Bất hạnh đeo bám người phụ nữ làm dâu 'gia đình tâm thần'

(PLO) - Dù “chết đi sống lại” sau tai nạn với nhiều thương tật, chị Bình vẫn đang phải đau đáu lo cho số phận những thành viên khác trong gia đình chồng.
Chị Bình nhiều năm chăm sóc mẹ chồng và em chồng bị tâm thần
Chị Bình nhiều năm chăm sóc mẹ chồng và em chồng bị tâm thần

Nguyện đồng cam cộng khổ

Ngày hay tin chị Nguyễn Thị Bình (SN 1978) định lấy anh Phạm Xuân Mỹ (SN 1976, ngụ xóm 18, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), gia đình, bạn bè đều phản đối ra mặt. Họ không chê trách gì anh Mỹ hiền lành, siêng năng, nhưng lo lắng là gia đình anh có nhiều người tâm thần. Chưa kể gia cảnh “nghèo rớt mồng tơi”. 

Nhưng vì tình yêu, chị Bình đã bỏ qua tất cả dị nghị, nguyện đồng cam cộng khổ, cùng anh Mỹ vượt qua mọi khó khăn. Năm 1999, hai người chính thức nên duyên vợ chồng. Dù đã xác định trước tư tưởng, nhưng sau ngày cưới, chị Bình vẫn vấp phải nhiều khó khăn khi chăm nuôi gia đình đặc biệt. 

Mẹ chồng chị, bà Trần Thị Thanh (SN 1953) bị tâm thần đến nay cũng gần 40 năm. Bệnh bắt đầu sau khi bà sinh người con gái đầu lòng, bà bỗng đổi “trái tính, trái nết”, tâm lý bất thường. Những lúc lên cơn, bà thường bỏ nhà đi lang thang, ăn bờ ngủ bụi, chửi bới, đánh đập người khác. Gia đình vội đưa đi chữa trị, nhưng được một thời gian bệnh lại tái phát với mức độ nặng hơn. 

Gia đình có một người “trở chứng” đã khổ, vậy mà sau đó, em chồng chị Bình, anh Phạm Xuân Quyền (SN 1982) cũng phát bệnh như mẹ. Người con bệnh tình nặng hơn nên gia đình phải xích chân để anh khỏi chạy ra ngoài phá phách. Tuy vậy, những lúc điên loạn, anh Quyền vẫn giật đứt xích, bỏ chạy la hét, đập phá tứ tung. 

“Có lần chú ấy lên cơn, chạy ra quốc lộ 1A đập phá hơn chục chiếc xe taxi vì lý do không chở đi. Lần đó, vợ chồng tôi phải bán con trâu, đàn lợn để bồi thường cho người ta”, chị Bình buồn rầu nhớ lại.

Sau đó không lâu, anh Quyền còn chạy vào chợ thị trấn Cầu Giát đập phá đồ điện tử của các cửa hàng. Rất may, bảo vệ nhanh chóng khống chế được anh nên thiệt hại không lớn như lần trước. Không còn sự lựa chọn nào khác, gia đình lại đành xích anh này lại. 

Được một thời gian, vì thương em nên anh Mỹ đã mở khóa cho người em đi đây đó cho khuây khỏa. Nhưng vừa thoát ra khỏi nhà, anh Quyền đã đánh người, vác gậy đập trâu bò, bắt gà vịt, cuối cùng bị người ta vây bắt đánh cho một trận.

Đối với chị Bình, đó chưa phải là nỗi vất vả, cùng cực nhất. Chị khổ nhất là việc bị mẹ chồng làm khó. “Bà vẫn thường hành hạ tôi. Hôm thì chê cơm không ngon, khi thì hất tung cả mâm cơm vì chê ít thức ăn. Ấm ức lắm nhưng tôi phải nín nhịn, sợ lớn tiếng lại thêm nhiều chuyện”, chị Bình nghẹn ngào. 

Anh Mỹ đang phải chịu đựng bệnh u não do không có tiền chữa trị
Anh Mỹ đang phải chịu đựng bệnh u não do không có tiền chữa trị

Hàng ngày, vợ chồng chị cùng người bố chồng thay nhau chăm sóc các thành viên bị bệnh. Từ dỗ dành ăn cơm, tắm rửa đến việc dọn dẹp “bãi chiến trường” do hai người bệnh gây nên trong cơn điên loạn. Không những thế, nhiều lần chị phải gánh những trận đòn thâm da thịt do em chồng đánh. 

“Càng ngày bệnh tình của mẹ và chú càng nặng hơn, nên mỗi năm chúnDo vậy, công việc đồng áng bị ngưng trệ”, anh Mỹ thở dài.

Thảm kịch gia đình

Nỗi vất vả cực nhọc chưa nguôi thì tai ương lại liên tiếp giáng xuống, dồn cả gia đình chị vào đường cùng. Vào khoảng 16h ngày 17/2/2014, chị Bình và bố chồng là ông Phạm Xuân Trị (SN 1950) đi chăm mẹ chồng chị đang hôn mê sâu và em trai đang phát bệnh thần kinh ở TP Vinh về.

Cả hai cùng ngồi băng ghế đầu trên chiếc xe khách 24 chỗ chạy hướng Vinh - Hà Nội. Khi đi đến địa phận xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu), chiếc xe bất ngờ phát nổ, mất lái, đâm trực diện vào xe tải ngược chiều. 

