉ chân của các quan quân đi tuần, ngày nay, là rừng sinh thái với đủ các loại cây trồng bảo vệ môi trường, phục vụ du khách tham quan, nghỉ chân thưởng thức khí hậu trong lành.

Không gian văn hóa Lễ hội đền Bảo Hà - Lào Cai.
Không gian văn hóa Lễ hội đền Bảo Hà - Lào Cai.

Theo thông lệ, lễ hội Đền Thượng thường được tổ chức vào các ngày 13, 14 và ngày rằm tháng giêng Âm lịch.  Cứ ba năm một lần, Lào Cai tổ chức đăng cai, chủ trì thì Lễ hội xuân Đền Thượng được lấy làm địa chỉ tổ chức và khởi nguồn của một năm trong tuyến du lịch cội nguồn giữa ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ.

Năm 2017, Lễ hội Đền Thượng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó càng thêm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của hoạt động văn hóa độc đáo và ý nghĩa này.

Lễ hội diễn ra gồm 2 phần: "phần lễ" và "phần hội". Ở phần tiếng trống khai hội giòn giã của nghi thức hướng về cội nguồn vang lên. Sau đó là lễ rước kiệu Đức Thánh Trần từ sân hội chính trước cửa đền đến sân chính của đền. Tại đây chủ tế đọc bài văn tế công lao của Ngài Hưng Đạo Đại Vương và tiến hành lễ dâng hương chiêm bái. Cuối cùng, các đại biểu trồng cây lưu niệm tại vườn Thủy Vỹ nhằm gửi gắm mong ước di tích này mãi trường tồn, tươi tốt. 

Phần hội thay đổi mỗi năm cho phù hợp với nhiều nét mới trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí mang đậm phong cách dân gian; bao gồm trình diễn văn nghệ, vũ hội dân gian; Các hình thức tổ chức các môn thể thao truyền thống được duy trì thường xuyên hằng năm tại Lễ hội gồm: Vật dân tộc, kéo co, đẩy gậy, ném còn, cờ tướng, bắn nỏ, chọi gà...

Có khi thêm các phần “hội thi nhà nông đua tài”, “hội thi đồ xôi”, “thi đội kèn pí lè” rất hấp dẫn. Không chỉ các phường, xã của thành phố mà 8 huyện khác còn lại cũng háo hức, hồ hởi không chỉ đến dự hội xuân mà còn tham gia triển lãm giới thiệu các sản vật, lễ hội, trò chơi cùng các hoạt động văn nghệ dân gian đặc sắc góp phần quảng bá du lịch địa phương

Đến với lễ hội Đền Thượng hàng năm, du khách không chỉ hoà mình vào với không gian văn hoá của lễ hội mà còn được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng mà chỉ ở lễ hội Đền Thượng mới có được. Khu văn hoá ẩm thực tham gia trong chương trình mang đậm nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của Lào Cai như: thắng cố, cơm lam, xôi bảy màu, thịt trâu khô… đầy sức quyến rũ. Tại đây, du khách vừa ôn lại truyền thống dân tộc, vừa thưởng thức những chén rượu ngô nồng ấm bên người thân và bạn bè, để cùng chia sẻ và hưởng chọn bầu không khí ấm áp của mùa xuân biên giới.

Ðền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm và chùa Lê Lợi là chứng tích văn hóa truyền thống của người Việt trên vùng biên giới. Du khách thập phương từ trong và ngoài nước, khi đến Lào Cai dù bận mấy, vội mấy, ai ai cũng đều lên thắp nén nhang tưởng nhớ những người anh hùng dân tộc và chụp tấm hình kỷ niệm bên gốc đa cổ thụ bề thế, uy nghi với mong muốn sẽ có sức trẻ, khỏe, hưng thịnh và hạnh phúc.

Lễ hội Đền Thượng là nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc tại Lào Cai đã  và đang được bảo tồn, phát triển. Hội xuân đền Thượng không chỉ là điểm đến văn hóa tâm linh mà còn là nét độc đáo của du lịch Lào Cai trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn dân tộc.

Đọc thêm