Bảo vệ, quảng bá biểu tượng văn hóa: Không để biểu tượng văn hóa bị lợi dụng

(PLVN) - Xung quanh việc nữ ca sĩ Kacey Musgraves diện áo dài Việt nhưng “quên” mặc quần và tạo dáng phản cảm trong một sự kiện mới đây tại Dallas (Mỹ) đã khiến không chỉ dư luận Việt mà cả giới nghệ sĩ cũng vô cùng bức xúc. 
 Áo dài Việt Nam vừa kín đáo, vừa tôn lên vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ.
Áo dài Việt Nam vừa kín đáo, vừa tôn lên vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ.

Chọn trang phục cần tôn trọng văn hoá bản địa

Mới đây, khi nữ ca sĩ người Mỹ từng đoạt giải Grammy - Kacey Musgraves đăng loạt ảnh mặc áo dài nhưng không quần theo phong cách truyền thống của Việt Nam trên Instagram đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Những ngày qua, dư luận mạng xã hội nhanh chóng chia sẻ, rất nhiều người Việt vào trang cá nhân chính thức của Kacey yêu cầu cô gỡ bỏ hình ảnh, đồng thời đưa ra lời xin lỗi. Cư dân mạng không ngần ngại sử dụng những từ ngữ như “thật lố bịch”, “thật đáng xấu hổ”, “hành động quá tệ…”, “báng bổ văn hoá”, “vô cùng phản cảm”…

Nữ ca sĩ Kacey Musgraves diện áo dài Việt nhưng “quên” mặc quần gây phản cảm.
  Nữ ca sĩ Kacey Musgraves diện áo dài Việt nhưng “quên” mặc quần gây phản cảm.

“Áo dài” cùng với một số từ vựng tiếng Việt như “nem”, “phở”, “nước mắm”, “bún chả” đã được ghi nhận và xuất hiện trong từ điển Webster’s New World College Dictionary – một trong những hệ thống từ điển lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ (lần đầu xuất bản năm 1951).

Theo đó, “áo dài” được định nghĩa là “the traditional costume of Vietnamese women, consisting of a long, high-necked, close-fitting tunic split along the side to the waist and worn over loose-fitting trousers” (tạm dịch: áo dài là một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, bao gồm một chiếc áo dài, cổ cao, bó sát dọc theo bên hông đến thắt lưng và mặc trên một chiếc quần ống rộng).

Mặt khác, “áo dài” Việt Nam đã bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới từ sớm hơn, khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Tư liệu về áo dài được ghi lại bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của rất nhiều nhà văn, nhà báo và du khách phương Tây, ghi chép và khen ngợi tà áo dài - một biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt.Nhiều người nổi tiếng như diễn viên Ngô Thanh Vân, Hoa hậu Ngọc Hân, beauty blogger Michelle Phan, nghệ nhân áo dài Lan Hương, nhà thiết kế Sĩ Hùng… cũng lên tiếng chỉ trích hành động của cô ca sĩ này là “thiếu hiểu biết”, “thiếu thẩm mỹ”, “coi thường văn hoá của một quốc gia”, “hành vi lệch lạc”… Tuy vậy, cũng có một bộ phận đưa ra ý kiến trái chiều như: “Hiện không có quy định nào bắt buộc áo dài phải mặc đúng như cách mặc truyền thống của người Việt, thời trang cần phá cách…

Việc người dân Việt có phản ứng mạnh mẽ khi chiếc áo dài bị mặc sai cách là điều dễ hiểu. Bởi áo dài từ lâu đã được nhận diện là trang phục truyền thống của Việt Nam, được người Việt coi là “quốc phục”. Phẩm chất đặc biệt nhất của áo dài thể hiện ở sự kín đáo, nữ tính mà không kém phần quyến rũ khi tôn lên vẻ đẹp, đường cong của người phụ nữ.

Chính vì vẻ đẹp này mà rất nhiều phụ nữ nước ngoài luôn giành cho thời trang áo dài của Việt Nam sự thán phục và ngưỡng mộ.

Nhiều nữ chính khách và nhiều người nổi tiếng nước ngoài tới Việt Nam đều có ít nhất một bộ áo dài để mặc vào những sự kiện quan trọng. Còn phụ nữ Việt Nam thì hầu như ai, ở mọi độ tuổi, ngành nghề, cấp bậc, dù ở trong nước hay ngoài nước đều có những bộ áo dài để mặc vào các sự kiện quan trọng.

Theo đó, việc mặc áo dài cũng có những quy định bất thành văn, không phải lúc nào cũng ứng dụng trang phục một cách bừa bãi.

