Tận cùng của sự bất hạnh
Vừa dẫn chúng tôi đi vào con đường nhỏ hẹp cuối thôn Tân Quang (xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), anh Nguyễn Trần Khiêm (Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật Niềm tin Vân Canh) vừa kể về số phận nghiệt ngã của một gia đình có thể xem là cùng cực ở cái thôn nghèo này.
Rẽ vào một căn nhà cấp 4 cũ kỹ, chúng tôi bắt gặp cảnh một người phụ nữ gầy yếu dùng sức cố đỡ đứa con tật nguyền của mình đang nằm ở chiếc chiếu trải giữa nhà. Người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1971), còn đứa con gái tên Nguyễn Mỹ Hiền (SN 1999). Chị Xuân bảo, nhà chẳng có cái giường nào nên quanh năm suốt tháng 3 thành viên của gia đình trải 2 chiếc chiếu dưới nền để nằm.
Căn nhà của gia đình chẳng vật gì giá trị. Cạnh chiếc chiếu trải giữa nhà là lỉnh kỉnh những vật dụng cũ kĩ, những bộ quần áo bạc nhàu. Ở gian trên của ngôi nhà có chiếc bàn thờ be bé. Cạnh cửa ra vào là mấy chiếc ghế gỗ mục nát, với vài ba chiếc thúng rách. Đó là tất cả những tài sản trong ngôi nhà của gia đình nghèo rớt mồng tơi này.
Theo lời kể của chị Xuân, từ khi mới sinh ra, chân phải của chị đã bị teo, đi đứng rất khó khăn nên không làm được việc gì. Sau khi sinh ra 3 chị em gái thì mẹ mất, từ nhỏ 3 chị em phải ở với người cha bệnh tật. Lớn lên 2 chị gái lấy chồng rồi ra ở riêng nhưng đến nay cuộc sống vẫn nghèo khó.
Chị Xuân cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, cha tôi bệnh nặng nên qua đời. Ông để lại căn nhà này cho tôi ở. Nhưng vì tật nguyền tôi chẳng làm được gì nên sống nhờ sự cưu mang của bà con xóm giếng. Rồi may sao, tôi gặp được anh ấy. Anh ấy cưới tôi làm vợ, rồi chuyển về đây sống với tôi”.
Anh ấy đó là chồng của chị Xuân tên Phạm Đình Hùng (SN 1968). Hoàn cảnh của anh Hùng cũng chẳng có gì hơn. Quê anh ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), cách quê vợ khoảng 40 cây số. Người cha vì bệnh tật nên qua đời, mẹ đi lấy chồng khác, anh phải sống với người bác, khi lên 10 thì rong ruổi nơi này nơi nọ ở Bình Định, Gia Lai làm thuê kiếm sống. Rồi trong một lần làm thuê ở Vân Canh, anh gặp chị Xuân và nên duyên vợ chồng.
Hai mảnh đời bất hạnh ghép lại được một thời gian ngắn thì sinh được cô con gái. Ai ngờ, cuộc sống lại thêm phần đắng cay khi đứa con gái lại bị liệt, chỉ nằm một chỗ. “Buổi sáng, anh ấy dậy lo vệ sinh cá nhân cho Hiền rồi mới đi làm. Trưa về cũng phải lo cho con, tối cũng thế. Tôi chỉ phụ những việc lặt vặt rất nhẹ thôi, vì tay chân rất yếu, còn việc ẵm bồng cháu thì anh lo”, chị Xuân cho biết.
|
Mẹ con chị Xuân đều bị liệt bẩm sinh. |
Cuộc sống nghèo khó nên ai thuê gì anh Hùng làm nấy để kiếm tiền lo cho vợ con tật nguyền. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, hai mắt anh Hùng mờ dần. Đến nay, mắt bên trái đã mờ hẳn, mất khả năng nhìn, không còn khả năng lao động; mắt bên phải chỉ còn 50% thị lực.
Chị Xuân tâm sự: “Khi hai mắt mới bị mờ, ảnh còn cố gắng đi làm thuê để ngày kiếm năm bảy chục lo cho vợ con. Nhưng cả năm nay, một bên mắt của ảnh đã mờ hẳn, bên còn lại thì yếu dần nên ảnh không làm được gì cả. Hôm nay, ảnh bị sốt nặng nên được mấy người hàng xóm tốt bụng dẫn đến bệnh viện điều trị rồi. Tôi lo cho ảnh lắm”.
