Ký ức về sân bay Nội Bài và đời sống Hà Nội 45 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội vừa kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô. 70 năm đã qua, biết bao nhiêu đổi thay… Chứng kiến sự phát triển không ngừng ở Hà Nội hôm nay ngày càng văn minh, hiện đại nhiều người cũng chưa quên về những năm tháng Hà Nội còn khó khăn, thiếu thốn.
Mặt trước giấy thu hồi hộ chiếu cùng dấu nhập cảnh ở Nội Bài của Công an ngày 17/7/1979 vẫn với tên “CỬA KHẨU GIA LÂM”. Mặt sau tờ giấy thu hồi hộ chiếu ngày ấy với nhằng nhịt những chữ ký cho phép tạm trú và đong gạo.
Mặt trước giấy thu hồi hộ chiếu cùng dấu nhập cảnh ở Nội Bài của Công an ngày 17/7/1979 vẫn với tên “CỬA KHẨU GIA LÂM”. Mặt sau tờ giấy thu hồi hộ chiếu ngày ấy với nhằng nhịt những chữ ký cho phép tạm trú và đong gạo.

“Đường trời” ngày trở về

Với tôi, kỷ niệm về sân bay Nội Bài và những ngày mới tốt nghiệp đại học về nước cách đây tròn 45 năm chẳng bao giờ có thể quên.

Cuối tháng 6/1979 sau 6 năm du học, chúng tôi - một đoàn sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và các nước Đông Âu về nước. Năm 1979 là năm đầu tiên các sinh viên tốt nghiệp từ Đông Âu và Liên Xô về nước phải đi bằng máy bay, vì tàu hỏa qua Trung Quốc đã bị gián đoạn do chiến tranh biên giới phía Bắc.

Rời Thủ đô Maxcova vào chiều 16/7/1979 trên máy bay của Hãng hàng không Liên Xô Aeroflot, sau gần 20 tiếng đồng hồ bay, với các điểm dừng tiếp dầu ở Taskent (Uzbekistan), Karachi (Pakistan), Kalkuta (Ấn Độ), chiều ngày 17/7/1979 chúng tôi về tới sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Nghe tiếp viên thông báo: “Máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ đô Hà Nội…”. Mặc kệ máy bay vẫn đang bay, nhiều người trên máy bay tháo dây an toàn, nhao nhao đứng nhổm lên cố nhìn qua cửa sổ máy bay, tiếp viên trên máy bay quát không được phải chạy tới chạy lui để “dúi đầu”, “đè vai” các vị khách, bắt ngồi xuống ghế. Trong lúc tiếp viên còn đang ra sức giữ trật tự trên khoang thì nghe tiếng “thịch” rất to, người ngồi trong máy bay nảy lên. Máy bay chạm đất. Sân bay quốc tế Nội Bài là đây ư?

Căng mắt ra nhìn. Chẳng thấy nhà ga nào cả. Qua cửa sổ máy bay đang lăn từ đường băng vào nơi đỗ, ngoài trời tháng 7 nắng chang chang, xa xa nhìn thấy mấy ngôi nhà cấp 4 lợp fi-bro xi măng.

Rất nhiều người lần đầu tiên nghe thấy tên “Nội Bài”! “Nội Bài là sân bay nào”? Nào có mấy ai khi đó biết “sân bay Nội Bài” chính là sân bay Đa Phúc của không quân, mới được chuyển đổi sang làm sân bay dân dụng chưa đầy một năm trước đó, vì sân bay Gia Lâm đường băng ngắn không tiếp nhận được máy bay cỡ lớn.

Máy bay đỗ, mọi người xuống thang máy bay, lên xe buýt chở vào nhà chờ để làm thủ tục nhập cảnh trong cái nắng tháng 7 hầm hập. Nhà chờ để làm thủ tục nhập cảnh là căn nhà cấp bốn, mái lợp fi-bro xi măng, trần cót ép, mấy chiếc quạt trần treo thấp tè, quay lờ đờ như… đuổi ruồi. Vừa mệt sau chuyến bay dài gần hai chục tiếng đồng hồ, lại gặp thời tiết nóng bức hầm hập, trong khung cảnh đơn sơ của sân bay Thủ đô. Ngay con dấu đóng trên Giấy nhập cảnh cho chúng tôi ngày 17/7/1979 thuở ấy của Công an nhân dân vũ trang (khi đó chưa gọi là Biên phòng cửa khẩu) vẫn là tên “CANDVT CỬA KHẨU GIA LÂM”.

“Đường trời” ngày trở về và Nội Bài 45 năm trước là như thế.

Chuyện tạm trú và đong gạo ngày ấy

Việc đầu tiên sau khi về là phải khai báo tạm trú với Công an. Có chứng nhận tạm trú mới được đong gạo theo tiêu chuẩn, còn phiếu thực phẩm không có.

Hết 3 tháng tạm trú được đong gạo tiêu chuẩn 13 cân một tháng, chưa có giấy gọi đi làm, lại ra Cơ quan Công an để gia hạn tạm trú rồi sang Phòng Lương thực để xin giấy đong gạo. Cứ 3 tháng một lần phải làm như thế vì chưa đi làm là chưa cho phép nhập lại hộ khẩu về gia đình hay vào cơ quan nào đó. Chỉ được phép tạm trú và không có “tạm trú” là không có… gạo!

Sang đến lần tạm trú thứ 3 thì không được phép tạm trú liền 3 tháng nữa, chỉ được phép tháng một. Tiêu chuẩn gạo không còn 13 cân nữa, rút xuống còn 10 cân mỗi tháng.

Tờ giấy thu hồi hộ chiếu được Sứ quán Việt Nam ở Liên Xô cấp ngày 15/7/1979, một ngày trước khi lên máy bay về nước, chúng tôi phải giữ như giữ báu vật, phải có tờ giấy này mới đăng ký được tạm trú và đong gạo.

Ngay ở dưới chỗ đóng “triện” đỏ của tờ giấy này đã ghi rành rành, rõ ràng như thế. Dù tờ thu hồi hộ chiếu chữ đánh máy nhòe nhoẹt trên giấy không lấy gì làm trắng và rất bở, nhưng phải giữ nó vô cùng cẩn thận. Mất tờ giấy đó thì đố mà chứng minh được với “nhà chức trách” mình là ai. Mất hoặc nhòe chữ thì... không biết chuyện gì sẽ diễn ra. Thậm chí mỗi lần đi gia hạn tạm trú hoặc đăng ký gạo cũng phải lựa lời với các anh, các chị “chức trách” nhè nhẹ tay ký kẻo… rách giấy của em.

Hà Nội đã có một thời như thế…

Đọc thêm