Như Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ, khi sang nước ngoài, cô đều tìm hiểu, cân nhắc sao cho phù hợp nếu muốn sử dụng hình ảnh, kiến trúc của đất nước đó để in lên áo dài cho phù hợp, thể hiện sự tôn trọng văn hoá bản địa.

Chẳng hạn trong bữa tiệc văn hóa ở Nga, cô chọn mặc áo dài in hình búp bê Nga và được các khách mời quan tâm, thiện cảm.

Mỗi người có thể sáng tạo, biến hóa trang phục nhưng phải dựa trên những điều cơ bản. Và như vậy, nữ ca sĩ người Mỹ mới chỉ mặc “một nửa của bộ trang phục” là điều khó chấp nhận với người Việt Nam.

Bài học từ nước Nhật

Có thể hiểu, trang phục là lựa chọn cá nhân nhằm thể hiện tính cách của mỗi người.

Tuy nhiên, khi trang phục được lựa chọn gắn với hình ảnh văn hoá biểu tượng của một quốc gia lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Không chỉ Kacey Musgraves, nhiều người nổi tiếng khác cũng từng dính bê bối liên quan tới “xâm phạm văn hoá, lợi dụng văn hoá nước khác để đánh bóng tên tuổi”.

Giữa năm 2019, ngôi sao thực tế người Mỹ Kim Kardashian đã cho ra thương hiệu đồ lót mang tên “Kimono Solutionwear”. Hành động này đã vướng phải sự phản ứng dữ dội từ phía người Nhật Bản.

Ngay cả ông Hiroshige Seko - Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng gửi gắm sự phản đối trên mạng xã hội twitter rằng: “Tôi hy vọng sẽ có một buổi làm việc với Văn phòng nhãn hiệu và bằng sáng chế của Hoa Kỳ để làm rõ ứng dụng tên kimono trên nhãn hiệu này đã phù hợp”. 

Theo tờ AP, ông Daisaku Kadokawa - Thị trưởng thành phố Kyoto đã viết một bức thư cho Kardashian kêu gọi cô xem xét lại. Trong thư, ông Kadokawa gửi lời mời cho ngôi sao thực tế đến thăm Kyoto để trải nghiệm bản chất văn hoá kimono”, vốn được coi là “thành quả của nghề thủ công”, “thực sự tượng trưng cho thẩm mỹ, tinh thần và giá trị của Nhật Bản”.

Ông cũng nhấn mạnh: “Tên của kimono là một tài sản được chia sẻ với cả thế giới, đặc biệt những người yêu thích kimono và văn hoá Nhật Bản, do đó cái tên này không thể đăng ký độc quyền cho một nhãn hiệu thương mại nào”.

Đồng thời, Thị trưởng Kyoto cũng đang vận động để kimono được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Mặc dù, không hề diễn ra những tranh chấp gay gắt về mặt pháp lý, nhưng với sự bền bỉ của người Nhật Bản, Kim Kardarshian đã quyết định rút tên “Kimono” ra khỏi thương hiệu Solutionwear của mình, theo chia sẻ của cô trên Twitter.

Bộ sưu tập áo dài của NTK Việt xuất hiện tại Tuần lễ thời trang cao cấp Paris 2018.
 Bộ sưu tập áo dài của NTK Việt xuất hiện tại Tuần lễ thời trang cao cấp Paris 2018.

Sở dĩ nhắc tới câu chuyện trên bởi áo dài cũng là một cầu nối văn hoá đặc biệt của Việt Nam đến bạn bè thế giới, thông qua các chương trình văn hóa mang tính quốc tế.

Đặc biệt, nhiều năm qua biểu tượng áo dài đã có mặt ở nhiều lễ hội, sàn diễn, hội thảo, triển lãm quốc tế bởi nhiều nỗ lực của các nghệ sĩ, nhà văn hoá nhằm đưa “áo dài” sánh ngang với 12 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca Trù, hát Xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ, nghi lễ và trò chơi kéo co, hát dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ …

Hình ảnh áo dài Việt Nam cũng ngày càng hiện diện nhiều hơn trên các sàn diễn thời trang quốc tế như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản),… và cả thánh đường thời trang Paris (Pháp).

Quả thực, đây cũng không phải lần đầu tiên “áo dài” hay một biểu tượng văn hoá của Việt Nam bị biến tướng trên thế giới. “Xâm phạm văn hoá” và “lợi dụng văn hoá” đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, chứ không riêng Việt Nam. Bởi những tinh tuý hồn cốt văn hoá của một dân tộc có thể dễ dàng bị “ăn cắp”, “lạm dụng” để phục vụ mục đích cá nhân, hoặc một tổ chức, trong môi trường thế giới phẳng như hiện nay. 

