“Bật mí” về quả ấn thiêng – linh vật quý giá tại đền Trần

(PLVN) - Mỗi năm, hàng chục ngàn lá ấn được phát đi từ lễ hội khai ấn đầu xuân tại khu di tích đền Trần – chùa Phổ Minh (tỉnh Nam Định) đã mang may mắn và phước lành đến cho muôn người. Thế nhưng ít ai trong số chúng ta hiểu hết được những bí ẩn xung quanh quả ấn "Trần miếu tự điển", một linh vật quý giá, một công cụ chuyển tải văn hóa tâm linh từ nơi thờ phụng linh thiêng đến tâm thức của mỗi người.
Rước lễ trong Lễ hội khai ấn đền Trần, Nam Định - ảnh Ngọc Quang.
Rước lễ trong Lễ hội khai ấn đền Trần, Nam Định - ảnh Ngọc Quang.

Tục cổ truyền được lưu giữ

Lễ khai ấn đầu xuân là một phong tục có từ lâu đời và chỉ riêng Nam Định phát triển thành một tập quán phổ biến trong cả nước. Lễ hội khai ấn đầu xuân tại khu di tích đền Trần – chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) có ý nghĩa đặc biệt bởi khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên – Mông xâm lược. Đây là lễ hội thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với những vị vua anh minh, những vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc có công với dân với nước bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính.

Đến nay, tuy chưa phát hiện được tài liệu, sử sách nào ghi chép cụ thể về nguồn gốc, lịch sử của lễ khai ấn đền Trần nhưng thực tế đây là một tục cổ truyền đã được nhân dân làng Tức Mặc gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ như một sự tưởng nhớ công ơn của tổ tiên nhà Trần đối với bách gia trăm họ. 

Lá ấn đền Trần - Nam Định
Lá ấn đền Trần - Nam Định 

Quả ấn được sử dụng trong Lễ khai ấn đầu năm hiện nay ở đền Trần là ấn "Trần miếu tự điển". Ấn“Trần miếu tự điển” được bảo lưu và sử dụng ở đền Trần và một số ấn tín tiêu biểu ở những đền điện khác là những linh vật quý giá.

Chúng vừa mang ý nghĩa là một đồ thờ vừa như một vật dụng, công cụ chuyển tải văn hóa tâm linh từ nơi thờ phụng linh thiêng đến tâm thức của mỗi người dân. Trong lễ Khai ấn đầu năm, hình dấu son “Trần miếu tự điển”in trên tấm lụa vàng không chỉ mang nét đặc trưng cho loại hình ấn tín thuộc lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng mà còn hàm chứa ý nghĩa văn hóa xã hội sâu sắc.

Ấn hình vuông, được làm bằng gỗ, bên ngoài bọc đồng, mặt ấn có kích thước 13cm x 13cm, thân dày 3cm, núm cao 4cm, viền ấn rộng 1,7cm, mặt ấn khắc nổi 4 chữ Hán "Trần miếu tự điển" theo kiểu chữ Chân, nét khắc to, rõ, nổi. Hai mặt đông - tây của viền ấn khắc hình 2 con rồng, mặt nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ Hán "Tích phúc vô cương", từ thân ấn lên núm ấn có 5 bậc. Núm ấn hình vuông, trên núm ấn có khắc chìm 1 chữ Hán là chữ Thượng.

Nghi lễ rước trang trọng, linh thiêng
Nghi lễ rước trang trọng, linh thiêng  

Ngoài ấn "Trần miếu tự điển" còn có một con dấu ấn nhỏ còn gọi là dấu "kiềm". Dấu hình thang cân, được làm bằng gỗ, phía ngoài bọc đồng. Mặt ấn có kích thước 5cm x 2,5cm, khắc nổi 2 chữ Hán "Trần miếu" theo kiểu chữ Triện. Trên núm ấn có khắc chìm 1 chữ Hán là chữ "Chính". Khi đóng, ấn "Trần miếu tự điển" đóng phía trên tờ giấy, ấn "Trần miếu" đóng phía dưới.

Ở đây, có thể hiểu "Trần miếu tự điển" là: Điển tích thờ tự tại miếu nhà Trần. "Tích phúc vô cương" có nghĩa là: Ban cho phúc lộc dài lâu mãi mãi. "Trần miếu" có nghĩa là: Miếu nhà Trần (họ Trần). Chữ "Thượng" và chữ "Chính" khắc trên núm ấn mang ý nghĩa: khi đóng phải thuận theo hình thể chữ, tránh đóng ngược.

Căn cứ vào đặc điểm, hình dáng kiểu chữ, phong cách… thì nhiều nhà nghiên cứu đoán định rằng chiếc ấn này được chế tạo vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ấn được đặt trong hòm gỗ sơn son thếp vàng, lưu giữ tại đền Cố Trạch. Trên hòm gỗ có hình lân. Đến giờ tý ngày 15 tháng giêng, dân làng làm lễ rước ấn từ đền Cố Trạch (đền Hạ) sang đền Thiên Trường (đền Thượng) làm lễ Khai ấn.

