Bảo tồn văn hóa từ “báu vật” của dân tộc Mông

(PLVN) - Người Mông có quan niệm: “Hạt lanh có trước, con người có sau”, hay “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông”. Cây lanh ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải, còn là vật liệu được người Mông sử dụng trong hầu hết các phong tục văn hóa. Lanh đã ăn sâu vào đời sống, tín ngưỡng, trở thành biểu tượng văn hóa tinh thần đặc sắc của người Mông.

Lanh trong nghi lễ người Mông

Từ xưa đến nay, người dân tộc Mông luôn giữ ý thức cao trong bảo vệ di sản văn hóa truyền thống. Một trong số đó là nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh. Nội dung được vẽ trên vải lanh thường là những câu chuyện về thế giới quan, những trang ký sử, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động.

Theo người Mông, lanh đã trở thành nét văn hoá riêng để phân biệt và nhận diện tộc người Mông với những dân tộc khác và trở thành biểu tượng văn hoá tinh thần thiêng liêng gắn với cuộc đời mỗi người Mông. Họ quan niệm con người có nhiều linh hồn và linh hồn tồn tại vĩnh hằng, cho nên gắn với mỗi vòng đời người là các nghi lễ và gắn với biểu tượng lanh.

Nghệ nhân Lý Thị Ninh trình diễn nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh.

(Ảnh: Thùy Dương)

Trong tập tục của người Mông, từ khi một đứa trẻ ra đời đã có nhiều nghi lễ liên quan đến cây lanh và vật dụng từ lanh. Từ khi sinh ra cho đến ba ngày tuổi, đứa trẻ chưa được mặc quần áo mà được ủ trong tã cắt từ tạp dề cũ bằng vải lanh của người mẹ. Đến ngày thứ ba, gia đình tổ chức lễ đặt tên cho trẻ và mặc cho trẻ cái áo bằng vải lanh đầu tiên do người mẹ may cho.

Trong các nghi lễ của đám cưới, lanh giữ vai trò quan trọng không thể thay thế. Trang phục cưới của cô dâu, chú rể phải được làm từ vải lanh và được thêu rất kỳ công. Nhiều nơi có tục lệ khi tổ chức hôn lễ bắt buộc phải có hai cuộn vải lanh, mỗi cuộn dài 10m, cuộn màu trắng dành cho cô dâu, cuộn màu đen dành cho chú rể, hai cuộn lanh này được trải ra và cuộn lại theo các nghi lễ được thầy cúng hướng dẫn để cầu phúc. Lanh trở thành biểu tượng se duyên, làm chứng, chúc phúc cho người Mông khi họ bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.

Người Mông thường nói: “Đói chết cũng không ăn hạt thóc giống, nghèo rách cũng phải có váy áo lanh mặc lúc chết”. Trong lễ tang, người Mông quy định trang phục cho người chết phải làm từ vải lanh, người đến viếng cũng phải mặc vải lanh. Họ quan niệm, chỉ có mặc vải lanh mới không bị lạc tổ tiên, mới được tổ tiên nhận con cháu. Mọi nghi thức trong lễ tang của người Mông đều sử dụng sợi lanh như một “cầu nối” để người chết nhận được vật hiến tế của con cháu, họ hàng, giúp họ sang được thế giới của tổ tiên. Người Mông tin tưởng sợi lanh chính là biểu tượng dẫn đường nối thế giới thực tại với thế giới của tổ tiên, thần linh.

Tấm vải dệt hoa văn kể chuyện sơn cước

Nghệ nhân Lý Thị Ninh (bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã kể câu chuyện văn hóa người dân tộc Mông trong buổi trình diễn nghề “Dệt vải lanh và vẽ sáp ong” vừa diễn ra tại Caft Link (Văn Miếu, Hà Nội). Theo nghệ nhân, vải lanh dày hơn các loại vải khác, nền vải nhẵn, người Mông dùng để may quần áo, cái địu, cái mũ… cho trẻ, vải lanh mặc ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, có độ bền cao.

Để dệt nên một tấm vải lanh cũng không hề đơn giản. Từ việc thu hoạch cho đến xử lý sợi, dệt vải, xử lý vải... phải mất hàng tháng trời. Đầu tiên, người dân phải cắt lanh về mang phơi khô, sau đó giã cho mềm rồi mới bắt đầu nối. Bước thứ hai, để dệt vải đẹp và mượt, người dệt cần ngâm sợi lanh với tro bếp trắng được đun từ củi nghiền ra. Để miếng vải có được màu trắng tinh và dính bám chắc tràm hơn, vải phải được giặt và phơi cẩn thận.

Công đoạn chế tạo sáp ong để vẽ cũng quan trọng không kém. Đây là kỹ thuật sử dụng sáp ong nóng chảy vẽ trên mặt vải, che phủ những vị trí muốn giữ lại màu gốc của vải. Tấm vải sẽ được nhuộm với những màu nhuộm nguội, sau cùng được luộc trong nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn được che phủ. Sáp ong chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy. Vì vậy, khi vẽ sáp ong, người vẽ phải ngồi cạnh một bếp than khói nghi ngút. Lúc này các hoa văn trước đây bị sáp ong bao phủ sẽ lộ ra và có màu trắng ban đầu của vải, nổi bật trên nền vải chàm.

Người Mông thường dùng một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, có ngòi bút được làm bằng lá đồng nhỏ gấp lại hình tam giác và nẹp vào thanh tre. Ngoài ra, khi đang vẽ sáp ong lên vải, người dùng cần một cái lu, bên trên gác miếng gỗ phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, đầu còn lại cuộn vải để tiếp tục vẽ. Công đoạn sau khi vẽ xong là bỏ vải vào nồi nước sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, lộ ra những đường nét hoa văn đẹp. Cuối cùng là quá trình đem vải nhuộm chàm và phơi nắng thành phẩm.

Đặc biệt, những tấm vải dệt của người dân ở đây mang tính nghệ thuật cao vì hầu hết các hoa văn trang trí đều mang tính chất độc bản. Do quá trình truyền nghề lẫn sự sáng tạo phong phú thay đổi theo năm tháng, người phụ nữ Mông sẽ cho ra đời những tấm vải dệt hoa văn có ý nghĩa tiếp nối lịch sử tồn tại ngàn đời của người dân tộc miền sơn cước.

Những họa tiết trên vải thêu dệt thể hiện khát vọng và đề cao nghệ thuật dân tộc đều từ trí tưởng tượng của người Mông. Theo các nghệ nhân, người Mông luôn duy trì công tác trồng lanh, xe sợi, dệt vải để có thể tạo ra những sản phẩm như: thắt lưng, khăn quấn đầu, váy áo… Để món dệt trông bắt mắt hơn, người thêu dệt trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong thành các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với các ô hình quả tram, tam giác… đem lại cho người xem hiệu ứng nhìn bắt mắt, linh hoạt và dễ dàng nhận diện kiểu trang trí đối với các dân tộc khác.

Hiện nay, phụ nữ dân tộc Mông vẫn không ngừng tiếp nối và duy trì kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong truyền thống. Nhờ đó, họ không những bảo tồn bản sắc nghệ thuật văn hóa của dân tộc mà còn để lại ấn tượng, trải nghiệm đẹp đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; đặc biệt đề cập tới việc phát triển nền văn hóa, du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, hoạt động trong buổi trình diễn nghề “Dệt vải lanh và vẽ sáp ong” vừa qua cũng có ý nghĩa góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.