Bao la tình mẹ
Chúng tôi đến Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) thăm Khang vào một buổi trưa nắng gắt. Trên giường bệnh đặt gần tường, Khang nằm nghiêng, miệng ngậm ống thở, tay phải cầm bút lông vẽ tranh. Giá vẽ là tập giấy trắng khổ A4 xếp theo chiều thẳng đứng đặt trước mặt. Trên chiếc ghế nhựa đặt cạnh giường, chị Lê Thị Trò (SN 1973, mẹ của cháu Khang) âu yếm dõi ánh mắt theo từng nét bút của con.
Theo lời kể của chị Trò, năm 21 tuổi, chị sinh đứa con trai đầu lòng, về sau chị sinh thêm 2 cháu trai nữa. Nhưng không may cho vợ chồng chị, chỉ có đứa con đầu được bình thường, 2 đứa sau đều mắc căn bệnh teo cơ tủy bẩm sinh SMA - Spinal Muscular Atrophy. Thế rồi niềm đau ập đến khi đứa con thứ 2 ở với cha mẹ không bao lâu thì qua đời.
Cháu Khang chào đời vào tháng 2/2007, chưa đầy một năm sau, cháu phải nhập viện để điều trị căn bệnh quái ác này. Từ đó đến nay đã hơn 8 năm, Khang chưa một lần về lại nhà. Trên giường bệnh, em lớn dần lên trong tình thương mênh mông của mẹ và sự yêu thương, chăm sóc tận tình của thầy thuốc, nhân viên y tế Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi.
Tình thương mênh mông của mẹ giúp Khang có nghị lực hơn với cuộc sống. |
Nhìn cảnh đời của gia đình chị Trò, ai cũng phải xót xa. Khi đứa con thứ 2 mất, rồi cháu Khang nhập viện, anh Nguyễn Ngọc Hoàng (SN 1969, chồng chị Trò) suy sụp, hoang mang cùng cực. Cũng từ đó, bệnh tiểu đường của anh chuyển biến nặng hơn. Chị Trò cũng chẳng hơn gì chồng, những ngày đầu đưa con đến bệnh viện, chị rũ xuống như tàu chuối hơ trên lửa. Nhưng rồi, chị gạt nước mắt, gượng đứng dậy để chăm con.
Mặc ruộng vườn thiếu người cấy trồng chăm bón, mặc nhà cửa không người trông nom, lo liệu và mặc gia cảnh ngày càng khó khăn, kiệt quệ, chị Trò ở luôn trong bệnh viện ôm ấp, ẵm bồng Khang. Tình thương mênh mông dành cho con không chỉ giúp chị vượt qua bao khó khăn không lường hết, mà còn thắp sáng trong trái tim chính mình niềm hy vọng mong manh.
Khi Khang đến tuổi đi học, chị Trò nảy ra ý định dạy chữ cho con. Thế là Khang học chữ, học làm tính từ mẹ. Từng ngày, từng ngày bên giường bệnh, chị Trò kiên trì, tỉ mẩn chỉ cho con học, cầm tay con tập viết, giúp con làm toán. “Bây giờ, Khang đã có thể ghép vần những từ đơn giản và làm được toán cộng, trừ ba con số. Còn vẽ, không ai chỉ dạy, thấy Khang thích, tôi tìm giấy bút, làm giá vẽ cho con”, chị Trò tâm sự.
Nói rồi, chị Trò bảo: “Khi tôi dạy cho con học chữ, làm tính, cũng có người nói thế này thế kia, kiểu như bệnh vậy thì học để làm gì. Nhưng tôi cứ dạy, cho con và cả cho tôi nữa. Để cháu thấy mình cũng là một người bình thường, hay ít ra cũng là một bệnh nhân bình thường. Còn với tôi, điều đó còn là để gieo một hy vọng, để mẹ con cùng vui với những niềm vui nho nhỏ. Khi Khang thích vẽ, tôi thật sự rất vui. Tôi động viên để cháu vẽ càng nhiều càng tốt, bởi đó là cách để cháu cảm nhận niềm vui cuộc sống”.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Dũng (Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi) cho biết: “Khang là bệnh nhân đặc biệt của chúng tôi. Hơn 8 năm qua, cháu liên tục phải thở máy, trong đó có 2 lần ngừng tim do viêm đường hô hấp, nhiễm trùng phổi. Nhưng sau khi được hồi sức cấp cứu, Khang đã trở lại bình thường. Đây là một trường hợp hiếm gặp không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, bởi lẽ y văn thế giới chưa ghi nhận bệnh nhân nào phải thở máy liên tục mà sống được trong thời gian dài như vậy. Có thể nói, Khang là một người có nghị lực phi thường”.