Cần lắm sự sẻ chia
Thật sự khi nhìn thân hình của hai mẹ con chị Xuân, chúng tôi không khỏi đau lòng, bởi thể trạng rất yếu ớt, đặc biệt là Hiền. Em chỉ nằm co cụm, yếu ớt trên chiếc chiếu giữa nhà, khi nào mỏi thì nhờ mẹ dùng chút sức lực ít ỏi đỡ dậy ngồi một lát rồi lại nằm tiếp. Lúc chúng tôi đưa tay nắm lấy tay Hiền, em như nhận ra được điều gì đó nên dòng nước mắt cứ rưng rưng.
Giọng yếu ớt, chị Xuân rưng rưng: “Thương con lắm! Nhưng tôi tật nguyền thì biết làm được gì cho con. Lúc trước còn có ảnh, giờ thì cả 3 đều tật nguyền như nhau. Từ ngày ảnh không lao động được, gạo cũng không có mà ăn, phải nhờ đến bà con hàng xóm. May mà mỗi lúc đau bệnh, còn có bảo hiểm y tế để đến bệnh viện khám”.
Theo anh Khiêm, cuộc sống tuy cơ cực, lại bệnh tật nhưng cả gia đình chị Xuân chung sống rất hòa thuận. “Ở đây, ai cũng biết gia đình vợ chồng chị Xuân là khổ nhất. Dù hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng họ sống rất tình cảm, không ai tiếng nặng tiếng nhẹ gì với nhau cả. Lúc anh Hùng chưa bị bệnh, hàng xóm có nhờ việc gì, hễ rảnh là ảnh chạy làm ngay, không nề hà. Tuy bệnh tật nhưng họ hiền lành, thật thà nên người trong thôn xóm ai cũng quý”, anh Khiêm cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thu nhập của gia đình chị Xuân hiện giờ chỉ trông vào số tiền chế độ dành cho người khuyết tật của chị Xuân và con gái. Mấy sào ruộng của gia đình lúc trước anh Hùng làm để kiếm cái ăn. Nhưng hơn một năm nay, anh không còn sức để làm nữa nên bỏ hoang. Một vài người hàng xóm tốt bụng ra sức làm giúp một đám ruộng nhỏ gần nhà anh, nhưng không đủ gạo cho cả gia đình dùng.
Nhìn cảnh đời khốn khó của gia đình chị Xuân, rnhiều người hàng xóm xung quanh đã kêu gọi nhau quyên góp, ủng hộ để gia đình chị có được cuộc sống ổn định hơn. Người có nhiều thì giúp vài ba trăm ngàn, người có ít thì giúp vài cân gạo, ký thịt, con cá.
“Ở đây bà con cũng tốt bụng, giúp đỡ gia đình tôi lúc khó khăn. Tôi luôn biết ơn bà con nhiều lắm. May mà có bà con hàng xóm lúc này lúc nọ, như lúc sáng họ chở anh Hùng đi nhập viện vì sốt cao, chứ không thì chúng tôi chẳng biết sống chết thế nào nữa”, chị Xuân nghẹn ngào.
Ông Phan Minh Tuấn - Trưởng thôn Tân Quang, cho biết: “Gia đình chị Xuân có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Bà con ở đây cũng thường xuyên giúp đỡ gia đình chị, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám không thoát ra được vì hiện cả 3 người trong gia đình đều mang bệnh tật ngặt nghèo”.
|
Ngôi nhà của gia đình chị Xuân. |
“Vào những ngày lễ, tết, người khuyết tật, Chi hội Người khuyết tật Niềm tin Vân Canh cũng tới hỏi thăm, động viên và cho ít gạo, tiền cho gia đình chị Xuân, mang tính chất lá lành đùm lá rách, thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Chúng tôi rất mong muốn có nhiều nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa để giúp gia đình chị Xuân sớm vượt qua nghịch cảnh trước mắt, sớm ổn định cuộc sống”, anh Khiêm cho biết.
Rời căn nhà mái tiều tụy, chúng tôi không khỏi xót xa cho số phận của 3 con người mang 3 số phận hẩm hiu này. Họ sẽ phải sống ra sao khi mà sức khỏe thì yếu mà cơ sở vật chất của gia đình lại chẳng có gì đáng giá. Lúc này đây, cần lắm những tấm lòng san sẻ để giúp đỡ gia đình chị Xuân vượt qua cảnh ngặt nghèo này.
Bạn đọc và tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ gia đình chị Xuân, xin liên hệ chị Nguyễn Thị Thanh Xuân ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định; số điện thoại chị Xuân: 0165.4861.745.