Vụ tai nạn thảm khốc khiến ông Trị cùng một hành khách khác tử vong tại chỗ, 17 người khác bị thương. Chị Bình là nạn nhân nguy kịch. Nhắc lại chuyện cũ, anh Mỹ đau đớn: “Bố và vợ tôi bắt xe về quê chừng hơn tiếng đồng hồ thì tôi nhận được hung tin. Tức tốc bắt xe đến hiện trường, tôi  phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng, bố chết không toàn thây. Chúng tôi phải nhặt từng phần thi thể gói về mai táng”.

Vụ tai nạn “họa vô đơn chí” khiến chị Bình bị bỏng nặng, phải nằm viện điều trị 11 tháng với nhiều cuộc phẫu thuật cắt, ghép thịt trên cơ thể. Tai họa khiến chị vừa phải chịu đau đớn vừa tiêu tốn một khoản tiền “khổng lồ”. 

Anh Mỹ tâm sự, sau khi lo mai táng cho người cha, anh vừa phải chăm sóc vợ đang điều trị ngoài Hà Nội, vừa phải lo sức khỏe mẹ và người em thần kinh. Vì không thể cáng đáng cùng một lúc nhiều việc, anh phải cậy nhờ anh em họ hàng giúp đỡ. 

Riêng với bệnh tình vợ, anh đã phải chạy vạy vay mượn số tiền 800 triệu đồng. Đó không những tiền vay lãi ngân hàng mà còn của anh em bạn bè và cả tiền vay lãi nóng. Đến nay, dù chị Bình đã xuất viện hơn một năm, nhưng gia đình đang phải gánh khoản nợ lớn, chưa có khả năng chi trả.

Không có tiền trả nợ, tiếp tục điều trị bệnh, những lúc trái gió trở trời, chị Bình lại ôm đầu nằm lăn giữa nền nhà vật vã vì đau đớn. Từ một người khỏe mạnh, chị Bình nay mất sức lao động, một tai bị điếc, đãng trí, nói trước quên sau. 

Bố chồng chết, mẹ chồng và em trai chồng bị tâm thần, chị Bình chỉ còn chỗ dựa duy nhất là người chồng thì anh lại mắc phải căn bệnh u não. Anh Mỹ cho hay, cách đây 2 tháng, sau một thời gian cảm thấy chóng mặt, đau đầu dữ dội, anh vay mượn tiền bạc đi khám bệnh thì phát hiện mình bị u não.

Bệnh viện yêu cầu nên điều trị càng sớm, càng tốt, nhưng vì không có tiền nên đến nay anh vẫn đang phải âm thầm chịu đựng. “Tôi chỉ ước có 10 triệu đồng để đi chữa bệnh mà không thể. Khối u trong não càng ngày càng to ra mà tiền thì không có”, anh Mỹ ứa nước mắt.

Được hỏi mong ước của mình, chị Bình thở dài: “Giờ tôi chỉ cầu mong ông trời ban cho sức khỏe để làm việc, nuôi gia đình. Lỡ may tôi ra đi trước mọi người thì ai sẽ chăm mẹ, chú, chồng và các con đây”. Lo lắng cho người thân, nhưng chính bản thân chị hiện cũng không thể đi tái khám theo lịch hẹn vì không có tiền.

Vợ chồng chị Bình định bán nhà trả nợ nhưng rao mãi không ai mua
Vợ chồng chị Bình định bán nhà trả nợ nhưng rao mãi không ai mua 

Giờ đây, tài sản duy nhất của đại gia đình là mảnh đất liền kề ngôi nhà gia đình đang ở. Thế nhưng, rao bán suốt gần một năm với giá thấp vẫn không ai mua vì sợ rước họa vào thân. 

“Thấy gia đình tôi liên tiếp gặp nạn, nhiều người ác ý truyền tai nhau rằng nhà đất gia đình tôi có ma quỷ. Họ đồn do ma quỷ ám nên những thành viên trong nhà người chết, kẻ ốm đau, bệnh tật như vậy. Đất không bán được thì làm gì có tiền trả nợ, chữa bệnh, nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học”, gạt nước mắt, chị Bình trải lòng. 

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình này, ông Trần Đình Hòe, trưởng xóm cho hay, gia đình chị Bình khổ cực từ lâu. Kinh tế hạn hẹp, lại có nhiều người bệnh nên càng vất vả. Vị trưởng xóm nói: “Trước khi bị tai nạn, chị ấy tháo vát, khỏe mạnh lắm, việc chi cũng làm. Nhưng từ khi không may gặp nạn, sức khỏe giảm sút. Dù vậy, chị ấy vẫn chịu khó, không tiếng kêu than”.

Giờ đây, tài sản duy nhất của đại gia đình là mảnh đất liền kề ngôi nhà gia đình đang ở. Thế nhưng, rao bán suốt gần một năm với giá thấp vẫn không ai mua vì sợ rước họa vào thân. 

“Thấy gia đình tôi liên tiếp gặp nạn, nhiều người ác ý truyền tai nhau rằng nhà đất gia đình tôi có ma quỷ. Họ đồn do ma quỷ ám nên những thành viên trong nhà người chết, kẻ ốm đau, bệnh tật như vậy. Đất không bán được thì làm gì có tiền trả nợ, chữa bệnh, nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học”, gạt nước mắt, chị Bình trải lòng. 

Đọc thêm