Bảo vật quốc gia tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 4 hiện vật vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Di sản Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, mỗi bảo vật kết tinh trong đó là câu chuyện về về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước có từ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm.
Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia. (Ảnh: Trần Đức Khôi)
Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia. (Ảnh: Trần Đức Khôi)

Lá đề trang trí chim phượng đất nung và đao cẩn tam khí

Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long gồm 2 phần: thân và bệ. Thân lá đề gồm cuống và lá, phần cuống đã bị mất, phần lá có hình dáng như 1/2 hình lá cây Bồ đề theo chiều bổ dọc từ đỉnh đến cuống lá. Hai mặt trang trí hình chim phượng ở tư thế nhảy múa trên hoa lá.

Lá đề trang trí chim Phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long là phiên bản còn đầy đủ và đẹp nhất. Đồ án thể hiện hình chim phượng đang nhảy múa trên hoa sen, đầu ngẩng cao, hai mỏ chụm lại, một chân co, một chân làm trụ tạo cảm giác như đang nhún nhảy trên nền hoa dây lá. Chim phượng có mỏ to và mào lớn hướng về phía trước giống như mỏ và mào của chim công; mắt, hàm to và tròn giống chim trĩ, hai bên hàm bờm dài uốn ngược về phía trước cùng nhịp với mào và đuôi; cổ cao giống cổ chim công; cánh dang rộng; thân căng tròn, đuôi dài giống như đuôi chim công. Đuôi dài được diễn tả với nhiều lớp, uốn lượn nhiều khúc vút lên đỉnh lá đề. Thân không có vảy mà được đặc tả bằng những lớp lông rất chi tiết.

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long có cấu tạo gồm hai phần thân và cán. Phần cán chỉ còn lại lõi thép bên trong dài 18,5cm, lá chắn, chuôi và chốt chuôi đều đã mất. Thân đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long dài 64cm. Đồ án hoa văn có thể được chia làm 3 phần, tính từ cán đến mũi. Phần thứ nhất, tiếp giáp giữa thân và cán là bố cục hai lớp cánh sen, giữa hai lớp là các đường chỉ chìm và chấm tròn, tạo cảm giác làm nền cho đồ án hoa văn tiếp theo. Phần thứ hai trang trí đồ án dây lá, lá lật hình sin theo quy luật lá màu trắng ứng với lá vàng. Bao quanh dải dây lá là các đường chỉ mảnh nhưng rõ ràng. Phần thứ ba: Cấu trúc khá phức tạp gồm nhiều đồ án trải dài từ phần giữa thân Đao đến đầu mũi. Các đồ án từ giữa đến mũi gồm: đồ án hình người được thể hiện ở tư thế nhảy múa, hai tay nâng cao trên đầu như đang nâng đỡ vật gì đó; cụm đồ án với một bông hoa 5 cánh lớn ở trung tâm, dây lá phát triển ra hai bên và ngoài cùng là đồ án thụy vân - vân mây tốt lành.

Đao cẩn tam khí thời Trần. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)

Đao cẩn tam khí thời Trần. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)

Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung và Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ

Thẻ là tấm hợp kim đồng, phẳng, mỏng, hình thang cân, hai góc của cạnh trên của hình thang được tỉa cong. Thẻ cao 12,7cm; cạnh dưới rộng 4,9cm. Hai mặt có khắc chữ Hán, nét chữ khắc sâu, rõ ràng. Mặt thứ nhất khắc 5 chữ được dịch: Cung nữ xuất mãi bài. Mặt thứ hai, tức là mặt sau của thẻ khắc chữ được dịch (Cung tự ngũ hiệu”; và (Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo) nghĩa là (tháng 4, năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, năm 1466).

Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê Sơ gồm 3 phần: nền, bộ khung cột chịu lực và bộ mái. Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long thực chất là phần còn lại một công trình hoàn thiện. Phần còn lại này bao gồm một phần của bộ mái và một phần của bộ khung kết cấu.

