Bất hạnh bao trùm gia đình 4 người ai cũng tật nguyền

(PLO) -“Không chỉ câm điếc, mà mười mấy năm nay nó chỉ nằm một chỗ, thân xác cứ chết dần chết mòn. Tôi thì già yếu lắm rồi, nay lại mang bệnh tai biến, lại làm khổ cho thằng Thạnh nữa. Sao gia đình tôi lại bất hạnh đến thế này chứ”, giọng cụ Bơi yếu ớt.
Các thành viên trong gia đình đều mang bệnh tật, không có khả năng lao động.
Các thành viên trong gia đình đều mang bệnh tật, không có khả năng lao động.

Tận cùng của đau thương

Đi sâu vào con hẻm nhỏ hẹp thôn Gia Thạnh (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), chúng tôi bắt gặp cảnh một người đàn ông gầy yếu đang bế mẹ của mình từ ngoài cửa đi vào nhà. 

Gặp chúng tôi, người đàn ông này chỉ dùng cử chỉ bằng tay chứ nói không ra tiếng. Bên trong, một người phụ nữ đang ngơ ngơ ngác ngác nhìn đứa con bị mất một cánh tay đang nằm ho sù sụ trên giường. Đó là nhà của gia đình ông Phạm Văn Thạnh.

Căn nhà của gia đình ông Thạnh nằm phía sau những căn nhà của thôn Gia Thạnh. Căn nhà rộng chừng 30m2, chỉ đủ để nhét 3 chiếc giường tre xộc xệch, muốn gãy lúc nào không không. Kế đó là lỉnh kỉnh những vật dụng cũ kĩ, những bộ quần áo bạc nhàu, vài khoảng tường mục nát bị bong ra, lộ rõ mảng gạch.

Ở góc nhỏ đối diện với cửa ra vào là bàn thờ be bé. Cạnh cửa ra vào là mấy chiếc ghế gỗ mục nát, với vài ba chiếc thúng rách tả tơi. Đó là tất cả những tài sản trong ngôi nhà của gia đình nghèo rớt mồng tơi này.

Thấy có khách, người phụ nữ ngơ ngác nhìn chằm chằm rồi bất giác đi tìm ghế mời khách ngồi. Đó là bà Nguyễn Thị Liễu (56 tuổi, vợ ông Thạnh). Ngồi trò chuyện, bà Liễu nói tiếng được tiếng mất, đôi lúc nhớ nhớ quên quên. Trong khi cụ Nguyễn Thị Bơi (85 tuổi, mẹ ông Thạnh) giọng rất yếu ớt. Nói đoạn lại ngắt quãng, thở hổn hển. Còn ông Thạnh chỉ biết dùng cử chỉ để thay cho lời nói.

Hôm ấy, chúng tôi được chị Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cát Minh dẫn đến nhà. Có lẽ chị Lan hiểu hơn ai hết hoàn cảnh đáng thương của gia đình bất hạnh này.

Theo lời kể của chị Lan, bản thân ông Thạnh sinh đã bị bệnh câm điếc, sức khỏe lại yếu ông không làm được việc gì nặng nhọc, mà chỉ quanh quẩn ở nhà, rồi làm vài ba sào ruộng cùng với mẹ để duy trì cuộc sống.

Em Hổ liệt nằm một chỗ đã 14 năm nay.
Em Hổ liệt nằm một chỗ đã 14 năm nay.

Cách đây hơn 20 năm, ở trong thôn cũng có bà Liễu mang bệnh nhưng ngoài những lúc nhớ nhớ quên quên, người phụ nữ này nói năng bình thường và rất chịu khó làm lụng. Thế là duyên nợ đến, hai người cảm thông cho hoàn cảnh của nhau rồi nên duyên vợ chồng.

Cưới nhau được vài năm, vợ chồng ông Thạnh sinh được đứa con trai đầu lòng đặt tên là Phạm Văn Hổ (19 tuổi). Tuy nhiên, cũng giống như cha, ngay từ nhỏ Hổ không nói năng được gì. Cứ tưởng có đứa con là mừng lắm rồi, nhưng nghiệt ngã thay, bất hạnh một lần nữa lại đè lên gia đình này.

Theo đó, khi lên 5 tuổi, trong một lần theo mẹ đi làm gạch ngói, Hổ bị máy gạch cuốn làm đứt lìa cánh tay phải. Cũng từ đó, cơ thể em bắt đầu yếu dần và toàn thân bại biệt, cánh tay còn lại và hai chân co rút dần, đến nay chỉ còn da bọc xương.

“Đến nay đã 14 năm Hổ nằm liệt trên giường một chỗ. Cũng từ đó, mọi sinh hoạt của Hổ đều do một tay người cha câm điếc chăm lo. Trong khi chồng ở nhà chăm lo cho con thì bà Liễu đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Ai thuê gì bà cũng làm, hễ sao ngày kiếm được vài ba chục để lo cho gia đình.

Tuy nhiên, khoảng 7 năm trở lại đây, bệnh của bà Liễu trở nên trầm trọng. Bà thường hay ngơ ngơ ngác ngác, làm trước quên sau, không nhớ gì cả nên không ai dám thuê bà nữa. Chưa hết, những lúc trái gió trở trời, bà dường như không biết gì”, chị Lan cho biết.