Nghi lễ trang trọng, linh thiêng 

Lễ Khai ấn đầu xuân tại khu di tích đền Trần – chùa Phổ Minh diễn ra vào giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng. Ngày thường quả ấn được lưu giữ tại đền Cố Trạch - nơi thờ Đức Thánh Trần. Sáng ngày 14 tháng Giêng nhân dân làng Tức Mặc sửa soạn kiệu để chuẩn bị cho buổi lễ, đồng thời làm công tác chuẩn bị như bao sái đồ thờ, sắm sửa đồ tế lễ, phân công lực lượng tham gia buổi lễ.

Trước giờ Tý, mọi người tham dự tập trung tại đền Cố Trạch, đoàn rước chuẩn bị, các cụ cao tuổi đại diện cho dân làng làm lễ tại đền Cố Trạch xin Đức Thánh Trần được rước ấn sang đền Thiên Trường khai ấn. Hòm đựng ấn được chuyển ra kiệu. Đoàn rước ấn tổ chức rất trọng thể, có sự tham gia của khoảng 150 người. Đi đầu có cờ thần rồi đến phù giá bao gồm kiếm lệnh, bát biểu, chấp kích, rồi đến mâm hoa quả, tiếp đến là kiệu rước hòm ấn, đội bát âm, sau cùng là đoàn tế nam quan (25 người) cùng khách hành hương.

Đoàn đi theo nhịp trống, chiêng vòng quanh hồ vào sân đền Thiên Trường. Tại đây kiệu ấn được đặt trang trọng phía trước sân hành lễ nơi đặt bàn thờ “Trung thiên” để làm lễ dâng hương tế cáo trời đất. Đội tế xắp xếp hàng ngũ do ông chủ tế chỉ huy, tiếp tục làm lễ tại ban thờ “Trần Triều liệt miếu tiên hoàng đế Thần vị”. Hòm đựng ấn được dâng lên ban thờ và ông Chủ tế đọc chúc văn có nội dung đại ý xin các Hoàng đế nhà Trần được khai ấn ban phúc cho muôn dân.

 

Tiếp theo là phần khai ấn. Các cụ cao niên ngồi thành hàng phía dưới ban thờ các vua. Ông chủ lễ ngồi chính giữa, có 2 người giúp việc, một chuẩn bị giấy, một chuẩn bị mực dấu, phía sau là các đại biểu mời tham dự Lễ Khai ấn. Hòm ấn được mở ra, ông chủ lễ đóng các lá ấn đầu tiên. Ấn “Trần Miếu tự điển” đóng trước chính giữa tờ giấy, tiếp đó dấu “Trần Miếu” (dấu nhỏ) được đóng phía dưới.

Những lá ấn được đóng đầu tiên dành dâng lên các nơi thờ liên quan đến nhà Trần ở địa phương như: Đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Phổ Minh, đình Tức Mặc, đình Động Kính, đình Thượng Bái, đình Vĩnh Trường, đình Thượng Lỗi. Sau này còn dâng thêm ở các di tích thời Trần mới được phục dựng ở địa phương. Tiếp theo các lá ấn được lần lượt phát cho người tham dự và du khách.

Những năm gần đây do lượng khách tham dự và có nhu cầu xin lá ấn quá đông, các lá ấn được đóng dấu từ trước đựng trong các hòm gỗ sơn son. Khi tiến hành Lễ Khai ấn các hòm ấn được dâng lên ban thờ các vua, việc khai ấn chỉ đóng một số lá mang tính tượng trưng, những lá ấn này được dâng lên các di tích liên quan đến nhà Trần ở địa phương, sau đó hòm ấn được chuyển ra ngoài phát cho nhân dân tham dự.

Từ năm 2012, việc phát ấn được chuyển sang sáng ngày 15 tháng Giêng và kéo dài một số ngày sau đó để đáp ứng nhu cầu xin lộc ấn của du khách. Số lượng ấn phát ra hàng năm là hàng chục ngàn, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Đến với lễ hội tại khu di tích đền Trần – chùa Phổ Minh, người dân không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà điều quan trọng hơn họ còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu di tích. Từ công trình kiến trúc và cảnh quan, từ những dấu vết vật chất còn tồn tại ở khu di tích này là những hiện vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch, ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học sẽ phần nào tái hiện trong trí tưởng tượng của mỗi người về một thời đại huy hoàng, đầy oanh liệt về võ công, văn trị - thời đại nhà Trần. Đó chính là không gian là những điều kiện tốt nhất để lễ hội có sức sống lâu bền cùng với thời gian.

Đọc thêm