Vợ chồng lương y rẽ bóng tối tìm hạnh phúc

(PLO) -  Anh Linh và chị Hằng đã dìu nhau qua bóng tối để xây một mái ấm hạnh phúc, vợ chăm con và giúp chồng chữa bệnh cứu người. Chuyện tình của họ như cổ tích giữa đời thường khiến bao người cảm phục.
Phút nghỉ ngơi của vợ chồng anh Linh - chị Hằng sau một ngày miệt mài làm việc.
Phút nghỉ ngơi của vợ chồng anh Linh - chị Hằng sau một ngày miệt mài làm việc.
Đó là chuyện cảm động về cặp vợ chồng khiếm thị tại thôn Bích Đại, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tấm lòng từ mẫu đã giúp anh Bùi Văn Linh (sinh năm 1977) và chị Phạm Thị Hằng (sinh năm 1982) đến với nhau và họ huy động đôi tay chữa bệnh cứu người.
Bất hạnh cùng đột ngột giáng xuống
Hơn 10 năm sống trong bóng tối, chị Hằng (quê gốc ở xã Phú Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã quên hết màu sắc cuộc sống. Nhưng điều khiến chị dằn vặt nhất là nhiều khi, dù cố gắng nhường nào chị cũng không thể nhớ nổi khuôn mặt của bố mẹ và các em mình. Còn khuôn mặt của chồng và các con chị, chị chỉ có thể “nhìn” trong tưởng tượng. 
Chị Hằng là con cả của một gia đình thuần nông có bốn chị em. Vốn xinh đẹp lại học giỏi, đảm đang nên chị được rất nhiều người thầm thương trộm nhớ. Song, chị chỉ quyết tâm học để thực hiện mơ ước thành cô giáo dạy văn. “Tôi ước mơ là cô giáo dạy văn từ ngày được học thơ Nguyễn  Đình Chiểu - một thầy đồ yêu nước, đui mắt nhưng sáng lòng” - chị Hằng chia sẻ.
Nào ngờ, số phận thầy đồ mà chị tôn kính lại vận vào chị. Năm 2000, khi chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12, bỗng nhiên chị thấy mắt mình mờ dần. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm đáy mắt. Thương con, bố mẹ bán từng lứa thóc non lấy tiền đưa chị đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ chữa trị, nhưng đều vô vọng. Đến năm 2003, chị không còn được nhìn thấy ánh sáng…
Từ một thiếu nữ tuổi trăng tròn với bao hoài bão, khát vọng, Hằng trở thành kẻ mù lòa suốt đời. Chị tuyệt vọng, bất mãn với cuộc sống. Chị mặc cảm, tự ti với người đời. Chị luôn nghĩ mình là kẻ vô dụng bởi đã mất đi thứ quý giá nhất của con người là đôi mắt. “Lúc đó, tôi chỉ muốn không ai biết đến sự tồn tại của mình. “Tôi luôn hình dung ra những ánh mắt thương hại đang chăm chăm vào mình, còn mình thì mù lòa, ngơ ngác nhìn lên, nhìn xuống rồi cuối cùng vẫn chẳng nhìn thấy gì…” - chị nhớ lại.
Cùng thời điểm đó, tại một vùng quê khác cũng có một thanh niên đang loay hoay tìm cách thấy được ánh sáng mà không cần đôi mắt. Đó là anh Bùi Văn Linh (trú tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). 
22 tuổi, Linh có một gia đình êm ấm với người vợ và một bé gái kháu khỉnh. Nhưng “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”, tự nhiên anh thấy mắt mình mờ dần và cũng được chẩn đoán là bị viêm đáy mắt, không thể cứu chữa. Mặc bệnh tật và sự đau đớn hành hạ, anh vẫn luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ cho vợ con vững lòng. Song, gia đình nhỏ bé của anh chẳng cầm cự được bao lâu. 
Một năm sau ngày anh lâm bệnh, vợ anh bỏ chồng con đi tìm hạnh phúc mới. Anh Linh tâm sự: “Lúc đó tôi chẳng nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến con. Nó còn nhỏ quá, không có mẹ mà phải sống với người cha mù lòa. Tôi không biết làm sao để nuôi nấng, chăm sóc con bé”.
Nhưng cuộc sống như có sự sắp đặt vô hình, những mảnh đời sứt mẻ lại thường được ghép vào nhau để tạo thành một khối vừa vặn. Anh Linh, chị Hằng sau những thời khắc tuyệt vọng đã mạnh mẽ đứng lên, tìm cho mình một đường đi, thoát khỏi số phận nghiệt ngã… Con đường họ cùng chọn là y học.  
Dìu nhau ra ánh sáng
Năm 2004, anh Linh và chị Hằng đều xin vào học tại Học viện Y học cổ truyền Hà Nội, chuyên về xoa bóp, bấm huyệt. Học chữ đối với người mù đã gian nan, lại còn học nghề chữa bệnh cứu người thì quả là một thử thách lớn. Nhưng anh chị không hề nản chí, bởi họ xác định đây chính là con đường đúng đắn giúp họ thoát khỏi được sự mặc cảm, tự lập thân, lập nghiệp và cứu người.