Tưởng như thế là bất hạnh lắm rồi, nào ngờ đâu, cách đây 5 năm, tai họa một lần nữa lại ập đến với gia đình này. Đó là người mẹ của ông Thạnh tuổi cao sức yếu rồi mắc bệnh tai biến. Đến nay, cụ Bơi chỉ ngồi một chỗ, không đi đứng được. Mọi sinh hoạt đều nhờ vào con trai của mình.

Giọng cụ Bơi yếu ớt: “Vợ chồng tôi sinh được thằng Thạnh thì ông nhà tôi mất. Cứ tưởng hoàn cảnh gia đình như thế thì ngặt nghèo lắm rồi, nào ngờ thằng cháu tôi còn bất hạnh hơn. Không chỉ câm điếc, mà mười mấy năm nay nó chỉ nằm một chỗ, thân xác cứ chết dần chết mòn. Tôi thì già yếu lắm rồi, nay lại mang bệnh tai biến, lại làm khổ cho thằng Thạnh nữa. Sao gia đình tôi lại bất hạnh đến thế này chứ”.

Cần lắm sự sẻ chia

Thật sự khi nhìn thể trạng của em Hổ, chúng tôi không khỏi đau lòng với một cậu thiếu niên 19 tuổi giờ đây như một ông già nằm co cụm, yếu ớt trên chiếc giường tre cũ kỹ. Lúc chúng tôi đưa tay nắm lấy tay còn lại của Hổ, Hổ như nhận ra được điều gì đó nên dòng nước mắt cứ rưng rưng.

Có lẽ, người mẹ ngơ ngơ ngác ngác như bà Liễu, lúc tỉnh táo cũng hiểu được hoàn cảnh éo le của gia đình và thương cho đứa con bất hạnh của mình nên trong lúc chúng tôi trò chuyện, bà lại tiếng một tiếng hai: “Thương nó lắm! Nhưng nhà tôi nghèo quá, không lo được gì cho nó hết. Nó như thế này, tôi sợ nó chết trước chúng tôi thôi”.

Theo chị Lan, cuộc sống tuy cơ cực, lại bệnh tật gieo rắc nhưng cả gia đình ông Thạnh chung sống rất hòa thuận. “Ở đây thì ai cũng biết gia đình ông Thạnh là khổ nhất. Dù bà Liễu có ngơ ngơ ngác ngác nhưng bà chưa bao giờ lớn tiếng trong gia đình, cũng không bao giờ gây chuyện bên ngoài. Tuy bệnh tật nhưng họ hiền lành, thật thà nên người trong thôn ai cũng quý”, chị Lan cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thu nhập của gia đình ông Thạnh hiện giờ chỉ trông vào số tiền chế độ dành cho người khuyết tật của các thành viên trong gia đình và mấy sào ruộng cằn cỗi vì thiếu người chăm sóc. Năm nào được mùa thì còn tạm đủ ăn, những năm thất bát thì chỉ trông chờ vào hàng xóm.

Nhìn cảnh đời khốn khó của gia đình ông Thạnh, nhiều người hàng xóm xung quanh đã kêu gọi nhau quyên góp, ủng hộ để gia đình ông có được cuộc sống ổn định hơn. Người có nhiều thì giúp vài ba trăm ngàn, người có ít thì giúp vài cân gạo, ký thịt, con cá. “Ở đây bà con cũng tốt bụng, giúp đỡ gia đình tôi lúc khó khăn. Tôi luôn biết ơn bà con”, giọng cụ Bơi yếu ớt.

Gia đình bất hạnh này cần lắm sự sẻ chia.
Gia đình bất hạnh này cần lắm sự sẻ chia.

Chị Tô Thị Thu Nguyệt, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Người tình nguyện Chữ thập đỏ huyện Phù Cát chia sẻ: “CLB làm từ thiện bao lâu nay, chúng tôi chưa gặp hoàn cảnh nào bất hạnh như vậy. Lần đầu tiên biết được hoàn cảnh của gia đình ông Thạnh, đặc biệt là bệnh tật của cháu Hổ, tôi không sao kìm được nước mắt. Tôi chỉ mong có một phép màu nào đó giúp đỡ cho gia đình ông Thạnh vượt qua cơn khốn khó”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng thôn Gia Thạnh, cho biết: “Gia đình ông Thạnh có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Bà con ở đây cũng thường xuyên giúp đỡ gia đình ông, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám không thoát ra được vì cả 4 người trong gia đình đều mang bệnh tật ngặt nghèo. Chính quyền nắm rất rõ hoàn cảnh của gia đình ông nên đã quan tâm giúp đỡ như cấp bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, thường xuyên thăm hỏi động viên”.

Rời căn nhà mái tiều tụy, chúng tôi không khỏi tiếc thương cho số phận của 4 con người mang 4 số phận hẩm hiu này. Mùa đông sắp tới, các cơn mưa, bão lớn không ngừng kéo đến, rồi họ sẽ phải sống ra sao khi mà sức khỏe thì yếu mà cơ sở vật chất của gia đình lại chẳng có gì đáng giá. Nhiều thành viên trong gia đình, tuổi cũng đã cao, sức khỏe ngày càng yếu không biết rằng rồi mai này họ sẽ phải nương tựa vào đâu để tiếp tục cuộc sống này.

Bạn đọc và tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ gia đình ông Thạnh, xin liên hệ chị Tô Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Người tình nguyện Chữ thập đỏ huyện Phù Cát (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định); số điện thoại chị Nguyệt: 0914.585.836.

Đọc thêm