Thiết nghĩ, khó có thể tìm ra một cơ chế xử phạt hoặc cưỡng chế cô ca sĩ người Mỹ kia phải dừng cách mặc áo dài phản cảm. Nhưng tiếng nói của dư luận sẽ góp phần không nhỏ để thay đổi nhận thức của cô ca sĩ, cũng như là một lời khẳng định đến với bạn bè quốc tế về cách người Việt bảo vệ biểu tượng văn hoá truyền thống của nước nhà. 

Xa hơn, câu chuyện đặt ra thách thức rằng người Việt Nam muốn bảo vệ “áo dài”, như người Nhật muốn bảo vệ “kimono”, cần có định hướng cụ thể và nỗ lực bền bỉ, tích cực để trang phục truyền thống của ta thật sự có được sự hiện diện toàn cầu, được thế giới công nhận là “quốc phục” của người Việt và không thể bị xâm phạm một cách tuỳ tiện. 

“Bà Katherine Muller – Marin, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam luôn diện trang phục thời trang áo dài truyền thống của Việt Nam trong hầu hết các sự kiện lớn tại Việt Nam và cũng là người thổi hồn tà áo dài truyền thống đến thế giới khi diện áo dài ở các sự kiện, dịp lễ, tết.

Có thể nói có rất nhiều đối tượng là người nước ngoài mê áo dài là công nương, hoa hậu, nghệ sĩ hay ca sĩ, người mẫu. Mang tà áo dài Việt Nam đi giới thiệu khắp các nước trên thế giới, ở đâu tôi cũng đón nhận được sự trân quý, ngưỡng mộ không chỉ của phụ nữ mà của cả những người đàn ông về trang phục áo dài của Việt Nam.

Việc nữ ca sĩ người Mỹ mặc áo dài với nội y là một trường hợp cá biệt và tôi cho rằng ở đây không chỉ ở sự thiếu hiểu biết mà thẩm mỹ của nữ ca sĩ này rất có vấn đề” - Nghệ nhân áo dài Lan Hương.

“Việc mặc áo dài giống Musgraves chẳng khác nào đàn ông mặc vest không quần. Đúng là trông cô ấy thật sexy với trang phục này nhưng mọi sự sáng tạo nên tôn trọng giá trị văn hoá truyền thống. Mặc áo dài là điều tuyệt vời. Nhưng bạn nên mặc quần, nếu không trông bạn chẳng khác gì một mớ hỗn độn” - Beauty blogger người Mỹ gốc Việt Michelle Phan.

 “Quốc phục liên quan đến văn hóa, hình ảnh của một đất nước. Bất kỳ dân tộc nào cũng có lòng tự tôn, tự hào. Khi một ai đó đụng chạm, làm sai văn hóa của đất nước đó, người dân sẽ phản ứng. Đụng chạm đến văn hóa rất nhạy cảm. Kacey yêu thích trang phục áo dài của Việt Nam thì nên thể hiện trọn vẹn tình cảm đó bằng cách tìm hiểu và mặc đúng hơn” - Hoa hậu Ngọc Hân.

“Trước khi mặc bộ trang phục truyền thống của một đất nước nào thì cũng nên tìm hiểu cho kỹ hoặc làm ơn tìm kiếm thông tin để xem nước người ta mặc nó như thế nào. Thời đại gì rồi? Điện thoại cũng đã làm bạn thông minh lên gấp bội phần rồi đấy chứ. Vậy tại sao? Cảm thấy bị xúc phạm khi nhìn thấy hình ảnh này. Đây là hành vi thiếu tôn trọng và cho thấy sự thiếu kiến thức của một nghệ sĩ” - Diễn viên Ngô Thanh Vân.

“Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận việc cô ca sĩ người Mỹ mặc áo dài theo hướng tích cực. Nghĩa là có rất nhiều trang phục nhưng cô ấy chọn áo dài. Điều đó chứng tỏ cô ấy bị thu hút và yêu thích áo dài. Trong khi đó, trên thế giới các nhà thiết kế phải trả tiền để các nghệ sĩ mặc đồ của họ. Vì thế, thay vì “ném đá”, tẩy chay cô ấy, tại sao chúng ta không góp ý chân thành? Nếu được, tôi sẵn sàng tặng cô ấy một bộ áo dài đẹp để cô ấy hiểu hơn về trang phục của Việt Nam. Biết đâu, khi mình góp ý nhẹ nhàng, mang tính xây dựng, cô ấy càng có thiện cảm với áo dài và giúp giới thiệu hình ảnh quốc phục Việt ra thế giới?” - Nhà thiết kế Sỹ Hoàng.

Diệu Bảo (tổng hợp)