Chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới bất động sản

(PLVN) - Cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 diễn ra tuần trước, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định về điều kiện, quyền, nghĩa vụ, đào tạo, cấp chứng chỉ, giới hạn của chứng chỉ đối với hoạt động môi giới bất động sản, hướng tới hình thành tính chuyên nghiệp của hoạt động này.

Quản lý hoạt động môi giới bất động sản chưa đảm bảo yêu cầu

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) hiện hành quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện thi sát hạch để được cấp chứng chỉ môi giới BĐS còn đơn giản, dễ dàng nên việc quản lý hoạt động môi giới BĐS còn chưa đảm bảo yêu cầu. Thực tế còn một bộ phận đội ngũ làm môi giới BĐS còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh BĐS hiện hành cũng thiếu quy định về việc thu hồi chứng chỉ môi giới BĐS đối với cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới BĐS khi vi phạm quy định của Luật, việc xử lý vi phạm chỉ được quy định trong Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng nên hiệu lực chưa cao.

Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trình tại phiên họp gồm 11 chương với 93 điều. Trong đó, tại Chương VII quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS; nội dung môi giới BĐS; thù lao của cá nhân môi giới BĐS; quyền của môi giới BĐS; nghĩa vụ của môi giới BĐS; điều kiện thành lập đối với cơ sở đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS; thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, so với Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, dự thảo Luật quy định cá nhân hoạt động môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS chỉ được hành nghề trong sàn giao dịch BĐS hoặc tổ chức môi giới BĐS. Quy định mới tại dự thảo Luật là một trong những cách thức để nâng cao chất lượng và trách nhiệm hành nghề của đội ngũ môi giới BĐS, đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Để tiếp tục hoàn thiện, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về môi giới BĐS hướng tới hình thành tính chuyên nghiệp của hoạt động này.

Trong đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tách riêng quy định và tiếp tục hoàn thiện quy định về các điều kiện, quyền và nghĩa vụ của “cá nhân được hành nghề môi giới BĐS” và của “tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS”, làm rõ mối quan hệ, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa hai chủ thể này. Làm rõ tính cần thiết, bắt buộc của quy định cá nhân hoạt động môi giới BĐS có nghĩa vụ phải tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hành nghề môi giới BĐS hàng năm để cập nhật kịp thời các quy định pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực BĐS.

Luật hóa có chọn lọc quy định về đào tạo môi giới BĐS

Về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sản giao dịch BĐS; cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định trên cơ sở đánh giá thực tiễn thực hiện quy định hiện hành nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế như đã chỉ ra, đáp ứng mục tiêu kiểm soát, nâng cao chất lượng và trách nhiệm hành nghề của đội ngũ môi giới BĐS. Đồng thời, luật hóa có chọn lọc các quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS; cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận thấy dự thảo Luật đã bổ sung quy định, điều kiện đối với người quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS, kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Theo đại biểu, đây là những quy định cần thiết để tăng cường chất lượng hoạt động của giao dịch BĐS và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ ra rằng, Điều 69 dự thảo Luật quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân môi giới BĐS quy định “… phải tổ chức và tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hành nghề môi giới, cập nhật kịp thời các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS”. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhận định, quy định này chưa làm rõ cách thức quản lý để biết các cá nhân, tổ chức này thực hiện nghĩa vụ hay chưa.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đặt vấn đề, về các hành vi bị cấm, dự thảo Luật cấm việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS không đúng quy định của luật. “Vậy có cấm người hành nghề môi giới không có chứng chỉ hay không? Mặt khác, hiện nay, vấn đề “cò đất” là một trong những câu chuyện rất đau đầu của các địa phương”, đại biểu nói và cho rằng nên cấm người môi giới không có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh cũng chỉ ra rằng, hoạt động của các sàn giao dịch BĐS tại các địa phương không phổ biến, chủ yếu thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, dự thảo Luật cần có những quy định chặt chẽ để phân biệt giữa hành vi người đi môi giới để đi đấu giá đất với người có nhu cầu đấu giá đất thật sự.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để quy định việc đào tạo, bồi dưỡng hành nghề, cấp thẻ, chứng chỉ cho những người hành nghề môi giới BĐS bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, tiếp tục hoàn thiện quy định về điều kiện quyền, nghĩa vụ đào tạo, cấp chứng chỉ, giới hạn của chứng chỉ đối với hoạt động môi giới BĐS, hướng tới hình thành tính chuyên nghiệp của hoạt động này. Đồng thời, rà soát lại các điều, khoản trong dự thảo Luật để đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi; cụ thể hóa tối đa những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn.

Đọc thêm