Những bức tranh đặc biệt
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2014 đến nay, trên giường bệnh, Khang nằm vẽ hàng trăm bức tranh về phong cảnh, về chó, mèo, chim muông, hoa lá… Lúc đầu nét vẽ còn đơn giản, sơ sài; càng về sau lại càng cứng cáp. Và đến nay, mỗi bức tranh của Khang, dù có chú thích hay không, cũng đều mang đến cho người xem một thông điệp nào đó.
Mỗi khi Khang vẽ, cho đến lúc hoàn thành bức tranh, đều phải có người nuôi túc trực (thường là mẹ) để giúp xê, xích giá vẽ hoặc lấy bút lông, màu tô các loại. Khang chỉ có thể nằm, miệng ngậm ống thở đầy khó nhọc và vướng víu, đầu quay sang một bên, với giá vẽ để sẵn trước mặt có khoảng cách phù hợp, tay phải tì lên cằm, cây bút lông nằm hờ giữa hai ngón tay, Khang di bút lướt nhẹ trên mặt giấy. Chỉ bằng cách ấy, đến nay hàng trăm bức tranh sinh động, đa dạng chủ đề ra đời.
Bức tranh thể hiện ước mơ được về nhà của Khang khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. |
Gắn chặt với giường bệnh cùng máy thở 8 năm ròng, Khang gần như không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mọi hình dung của em chỉ thông qua những câu chuyện kể của cha mẹ, người thăm nuôi cùng truyện cổ tích, truyện tranh mà gia đình mang vào. Và một “kênh” nữa là chiếc điện thoại mà Khang thường dùng để xem phim hoạt hình.
Hiểu biết về thế giới đầy hạn hẹp thế nhưng những gì hiện lên trong tranh của Khang lại hết sức phong phú, ngộ nghĩnh về ý tưởng, khá sâu sắc về nội dung. Những bức Mục đồng, Tát nước, Ngày mùa… là cách Khang đưa vào tranh những hình dung về quê nhà mình, qua lời kể của mẹ. Những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích như Rùa và Thỏ, Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời… đã được Khang “chuyển thể” thành những bức họa sinh động, vui tươi, ngộ nghĩnh.
Bên cạnh mảng tranh về các nhân vật hoạt hình, cổ tích, muông thú, hoa lá, có nhiều bức tranh khiến người xem rơi nước mắt. Đó là bức tranh Khang vẽ chính mình, một bệnh nhi trên giường bệnh, miệng ngậm ống thở, đang được y tá chăm sóc.
Trong bức “Ước mơ em được về nhà”, Khang vẽ ngày xuất viện của mình. “Trước cổng nhà, cha và bà nội đã đứng đón sẵn, mẹ đi cùng con và tay xách nhiều đồ. Con cũng cầm một túi nhỏ, anh hai từ nhà bước ra đón con với những bước chân sải dài đầy mừng vui, hai tay chìa về phía con, ý nói để anh xách cho. Bà nội vì quá mừng đến phát khóc nhưng cố kìm lại nên miệng nội trông như mím lại, con cố ý vẽ chi tiết miệng nội như vậy”, Khang chia sẻ.
Cùng với đam mê vẽ tranh, Khang rất thích, cảm thấy vui khi được tặng tranh mình vẽ cho mọi người. Trong nhiều năm qua, Khang đã tặng cho nhiều bệnh nhi và người nhà bệnh nhi. Khang tặng cho một cô y tá chăm sóc mình mà em rất quý mến 30 bức. Và lần tặng nhiều nhất là 150 bức cho một vị khách từ Hà Nội vào thăm em.
Chị Trò kể: “Từ khi Khang biết vẽ và ngày càng tỏ ra mải mê, có một vài nhóm từ thiện, cá nhân hảo tâm đến thăm, gọi Khang là “họa sĩ nhí”. Để động viên cháu vui sống, những mạnh thường quân thường khuyên cháu yên tâm dưỡng bệnh, cố gắng vẽ đẹp để sau này có điều kiện thì tập hợp tranh lại để triển lãm, giới thiệu cho nhiều người biết tới hơn…
Ước mơ về cuộc triển lãm tranh của Khang cũng đã thành hiện thực. Đó là vào một ngày cuối tháng 6 vừa qua, CLB Thiện nguyện Cầu Vồng (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tổ chức một buổi triển lãm của Khang với chủ đề “Ước mơ của Khang” như dịp để nhiều người biết đến nghị lực phi thường và tâm hồn sáng tạo không giới hạn của cậu bé mang trọng bệnh, đồng thời cũng khơi dậy, lan tỏa lòng nhân ái.