Bộ khung đầy đủ bao gồm hệ cột, xà và hệ đấu củng. Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long còn lại một phần phía trên của bộ khung gồm: hệ cột, hệ xà; hệ đấu củng. Trong đó, hệ cột gồm cột cái, cột quân; hệ xà có các cấu kiện: câu đầu, xà thượng, xà hạ; Hệ đấu củng gồm các cấu kiện: đấu, củng, ang và xà vuông. Bộ khung được phủ men màu vàng, sắc độ đậm, thường được gọi là men màu da lươn. Hệ cột có tổng cộng 16 cột, trong đó có 04 cột lớn thường gọi là cột cái và 12 cột nhỏ, thường gọi là cột hàng hiên và cột quân. Kiến trúc có cấu trúc một gian, hai chái, gian. Các đấu có hình dáng, đấu vuông, thót đáy; đầu dư phía ngoài của xà hiên được trang trí hình đầu rồng, miệng ngậm ngọc, ang có lưỡi. Bộ mái đầy đủ bao gồm: bộ khung đỡ mái có các cấu kiện; hoành, rui, ngói và các bộ phận khác trên mái. Cấu trúc của hiện vật cho thấy bộ mái đầy đủ vốn có của Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long là cấu trúc hai tầng, 8 mái hoặc hai tầng mái. Phần còn lại là tầng mái thứ nhất, tầng mái thứ hai chưa được tìm thấy. Ngói dương diềm mái có đầu tròn, trang trí bông hoa. Ngói được phủ men xanh lục.

Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê Sơ. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)

Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê Sơ. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)

Như vậy, tại Hoàng thành Thăng Long đang lưu giữ 11 Bảo vật quốc gia: Bộ thành bậc Điện Kính Thiên thời Lê sơ, Đầu rồng thời Trần, Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, Súng thần công thời Lê trung hưng, Thành bậc Điện Kính Thiên thời Lê trung hưng, 2 bát sứ ngự dụng thời Lê sơ, Tượng An Dương Vương và 4 bảo vật vừa được công nhận…

Giữ gìn và lan tỏa bảo vật quốc gia

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đang nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, trong đó chú trọng công tác bảo vệ, bảo quản các bảo vật theo quy trình khoa học, phù hợp với từng chất liệu hiện vật. Từng bảo vật quốc gia đều được tạo mã QR code, được quản lý qua ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy giá trị bảo vật, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ bảo vật.

Di sản không thể tạo ra được, bảo vật quốc gia cũng như vậy. Không có bài học lịch sử nào sống động bằng chính các hiện vật của cha ông vượt qua được sự tàn phá của thời gian và còn tồn tại đến thế hệ hôm nay. Với những giá trị quý, công tác quảng bá hình ảnh, phát huy giá trị bảo vật quốc gia có nhiều ý nghĩa, vừa làm sống lại bảo vật và không gian lưu giữ bảo vật, vừa nâng cao ý thức giữ gìn, trân quý giá trị bảo vật của cộng đồng. Đây cũng là lợi thế, tăng sức hấp dẫn để Hoàng Thành Thăng Long thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng. Hiện, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai nhiều cách thức phát huy phong phú nhằm đưa bảo vật quốc gia đến gần hơn với công chúng như: quảng bá trên các websit, xây dựng các video clip giới thiệu bảo vật quốc gia...

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang và sẽ đưa công nghệ, áp dụng công nghệ vào để công chúng hiểu được rằng, cách đây hàng trăm năm, với bàn tay người thợ mà lại có được những sản phẩm quý giá đến như vậy”.

Những cổ vật khi đã trở thành bảo vật quốc gia là có một đời sống khác. Nhiều nỗ lực từ phía Nhà nước và tư nhân đang được triển khai để bảo vật cất lên tiếng nói, phát huy những giá trị trường tồn, không bị lớp bụi thời gian phủ mờ qua năm tháng. Qua đó góp phần để những Bảo vật quốc gia không ngủ yên trong kho lưu giữ mà có sức sống trong dòng chảy đương đại.

Những giá trị văn hóa, lịch sử của các bảo vật quốc gia đang được lan tỏa một cách trọn vẹn. Sự phối hợp giữa các bảo tàng, di tích với du lịch, truyền thông và công nghệ giúp các bảo vật quốc gia niên đại hàng trăm, hàng nghìn năm được đánh thức.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình - Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).

Năm 2010, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.