Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra đã đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào cuộc khủng hoảng với mức độ tác động nguy hại vượt xa tất cả những cuộc khủng hoảng mà EU đã phải ứng phó và vượt qua cho tới nay.
EU là liên minh tập hợp các quốc gia ở châu Âu thành một khối dựa trên nền tảng là những hệ giá trị được tất cả các thành viên công nhận là của chung. Một liên minh như thế chỉ có thể tiếp tục tồn tại, tiếp tục phát triển và có được tương lai khi tạo dựng và duy trì được sự gắn bó và đoàn kết nội bộ giữa các thành viên và khi không để cho những thành tựu phát triển đã đạt được bị đảo ngược.
Trong những năm gần đây, EU liên tục gặp hoạ khi chưa hết khủng hoảng này đã thấy thách thức khác xuất hiện đe doạ sự tồn vong, uy danh và thể diện của EU. Cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công, cuộc khủng hoảng của đồng tiền chung Euro, cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn và di cư, sự trỗi dậy mạnh mẽ của những lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, nước Anh ly khai, khó khăn trắc trở nhiều trong mối quan hệ với Mỹ và Nga... đã khiến EU cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hết liêu xiêu.
Thật đúng là họa vô đơn chí đối với EU khi trong bối cảnh tình hình như thế lại bị đại dịch bệnh thách thức và đe doạ thật sự. Dịch bệnh này đã không chỉ làm cho sự phân hóa và mối bất hoà trong nội bộ EU trở nên sâu sắc và trầm trọng hơn mà còn làm đảo ngược không ít thành tựu phát triển rất quan trọng mà EU đã đạt được cho đến nay. Dịch bệnh này trên thực tế đã biến EU từ một liên minh dần trở thành tập hợp lỏng lẻo của các nước ở châu Âu.
Các thành viên EU tự quyết định và thực hiện những biện pháp chính sách đối phó dịch bệnh trong khuôn khổ phạm vi nhà nước quốc gia riêng, không tham vấn lẫn nhau, không thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong khuôn khổ quan hệ song phương cũng như trong khuôn khổ EU. Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy lựa chọn lối đi trong cuộc chiến chống dịch bệnh và trong việc dò bước tìm lối thoát ra khỏi dịch bệnh. EU bị gạt ra ngoài rìa và vai trò dẫn dắt các thành viên vượt qua khó khăn và thử thách mới bị lu mời bởi sự tự tung tự tác của các nhà nước quốc gia thành viên.
Sau 4 lần tiến hành hội nghị cấp cao trực tuyến, EU ở lần hội nghị gần đây nhất đã đạt được sự nhất trí trên nguyên tắc về gói cứu trợ tài chính 540 tỷ Euro giúp các thành viên khắc phục khó khăn trong đối phó dịch bệnh để đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện an sinh xã hội và khôi phục phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng đoàn kết thống nhất nội bộ thật sự vẫn thiếu vắng, sự phân hoá trong liên minh vẫn rất trầm trọng, các mối bất hoà vẫn chưa được khắc phục khiến EU vẫn chưa thoát được ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bế tắc ý tưởng chiến lược và tình trạng lực bất tòng tâm.