Anh Linh và chị Hằng học chung một lớp, ban đầu chỉ ấn tượng với nhau vì cùng mắc căn bệnh viêm đáy mắt dẫn đến mù lòa. Dần dà, thấy chị Hằng thông minh, tiếp thu kiến thức rất nhanh, lại có giọng nói ngọt ngào nên anh Linh chủ động làm quen và bày tỏ mong muốn trở thành bạn tâm giao của chị.
Vì không thể nhìn thấy mặt nhau nên hai anh chị chỉ có thể tìm hiểu qua giọng nói và sự quan tâm, chia sẻ. Chẳng bao lâu, họ chính thức trở thành người yêu của nhau, mặc bên ngoài bao lời bàn tán và e ngại về tương lai mịt mù của hai người.
Kết thúc khóa học 6 tháng, chị Hằng trở về Hưng Yên làm việc trong Hội Khuyết tật, học thêm và chữa bệnh. Còn anh Linh về thị xã Phúc Yên hoạt động trong Hội Người mù. Quãng đường 120 km khiến chị Hằng nghĩ tình yêu của hai người khó duy trì. Thời gian đầu xa cách, anh chị chỉ liên lạc qua điện thoại. Nhưng rồi việc nghe giọng nói cũng không thể giúp họ thỏa nhớ nhung, anh Linh thường bắt xe ôm từ Vĩnh Phúc đến Hưng Yên thăm chị.
“Khoảng cách xa xôi, lại phải đi về trong ngày nên có những khi hai người chỉ được gặp nhau chốc lát lại phải từ biệt. Thương anh mù lòa phải đi xa, tôi từng vờ giận dỗi để anh không đến nữa, nhưng anh vẫn đi xe ôm tới thăm. Có hôm anh đến, gọi điện bảo tôi ra cổng tôi mới biết” - chị Hằng bộc bạch.
Anh Linh đang day huyệt chữa bệnh cho bệnh nhân.
 Anh Linh đang day huyệt chữa bệnh cho bệnh nhân.
Còn anh Linh thì lém lỉnh: “Theo đuổi bà xã cũng tốn kém lắm. Có tháng, toàn bộ tiền lương tôi chi hết cho ông xe ôm. Đến nơi, lại phải dỗ dành mất nửa thời gian vì Hằng không muốn tôi đến. Nhưng gặp được nhau thì hạnh phúc không tả được”.
Yêu nhau là vậy nhưng phải ba năm sau anh chị mới đi đến kết hôn bởi gia đình hai bên ngăn cản. Gia đình chị Hằng không muốn gả con gái cho người đàn ông đã có vợ, có con riêng, lại xa xôi, cách trở. Còn gia đình anh Linh không muốn anh phải lỡ làng thêm một lần nữa, bởi “vợ tinh mắt còn phải dứt áo ra đi, nói gì đến người vợ mù”. Năm 2006, anh chị vẫn quyết định tổ chức đám cưới, chị Hằng từ Hưng Yên theo anh Linh về Vĩnh Phúc.
Với kiến thức học được từ Học viện Y học cổ truyền, anh chị làm nghề xoa bóp, bấm huyệt, trị các bệnh như: thoát vị đĩa đệm, đau cột sống, chệch xương, khớp… Nhờ chữa bệnh hiệu quả nên “tiếng lành đồn xa”, mỗi ngày có rất nhiều người bệnh từ khắp nơi tìm đến nhà anh chị chữa. Anh Linh cho biết: “Có ngày tôi phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 7 giờ tối. Bệnh nhân từ xa đến nên không nỡ để họ về không”. 
Chị Hằng chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong khi chữa bệnh là mắt mù lòa, đôi khi phải mất khá nhiều thời gian mới xác định được các huyệt vị để bấm. Nhưng việc mất đi đôi mắt lại được anh Linh biến thành lợi thế. “Nghề của tôi chữa trị chủ yếu bằng tay. Chính vì không nhìn thấy gì nên đôi tay được tập trung tuyệt đối, cộng thêm sự cảm nhận, tôi nhanh chóng tìm được các mốc giải phẫu để bấm chính xác”  - anh Linh nói.
Tình yêu đơm hoa kết trái, anh chị sinh được 2 con trai và một con gái, gia đình 6 thành viên lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Chị Hằng vẫn dành thời gian làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, đảm đương công việc nội trợ gia đình. Còn anh Linh hàng ngày chăm chỉ làm nghề y để vừa đảm bảo cuộc sống no đủ cho vợ con, vừa có thể giúp người. Ông Nguyễn Văn Cận – Trưởng thôn Bích Đại, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Gia đình anh Linh được xếp loại Gia đình văn hóa của xã, vợ chồng con cái hòa thuận. Nghị lực vươn lên của đôi vợ chồng mù lòa khiến  nhiều người xung quanh rất cảm phục”.  

Đọc thêm